MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cuốn sách của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng. Ảnh: Omega Plus cung cấp

“Giấc mơ Việt Nam tôi” của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng

Trần Thế Vinh LDO | 27/06/2021 13:00
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là một trong những người tiên phong hợp tác học thuật Bỉ - Việt.

Sớm sang Bỉ từ tháng 12 năm 1960, ông đã đạt thành quả rất tốt khi theo học ngành kỹ sư vật lý, rồi cấp bậc tiến sĩ tại Đại học Liège. Ông thực thi sự nghiệp giáo dục đại học từ năm 1966 cho đến năm 2006 qua nhiều chức vị: Nghiên cứu sinh, trợ lý, phó giáo sư rồi trở thành giáo sư thực thụ về ngành Cơ học Chất rắn. Ông cũng là một chuyên gia nổi tiếng quốc tế ngành khoa học mũi nhọn này.

Vì những thành quả đó, Giáo sư đã nhiều lần được vinh danh, nhiều lần được tặng thưởng từ hai phía, Bỉ cũng như Việt Nam. Ông còn được các cơ quan ngôn luận Bỉ đề cao là một trong những công dân Bỉ gốc nước ngoài đã có cống hiến cho việc làm thay đổi nước Bỉ. Đặc biệt, ông cũng là người đề xướng và điều phối các chương trình Cao học Bỉ - Việt EMMC và MCMC.

Nhưng trên đất người, Giáo sư chưa từng nguôi ngoai về Giấc mơ Việt Nam; luôn mong mỏi góp sức cho sự nghiệp giáo dục, khoa học Việt Nam. Cuốn sách “Giấc mơ Việt Nam tôi” của ông là cả một hành trình dài từ những ngày nung nấu giấc mơ ấy đến những bước đi nhỏ trên con đường đầy gập ghềnh, khó khăn cho đến những thành quả được cả hai chính phủ Bỉ và Việt Nam công nhận.

1. Trong “Tập 1: Đi xa về gần”, tác giả đã tập hợp những bài viết, bài phỏng vấn của mình trong suốt một thời gian rất dài. Ông chia sẻ những kinh nghiệm, những kỷ niệm về việc hợp tác đại học giữa Bỉ và Việt Nam. Đặc biệt, nhấn mạnh đến chương trình đào tạo cao học giữa các trường đại học Bỉ và các trường đại học Việt Nam. Đây là những chương trình do Giáo sư Hưng điều phối, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn từ năm 1995 đến năm 2006. Dự án tuyệt vời đó là một đuốc sáng của hợp tác song phương, được tài trợ luân phiên từ Chính phủ Liên bang Bỉ, Cộng đồng nói tiếng Pháp ở Bỉ và quốc tế rồi Liên minh Châu Âu.

GS Nguyễn Đăng Hưng đã chế ra hệ thống “du học tại chỗ” (Học ở Việt Nam vẫn lấy được bằng thạc sĩ châu Âu), vừa là một công cuộc đào tạo rộng rãi và cũng vừa là cách để tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. Dù là sách bút ký, nhưng tác phẩm “Giấc mơ Việt Nam tôi” như một cuộc phiêu lưu thích thú giữa những tình cảm sôi sục khôn nguôi của tác giả nhưng luôn toát lên tinh thần phục vụ, xây dựng, tạo sự tiến bộ không ngừng để phát triển nền khoa giáo Việt Nam.

“... Tôi mường tượng ra biết bao nghị lực và kiên nhẫn mà GS Nguyễn Đăng Hưng đã phải thực thi để vượt qua những trở ngại, khó khăn để có được những thành quả tuyệt vời như vậy. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ông về việc tìm kiếm những giải pháp cho bài toán giáo dục tại Việt Nam. Tôi đã rất vui vì ông đã đồng tình chia sẻ với tôi những giá trị cơ bản nhất trên lĩnh vực này!” - cố GS Hoàng Tụy, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam nhận xét. “GS Nguyễn Đăng Hưng không chỉ là một nhà khoa học tiếng tăm qua những thành quả khoa học đã xuất bản mà còn là một nhà hùng biện, một nghệ sĩ văn học và âm nhạc! Hơn nữa, ông Hưng là một người bạn trung thành và tận tụy. Tôi có thể nói GS Nguyễn Đăng Hưng là một con người đáng được ngưỡng mộ và bản thân tôi cảm thấy rất tự hào vì đã gặp được ông trong đời!” - Daniel Dufresne, Giáo sư Đại học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Đại học Marseille, Pháp đánh giá.

Xin giới thiệu một số đoạn trích trong cuốn “Giấc mơ Việt Nam tôi” tới bạn đọc.

2. Tôi đã có giấc mơ về một ngày hòa bình, thống nhất tại Việt Nam. Bài thơ sau đây ghi lại giấc mơ này và phải chờ 5 năm sau giấc mơ ấy mới thành hiện thực:

Tính đến nay, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đã mở được 20 khóa đào tạo khoa học (8 ở Hà Nội và 12 tại TP.Hồ Chí Minh) với trên 700 học viên theo học. Trong đó, 318 học viên đạt bằng thạc sĩ quốc tế (Bỉ) và nhận bằng Đại học Liège; hơn 80 sinh viên Việt Nam sang Châu Âu thực tập với bằng cấp của Bỉ. Đã có hơn 100 học viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại các nước tiên tiến; tổ chức cho hơn 40 giáo sư Việt Nam sang Châu Âu cải tiến nghiệp vụ. Ảnh: Omega Plus cung cấp.

“Những ngày đất nước bão giông

Ra đi canh cánh trong lòng trời mây

Tin về gói trọn vòng tay

Tháng năm phiêu bạt, một ngày đoàn viên

Cũng vì thao thức triền miên

Ngồi đây tiếng súng bưng biền vọng sang

Người đi đội ngũ rộn ràng

Người về sức sống dâng tràn núi sông

...

Kiếp tằm có sống một giây

Kiếp người trăm tuổi có ngày nào hơn?

Trắng đêm tâm sự nguồn cơn

Những gì đã mất, đã còn anh em?

Những gì sót lại trong tim

Những gì chất chứa nỗi niềm tháng năm

Những khổ đau, những hờn căm

Tối đen như mực trăng rằm còn soi

Trăng rằm lồng lộng trong ngoài

Bao nhiêu giông tố cũng hoài bể Đông

Đêm qua theo dải mây hồng

Băng ngang vạn dặm về thăm quê nhà

Gặp nhau han hỏi gần xa

Tôi, em, Đất Nước mặn mà tình chung!”

(Trích “Hoài hương”)

“Tôi sinh ra ở Điện Bàn, Quảng Nam. Ba tôi là trí thức miền Trung. Trong một lần gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư dinh của Đại tướng, cùng với một phóng viên Báo Tiền Phong, tôi có nói tên ba mình và được ông cho biết, ba tôi khi xưa là bạn học thân thiết của ông. Câu chuyện cũng được vài tờ báo đăng tường thuật. Năm 1949, ba tôi mang tôi đi theo kháng chiến, làm việc cho UBND tỉnh Quảng Nam đóng ở vùng núi Tiên Phước, Tam Kỳ, lúc đó gọi là Liên khu 5. Không thể mang con theo khi làm việc nên ông giao tôi cho một gia đình nông dân. 12 tuổi, tôi vẫn là cậu bé học hành chỉ đủ biết đọc, biết viết. Khi hòa bình lập lại, ba con tôi trở về quê nhà mới hay má tôi và cô tôi đã bị Pháp sát hại trong một trận càn. Thương các con cù bơ cù bất nên ông không đi tập kết mà đưa tôi vào Sài Gòn. Tôi bắt đầu con đường học vấn chính quy. Tôi phải lấy được bằng tiểu học thật sớm. Đây là bằng tôi quý nhất trong cuộc đời mình. Phải có bằng này tôi mới tiếp tục học lên được. Để có nó, từ một cậu bé thất học, tôi đã học rất cật lực để đạt được bằng tiểu học chỉ trong một năm.

[...] Thương ba mình “gà trống nuôi con”, tôi chỉ có cách vươn lên bằng con đường học tập, không chỉ phải đậu tú tài trước 18 tuổi để khỏi đi lính mà còn phải cố lấy cho được suất học bổng đi du học. Sau khi có bằng tiểu học, tôi thi và đậu vào trường Pétrus Trương Vĩnh Ký. Tôi lên

kế hoạch học nhảy cóc. Sáng tôi đi học trường Pétrus Ký nhưng tối đi học tư để thi lấy các bằng đệ ngũ, đệ tứ, đệ tam và thi tú tài. Tôi thuộc năm người đứng đầu kỳ thi Tú tài 2 khi vừa 18 tuổi, đủ tiêu chuẩn được du học. [...] Tôi bắt đầu cuộc đời sinh viên du học ở Bỉ năm 1960.

[...] Tôi đi du học năm 1960, năm 1966 ra trường, là kỹ sư tốt nghiệp tại châu Âu, nếu về nước ngay có lẽ sẽ làm to. Nhưng chúng tôi nhất quyết không về vì lý do dễ hiểu là nước nhà đang có chiến tranh. Mãi cho tới năm 1976, sau hòa bình, chúng tôi mới về, lòng hân hoan phấn khởi lắm vì tiếng súng đã ngưng tại quê nhà. Lần đầu tiên về nước Việt Nam thống nhất, cái mà tôi thiết tha nhất là hòa bình đã đến với dân tộc.

[...] Giấc mơ Việt Nam trở lại vào Xuân Bính Thìn 1976, sau khi đất nước thống nhất. Tôi là một trong những thành viên của đoàn Việt kiều năm châu về thăm quê hương sau ngày hòa bình. Cuộc trở về này cũng cho tôi cơ hội gặp được người phụ nữ - bạn đời của tôi, từ đó đến nay đã hơn 40 năm. Tôi cũng gặp rất nhiều trẻ em cù bơ cù bất sau chiến tranh. Tôi nhớ tuổi thơ của mình và tự đặt ra câu hỏi, mình phải làm gì thiết thực cho Việt Nam?

VỀ GS Nguyễn Đăng Hưng

GS Nguyễn Đăng Hưng sinh ngày 1.1.1941 tại làng Bồ Mưng, xã Thanh Quýt (nay là xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

- Cựu học sinh trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký và Chu Văn An (Sài Gòn).

- Giáo sư thực thụ, Tiến sĩ Khoa học đặc biệt (docteur spécial) Đại học Liège.

- Người sáng lập Văn phòng đào tạo Cao học Bỉ - Việt EMMC (European Master in Mechanics of Construction) tại Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh.

- Huy chương của Hàn lâm Viện Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ (1984)

- Huy chương Lao động hạng Nhất của Chính phủ Bỉ (1996)

- Được vinh danh là một trong 12 người nước ngoài làm đổi thay nước Bỉ (Tuần báo VIF-EXPRESS, 16.7.1999)

- Huân chương “Đại sĩ quan của Vua Léopold II”, Vương quốc Bỉ (1999)

- Huân chương “Đại sĩ quan của Hoàng gia, Vương quốc Bỉ” (2006).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn