MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Hóa học xanh, Viện Hóa Học, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà

Gặp vị tiến sĩ tìm ra chất kháng ung thư hiệu quả cao

Vũ Thanh Hà (thực hiện) LDO | 26/07/2020 12:53
Mới đây, Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã công bố nghiên cứu điều chế thành công các phức chất Platin (II) có hoạt tính gây độc hiệu quả đối với tế bào ung thư, có tiềm năng ứng dụng trong việc chữa trị ung thư ở Việt Nam. Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với chủ nhiệm đề tài - TS. Nguyễn Quang Trung - xung quanh vấn đề này.

Đề tài “Nghiên cứu tổng hợp, đánh giá đặc trưng và hoạt tính kháng ung thư in vitro của một số phức Pt (II) với phối tử bazơ Schiff N2O2 quang hoạt” - mã số VAST04.01/17-18 do nhóm các nhà nghiên cứu Viện Hóa học, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện và đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu, xếp loại xuất sắc.

Lý do nào thôi thúc tiến sĩ nghiên cứu tìm hiểu các hoạt chất có khả năng kháng ung thư?

- Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung: Với lý do khách quan là xuất phát từ nhu cầu cá nhân trong cuộc sống, khi thấy bạn bè người thân mắc căn bệnh ưng thư là coi như đối diện với tử thần. Thêm nữa, bệnh ung thư trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang có chiều hướng gia tăng do môi trường sống bị ô nhiễm, thực phẩm bẩn... khiến số người tử vong vì ung thư ngày càng nhiều. Chính điều này đã thôi thúc tôi, một nhà hóa sinh vô cơ vốn đã có nghiên cứu về phức chất tại nước ngoài theo hướng chất xúc tác, tiếp tục nghiên cứu phát triển phức chất Platin nhằm điều chế ra những phức chất có hoạt tính kháng ung thư hiệu quả cao và có khả năng ứng dụng sản xuất thuốc điều trị ưng thư, cải thiện và kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư. Với phương châm giảm thiểu tối đa tác dụng phụ của thuốc, chi phí điều trị và hỗ trợ bệnh nhân sống vui, khỏe, có ích.

Từ những năm 1960, các nhà khoa học thế giới đã phát hiện ra hoạt tính sinh học của Cisplatin. Nó đã trở thành một trong những tác nhân kháng ung thư hiệu quả và được sử dụng phổ biến. Cho đến nay hơn 30 năm đã qua, thuốc có nguồn gốc Platin như Cisplantin, Carboplatin vẫn đóng vai trò quan trọng trong hóa trị ung thư. Tuy nhiên, có một vài nhược điểm là độc tính mạnh của nó và hiện tượng kháng thuốc đã làm hạn chế chúng trong trị liệu. Những hạn chế này đã thôi thúc các nhà hóa học Việt Nam tiếp tục phát triển các phối tử phù hợp có khả năng tạo phức với Platin. Gần đây, khi tạo phức với Platin (II), chúng cho các kết quả huỳnh quang khá phong phú, đặc biệt là hoạt tính sinh học rất hứa hẹn với các chủng vi sinh và độc tố với các dòng tế bào ưng thư.

Các cán bộ của Phòng Hóa học xanh đang tiến hành nghiên cứu. Ảnh: Thanh Hà

Theo báo cáo của đề tài đã điều chế 22 phức chất loại này, các nhà hóa học cũng đã thử hoạt tính kháng ung thư in vitro trên các dòng tế bào ung thư ở người như KB, MCF-7, Lu và Hep-G2... chủ yếu là trên các dòng tế bào ung thư biểu mô và ung thư vú... Kết quả ứng dụng đã xác định được 2 phức chất có hoạt tính tốt tương đương chất chuẩn, có thể dùng các chất này trong các nghiên cứu in vivo tiếp theo? Vậy phải mất bao nhiêu thời gian nữa kể từ khi tìm ra hoạt chất gây độc với tế bào ung thư đến khi có thể thành thuốc điều trị ung thư?

- Vấn đề này đã được chúng tôi đeo đuổi trên dưới 6 năm và sau hơn 2 năm thực hiện đề tài (từ tháng 1.2017 - 6.2019), nhóm nghiên cứu đã có báo cáo bước đầu về tổng hợp được 22 phức chất Platin (II) với phối tử bazơ Schiff dạng N2O2 đồng phân quang hoạt đối quang và không quang hoạt, đặc biệt là kết quả đã xác định được 2 phức chất có hoạt tính tốt tương đương chất chuẩn, có thể dùng các chất này trong các nghiên cứu in vivo tiếp theo.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ nghiên cứu này, kết quả nghiên cứu chỉ nằm trong phạm vi nghiên cứu tổng hợp và xác định nhóm phức chất có độc tính với tế bào ung thư được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm (in vitro), chứ chưa đánh giá độc tính trên cơ thể sống (in vivo). Kết quả nghiên cứu này được coi là tiềm năng, định hướng để có thể tiếp tục phối hợp nghiên cứu dược tính, tính sinh khả dụng của các phức chất và xem các phức chất này có gây độc với tế bào lành hay không. Cần thử nghiệm trên động vật sống như chuột, thỏ... sau đó mới thử nghiệm trên người và từ đó mới kết luận có thể điều chế thành thuốc kháng ưng thư hay không. Như vậy, để có thể chế tạo ra thuốc cần có sự phối kết hợp giữa hoá và y dược chứ riêng ngành hoá học thì chưa thể chế tạo thuốc kháng ung thư. Đây là quy trình khép kín hóa - y dược.

Sau khi công bố đề tài, ông có mong muốn tiếp tục phát triển cùng ngành dược, ngành y để đưa ra các sản phẩm thuốc kháng ung thư? 

- Trên thực tế đã có một số đơn vị quan tâm đến kết quả nghiên cứu của đề tài và động viên nhóm nghiên cứu hãy cố gắng phát triển để có thể chế tạo thành thuốc. Chúng tôi luôn sẵn sàng và mong muốn được tiếp tục tổng hợp các phức chất kháng ung thư nói chung, phức chất Platin (II) nói riêng để có thể phối kết hợp đánh giá dược tính in vivo của nhóm phức chất gây độc với tế bào ung thư này. Bên cạnh thực phẩm chức năng Nano Curcumin sản xuất từ hợp chất tự nhiên hỗ trợ cho các bệnh nhân ung thư, chúng tôi rất mong có sự quan tâm chia sẻ và phối kết hợp của các nhà dược học và các công ty dược về nhóm các hợp chất kháng ung thư này để có thể tiến tới điều chế ra thuốc kháng ung thư ở Việt Nam.

Chúng tôi rất hiểu sự quan tâm mong muốn của các độc giả về thuốc chống ung thư, tuy nhiên việc nghiên cứu phát triển và ứng dụng các phức chất Platin (II) thành thuốc là một quá trình, cần thêm thời gian đánh giá phức chất có độc tính với tế bào lành hay không, kiểm nghiệm độc tính cấp, độc tính bán trường diễn của chúng, có độc tính lâm sàng hay không? Cần nghiên cứu dược tính của phức chất Platin (II) một cách toàn diện để có thể hướng tới điều chế thuốc chống ung thư.

Chúng tôi luôn mong muốn đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình góp phần nâng cao kỹ năng tổng hợp các phối tử và phức chất cho các nhà nghiên cứu, cũng như góp phần nâng cao khả năng nghiên cứu tính chất hóa lý sinh của các phức chất Platin, nhất là hoạt tính gây độc đối với tế bào ung thư. Các kết quả nghiên cứu này đã củng cố và phát triển hướng nghiên cứu hóa sinh vô cơ ở Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu này, Viện Hóa học đã hướng dẫn đào tạo thành công được 1 tiến sĩ cấp bằng năm 2018 và đã công bố được một số công trình trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước, trong đó có 2 bài báo trên tạp chí quốc tế. Hiện nay, Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia - NAFOSTED tiếp tục hỗ trợ chúng tôi mở rộng nghiên cứu này bằng đề tài bắt đầu từ năm 2019 và dự định sẽ hoàn thành vào năm 2021.

Xin cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Quang Trung!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn