MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Giá trị của mỗi bức tranh cuối cùng sẽ về đúng chỗ”

NGỌC TRANG (thực hiện) LDO | 24/01/2023 13:34
Đầu Xuân Quý Mão 2023, phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lê Thiết Cương - một trong những họa sĩ đương đại hàng đầu Việt Nam về góc nhìn của ông đối với sự phát triển của hội họa trong thời gian qua, cũng như tương lai khi triển khai kế hoạch công nghiệp hóa văn hóa đến 2030.

Nhiều năm nay, thị trường tranh thế giới chứng kiến nhiều bức tranh của các họa sĩ Việt Nam thời Đông Dương được định giá đến hàng triệu USD như tác phẩm “Hai người phụ nữ ngắm bể cá vàng” của họa sĩ Lê Phổ, “Cô gái làm thơ” của họa sĩ Mai Trung Thứ... Theo ông, những con số triệu USD đang nói lên điều gì?

- Đó là sự thay đổi tích cực của thị trường. Cách đây khoảng 20 năm, thị trường tranh Việt Nam gần như chỉ dành cho người nước ngoài đến bán tranh. Bây giờ, bằng với việc tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy Việt Nam có giá hàng triệu USD như vậy, chứng tỏ đó là một sự “trở mặt” của thị trường theo hướng tích cực.

Theo tôi biết, tất cả những người trúng đấu giá trong các cuộc đấu giá có tranh Việt Nam đều là người Việt. Vì nhiều lý do, họ không xuất đầu lộ diện, nhưng những bức tranh đó đều đã hồi hương. Đây là một tín hiệu tốt đối với thị trường tranh Việt.

Những bức tranh Việt trở nên đắt giá ở Châu Âu có phải do mang đậm chất Á Đông?

- Những bức tranh triệu USD được vẽ bởi các họa sĩ bậc thầy của Việt Nam từng theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, do thầy Tây dạy. Những người thầy Pháp ở trường giai đoạn đó luôn khuyến khích học trò vẽ tranh đề tài thân thuộc với mình, như tranh cô gái mặc áo dài, phong cảnh nông thôn... ­­Đặc biệt, các thầy đã có công lớn khi khuyến khích học trò vẽ tranh bằng chất liệu Á Đông. Họ dạy kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu, nhưng lại luôn nói rằng, học trò nên tìm về với những chất liệu Á Đông, ví dụ như sơn mài, lụa...

Trong quá khứ, người thành công nhất khi biến sơn mài từ mỹ nghệ thành mỹ thuật là Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh thì vô cùng thành công với tranh lụa... Vậy, nếu không có sự khuyến khích của các thầy, Việt Nam sẽ không có được những họa sĩ với những tác phẩm bằng chất liệu sơn mài, lụa đậm chất Á Đông như thế!

Sự thành công của một thế hệ họa sĩ thời trước là nhờ đào tạo hay do thời thế, theo ông?

- Đến ngày hôm nay, nhiều người vẫn đặt ra một câu hỏi rằng, giả sử, tháng 12 năm 1925 mà người Pháp không thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội thì liệu có hội họa Việt Nam hiện đại hay không? Mọi người đều phải công nhận rằng, đó là một cột mốc lịch sử.

Lịch sử mỹ thuật Việt Nam giai đoạn hiện đại tính từ năm 1925. Nhưng tại sao trường Mỹ thuật Đông Dương không thành lập ở Lào, ở Campuchia và ở Sài Gòn chỉ thành lập Trường vẽ Gia Định? Có nhiều lý do, trong đó có một yếu tố quan trọng là lịch sử mỹ thuật của người Việt.

Một số tác phẩm hội họa mang phong cách tối giản của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tranh xuất hiện muộn ở Việt Nam, xuất hiện rất ít, chủ yếu là tranh tôn giáo, tranh thờ bằng chất liệu sơn mài. Đến ngày hôm nay chỉ còn 1 - 2 bức để ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Những loại tranh mà chúng ta biết như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh làng Sình... đều ra đời rất muộn và mãi sau này mới có.

Có nhiều dấu tích lịch sử để chứng minh mỹ thuật của người Việt, suốt từ giai đoạn Đông Sơn cho đến các thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn... Nếu không có một lịch sử hàng ngàn năm của người Việt, làm sao có được nền móng cho năm 1925? Đó cũng là một yếu tố quan trọng để xuất hiện được cả một lớp họa sĩ đó.

Đương nhiên, cũng không thể thiếu công lao của những người thầy Pháp sang, dạy học trò của mình một tư duy khác chứ không thể nào vẽ theo cảm tính được. Tất cả cộng lại mới ra được một thế hệ vàng của hội họa trong ngành mỹ thuật Việt.

Tại sao những bức tranh của các họa sĩ thời Đông Dương có giá đắt đến hàng triệu USD, trong khi tranh của họa sĩ đương đại lại rao bán ra nước ngoài với giá rẻ, thậm chí rẻ hơn cả thị trường trong nước?

- Những bức tranh triệu USD ở Việt Nam hiện tại đều của thế hệ họa sĩ đầu tiên - họa sĩ thời Đông Dương. Thứ nhất là những họa sĩ đó đã không còn, và số lượng tranh của họ luôn luôn có hạn. Thứ hai, chúng đã được bảo chứng bởi thời gian vì nếu tính từ 1925, những bức tranh đó đã gần 100 tuổi. Thứ ba, những người Việt Nam sở hữu khối tài sản lớn, chịu bỏ ra hàng triệu USD mua tranh, độ tuổi và trình độ thưởng thức thẩm mỹ của họ vừa bằng với giai đoạn của các họa sĩ thế hệ trước.

Trong giai đoạn đó, các họa sĩ bậc thầy Đông Dương vẫn vẽ bằng cái nhìn hiện thực, nhìn sao vẽ vậy. Lợi thế của tranh hiện thực là dễ hiểu, thể hiện cái đẹp dễ khiến mọi người chấp nhận. Mặt khác, tranh của các họa sĩ trẻ hiện nay có thẩm mỹ lạ, hiện đại hơn. Do đó, họ chưa thể có ngay tập khách hàng quan tâm, thấu hiểu được phong cách vẽ tranh của mình. Những khách hàng đó không đáng trách, bởi họ không được giáo dục bài bản về mỹ thật từ nhỏ. Vì giáo dục về mỹ thuật là cả một quá trình.

Vậy thì tương lai nào cho hội họa khi không có được đối tượng khách hàng am hiểu mỹ thuật? 

- Ngay bây giờ, đó không phải là công việc chỉ của một người mà của cả xã hội. Hiện giáo trình mỹ thuật trong các trường học đã có nhiều thay đổi. Nhiều trường tư nhân đã công nhận rằng, chỉ có một thứ để nuôi dạy tâm hồn các em nhỏ từ tiểu học, trung học... Đó là hướng dẫn chúng có một khả năng, năng lực thẩm mỹ thông qua giáo dục ngay từ nhỏ, thông qua việc nghe nhạc, xem phim, đọc sách, đi bảo tàng, vẽ tranh...

Nếu như trẻ em bây giờ không được giáo dục về mỹ thuật, hội họa thì sau này, ngành mỹ thuật Việt Nam cũng không thể có khách hàng được. Do đó, ta không chỉ phải nâng cao năng lực, trình độ của người vẽ tranh mà còn phải giáo dục năng lực mỹ thuật cho người thưởng thức tranh vẽ.

Nếu vậy, ngay cả khi bắt đầu việc giáo dục mỹ thuật cho trẻ nhỏ từ giờ, thì phải vài chục năm sau mới có một thế hệ hiểu được giá trị của các tác phẩm hội họa Việt hiện tại?

- Nếu tham gia các triển lãm ở Hà Nội, Sài Gòn, bạn sẽ thấy những người trẻ ngày hôm nay đã bắt đầu quan tâm đến hội họa. Với thu nhập khoảng 20 triệu/ tháng, họ cũng thỉnh thoảng sẵn sàng bỏ ra 5 - 10 triệu để mua một bức tranh.

Một thống kê nhỏ là tất cả những triển lãm ở Hà Nội và Sài Gòn trong năm 2022, có 90% triển lãm bán được tranh, và 100% số tranh bán được đều là do người Việt Nam mua. Trong đó, lại có 90% số người mua tranh là người trẻ.

Đương nhiên, những bức tranh có giá không cao, nhưng đó là một tín hiệu rất đáng mừng cho thấy ngày càng nhiều người trẻ Việt Nam hiểu và quan tâm đến hội họa Việt.

Việc mua đi bán lại tranh, cộng với những tác phẩm Việt có giá triệu USD khiến hội họa Việt bắt đầu có tình trạng “ảo giá”. Nhiều bức tranh bị đẩy giá lên cao mặc dù giá trị thực chất của chúng không được như vậy. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Điều đó là không thể tránh khỏi. Nhưng cuối cùng, thị trường gồm có phòng tranh, và người đi mua tranh sẽ quyết định. Ta có thể định giá bức tranh của mình từ một nghìn đồng hay một tỉ đồng, nhưng thị trường có đồng ý với mức giá đó hay không là một chuyện khác. Hãy yên tâm rằng, giá trị của mỗi bức tranh sẽ về đúng chỗ của nó.

Theo ông, yếu tố quan trọng nhất cần lưu ý khi muốn biến mỹ thuật, trong đó có hội họa trở thành một trong những ngành mũi nhọn của mục tiêu công nghiệp hóa nền văn hóa Việt Nam?

- Trong triển lãm “Con Rồng” gần đây, tôi mời 4 họa sĩ, những người làm điêu khắc chuyên về những con vật. Việc đầu tiên tôi yêu cầu các bạn là phải đi đăng ký bản quyền. Nếu không đăng ký, các công ty khác có thể lấy những tác phẩm của họ biến thành phim hoạt hình, game online, rối, các đồ dùng trang trí nội thất...

Bởi vì mỹ thuật có ngành mỹ thuật ứng dụng nên theo tôi, công nghiệp hóa đối với hội họa trong mỹ thuật là điều cực kỳ dễ làm. Vấn đề quan trọng nhất cần lưu ý đối với các họa sĩ là phải đăng ký, sở hữu bản quyền các tác phẩm của mình khi hội họa được công nghiệp hóa.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn