MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ayoung An nghệ nhân người Hàn Quốc được mệnh danh là “ngôi sao đang lên trong thế giới chế tác đàn violin”. Ảnh: MyLuthier

Giấc mơ chế tác vĩ cầm

Thanh Hà LDO | 14/04/2024 10:30

Khi còn là thiếu niên ở Hàn Quốc, Ayoung An - hiện 32 tuổi, vừa được tờ New York Times ca ngợi là “ngôi sao đang lên trong thế giới chế tác đàn violin” - quyết định trở thành nghệ nhân chế tác đàn violin (vĩ cầm). Cuối cùng, hành trình với nhiều dấu mốc đã đưa cô gái Hàn Quốc đến Cremona, Italy - trung tâm nổi tiếng của các nhà sản xuất đàn violin, bao gồm cả những bậc thầy như Antonio Stradivari, kể từ thế kỷ 16.

Ngôi sao đang lên

Viết về hành trình của Ayoung An, tờ New York Times cho hay: Cô bé ngủ với cây đàn violin bên gối mỗi đêm và giấc mơ của cô ấy đã thành hiện thực ở Italy. Trong khi đó, tờ báo Hàn Quốc - Chosun Ilbo gọi Ayoung An là người mang di sản của Stradivari vào thế kỷ 21. Theo tờ báo này, việc Ayoung An là thành viên trẻ nhất của Hiệp hội chế tác violin The Consortium of Violinmakers ở Cremona khiến cô được mệnh danh là "hậu duệ của Stradivari".

Hành trình của Ayoung An bắt đầu từ tiểu học ở quê nhà Pyeongtaek, Hàn Quốc. Cô bé yêu thích tiếng violin trong các lớp học ngoại khóa và được bố mẹ mua cho cây đàn đầu tiên năm cô lên 8 tuổi. Tuy nhiên, điều khiến Ayoung An tò mò không kém chính là sự khéo léo đằng sau nhạc cụ.

Hai năm sau, một cửa hàng bán và sửa chữa nhạc cụ được mở ở Pyeongtaek và Ayoung An trở thành vị khách thường xuyên ghé cửa hàng đó. “Sau giờ học, tôi dành cả ngày ở đó, say mê với các nhạc cụ mà không cần quan tâm đến thế giới xung quanh. Tôi nghĩ việc mình ở đó có lẽ đã làm phiền ông chủ rất nhiều” - nữ nghệ nhân trẻ nhớ lại.

Ban đầu đăng ký vào một trường trung học nghệ thuật ở Seoul với chuyên ngành biểu diễn violin nhưng cuối cùng, Ayoung An năm 17 tuổi đã ấp ủ kế hoạch theo đuổi nghề chế tác nhạc cụ ở nước ngoài.

Kế hoạch là cô sẽ chuyển đến sống cùng một gia đình người Mỹ ở ngoại ô Chicago để có thể theo học tại một trường trung học địa phương, thành thạo tiếng Anh và cuối cùng theo học tại Trường Chế tạo Violin Chicago.

Vào thời điểm đó, ở Hàn Quốc không có những trường dạy chế tác nhạc cụ như vậy. Cha mẹ Ayoung An lo lắng về việc con gái chuyển đi xa để theo đuổi con đường sự nghiệp không chắc chắn đã cố gắng ngăn cản cô. “Tôi đã nhịn ăn vài ngày” - Ayoung An nói. Cuối cùng, bố mẹ Ayoung An đã nhượng bộ.

Nghệ nhân làm đàn người Hàn Quốc nhớ lại: “Khi tôi tạm biệt bố mẹ ở sân bay, họ đã khóc. Tôi thì không. Tôi đã quá phấn khích".

Hai năm sau khi chuyển đến Illinois, Mỹ và hoàn thành chương trình giáo dục trung học, Ayoung An phát hiện ra một trong những trường đào tạo nghệ nhân violin nổi tiếng nhất - Trường Chế tạo Violin Quốc tế - thực ra nằm ở Cremona, Italy. Vì vậy, năm 2011, ở tuổi 20, Ayoung An lại chuyển đến một đất nước mới.

Cremona là quê hương của một số nghệ nhân chế tác đàn violin tài hoa, trong đó có nhà sản xuất nhạc cụ dây nổi tiếng nhất trong lịch sử Stradivari - Andrea Amati, người được coi là “cha đẻ của đàn violin”; và gia tộc làm đàn Guarneri.

Sau khi tốt nghiệp, Ayoung An làm việc tại các xưởng địa phương trong 3 năm và giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi chế tạo nhạc cụ quốc tế. Năm 2020, Ayoung An thành lập xưởng của riêng mình ở Cremona với tên gọi "Arietti String". Theo giới thiệu trên trang web của xưởng, ngôi sao đang lên trong thế giới chế tạo đàn violin với nhiều giải thưởng quốc tế Ayoung An chuyên chế tạo đàn violin, viola và cello.

Nghệ nhân chế tác violin - Ayoung An có xưởng chế tác ở Cremona, Italy. Ảnh: Instagram Anna Arietti

Hậu duệ mang di sản của Stradivari vào thế kỷ 21

Nằm trên một con phố lát đá cuội yên tĩnh ở Cremona, xưởng có 2 phòng của Ayoung An và chồng tràn ngập ánh sáng tự nhiên, chứa đầy sách cùng những chồng gỗ phải để khô từ 5 đến 10 năm trước khi dùng làm nhạc cụ để tránh nguy cơ bị cong vênh.

Chồng Ayoung An - Wangsoo Han, 39 tuổi - cũng là nghệ nhân chế tác đàn violin. “Làm việc chung với chồng, chúng tôi thoải mái trò chuyện sâu sắc, đó là một lợi thế” - nữ nghệ nhân người Hàn Quốc từng chia sẻ.

Những cây đàn của Ayoung An chế tác đều theo phương pháp truyền thống của những nghệ nhân tài hoa Stradivari và Giuseppe Guarneri: Cần khoảng 2 tháng làm việc và được bán với giá khoảng 16.000 đến 17.000 Euro, tương đương 17.500 đến 18.500 USD. Vì nhạc cụ không phải là hàng hóa cố định nên giá bán có khả năng tăng đáng kể sau nhiều năm kinh nghiệm và danh tiếng.

"Tôi có thể chế tác ra một cây đàn violin chỉ trong 3 tuần, nhưng tôi không muốn bởi tin vào nguyên tắc phải dành ít nhất 2 tháng để chế tạo một cách cẩn thận. Cây đàn này rất quý giá với người mua nó" - nghệ nhân sinh năm 1991 chia sẻ.

Là nơi sinh của các nhà chế tạo đàn violin huyền thoại, Cremona vẫn tiếp tục truyền thống chế tạo nhạc cụ dây thủ công cho đến ngày nay. Với 160 đến 200 xưởng sản xuất đàn violin ở Cremona, chất lượng âm thanh của các bậc thầy vẫn là mục tiêu tối thượng. “Các phương pháp truyền thống không phải để thử nghiệm. Tôi tin rằng, nhạc cụ được sử dụng càng lâu thì chất lượng càng tăng lên" - Ayoung An cho biết.

Ayoung An là nghệ nhân trẻ nhất trong số những nghệ nhân tài hoa ở Cremona chuyên phát huy truyền thống làm đàn violin, theo New York Times. Ayoung An say mê với phương pháp chế tạo đàn violin của người Cremona đến mức, nghệ danh của Ayoung An - Anna Arietti - được đặt theo gợi ý của một người cố vấn để phù hợp hơn với văn hóa Italy.

Giống như những nhà sản xuất khác, Ayoung An khắc tên tiếng Anh của mình bên trong các nhạc cụ và tin rằng tới hàng thế kỷ sau, những người mở và sửa chữa nhạc cụ có thể nhìn thấy tên cô. “Đó là lý do tại sao tôi muốn trở thành một nghệ nhân làm đàn violin. Ít nhất một người chơi violin của tôi sẽ nhớ đến tôi 100 hoặc 200 năm sau" - cô nói.

Trong cuộc phỏng vấn với Amorim Fine Violins Cremona về cảm hứng để chế tác nhạc cụ, Ayoung An từng chia sẻ: "Tôi say mê chế tạo nhạc cụ ngay từ khi tôi khám phá ra quy trình của chế tạo nhạc cụ. Tôi say sưa với việc bản thân có thể tự chế tác ra nhạc cụ để từ đó tạo ra âm nhạc. Điều đẹp nhất là hàng trăm năm sau vẫn có người nhớ tới tên tôi và nhạc cụ của tôi".

Nữ nghệ nhân tài hoa với hàng chục năm kinh nghiệm cho biết thêm: "Tôi tin vào vẻ đẹp của sự không hoàn hảo, như dấu vết của các công cụ để lại, sự bất đối xứng tự nhiên, những vết trầy xước, dấu vết của thời gian và quá trình sử dụng cũng như tông màu sơn bóng không đồng đều. Những điều này có thể được coi là không hoàn hảo, nhưng chúng cũng có thể làm cho một nhạc cụ trở nên độc đáo và đặc biệt hơn".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn