MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Bùi Thị Xong (Hội An) từng được mệnh danh là một trong những người phụ nữ đẹp nhất thế giới sau khi lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle (Pháp) và người chồng trong một quán cà phê. Cuộc sống thật vô thường. Chỉ một thời gian ngắn sau khoảnh khắc này, người chồng đã ra đi, nhưng tôi vẫn nhớ mãi nụ cười của vợ chồng hạnh phúc này.

Gia đình hạnh phúc

Bài và ảnh Việt Văn LDO | 30/06/2024 07:30

Niềm vui của những đứa trẻ luôn đứng đầu ngõ đợi mẹ đi chợ mua quà về là một ký ức vô cùng đáng yêu với tuổi thơ, mà không niềm vui gì so sánh được. Rồi những đứa trẻ lớn dần lên, trưởng thành lên, khởi nghiệp, lập gia đình, sinh con đẻ cái. Và như một vòng tròn lặp lại, những ông bố trẻ, mẹ trẻ giờ lại chăm con cái mình như ông bà ngày xưa.

28.6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình Việt. Ai cũng biết mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, nên sự phát triển của quốc gia gắn liền với sự lớn mạnh của mỗi gia đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Họa sĩ Nguyễn Tấn Đạt (TP Hồ Chí Minh) nựng đứa con bé bỏng của mình. Anh là một nghệ sĩ đa tài từ viết thư pháp, quay video clip, viết báo đến làm tranh cá 3D, làm món ăn bằng chất liệu đất sét độc đáo.
Bà và cháu (chụp ở một làng nghề tại Bắc Ninh).
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh - nguyên Phó Tư lệnh chính trị Mặt trận 479, Phó Tư lệnh chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 và vợ, bà Đinh Thị Minh Phương, một hậu phương ấm áp của ông. Hai vợ chồng sống ở TP Hồ Chí Minh.
Anh Hoàng Đức Thiện, Công an tỉnh Thái Nguyên thích ngồi trò chuyện với ông là Đại tá Hoàng Long Xuyên, sinh năm 1918, là một trong 10 thanh niên trung kiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đi học tại Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) vào năm 1941, trở về gia nhập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đầu năm 1945. Năm 1949, ông là Phó Tư lệnh Mặt trận Long Châu, tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn giải phóng Quảng Tây giúp cách mạng Trung Quốc đánh quân Tưởng Giới Thạch...
Bà Nguyễn Thị Hạnh xem móng tay con gái đã dài chưa để cắt cho gọn. Con gái là Đào Thu Hương là cô gái khiếm thị Việt Nam đầu tiên làm việc cho UNDP- chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Nguyễn Lê Yên Đan, 16 tuổi, mắc phải hội chứng thiên thần (Angelman syndrome) - là một rối loạn di truyền liên quan đến bất thường trong cấu trúc của nhiễm sắc thể số 15, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây ra khiếm khuyết nghiêm trọng về thể chất và trí tuệ. Chị Lê Thụy Dương - mẹ của bé đã chăm sóc bé với một tình yêu lớn.

Nhất là trong thời đại nhiều biến động từ chiến tranh đến dịch bệnh, thì con người ta càng có xu hướng quay về bên trong, tìm sự kết nối giữa các thành viên trong mỗi gia đình. Những khoảnh khắc ấm áp nhất, cảm động nhất đa phần đến từ mối quan hệ ứng xử giữa người thân trong gia đình. Một cử chỉ chăm sóc cô con gái bị khiếm thị của người mẹ, niềm vui của ông bố khi bế bổng đứa con, giây khắc hạnh phúc của đôi vợ chồng buổi sáng bên bàn nước, buổi tối ấm cúng của một cô giáo, hay thời gian bên nhau cùng thư giãn, thưởng thức một ly nước ngọt... Tất cả thật giản dị nhưng nhiều khi không phải cứ muốn là có được trong quy luật vô thường của cuộc sống, trong vòng xoáy mưu sinh nghiệt ngã...

Nhìn vào những hình ảnh - khoảnh khắc gia đình ấm áp, tự nhiên lại văng vẳng bên ta lời của bài hát Nga nổi tiếng “Cuộc sống ơi, ta mến yêu người”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn