MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Bùi Thị Bẹ say sưa ngân nga làn điệu dân ca Mường.

Gìn giữ những làn điệu dân ca Mường ở Hòa Bình

Bài và ảnh minh chuyên LDO | 26/03/2023 14:00
Từ lâu hát dân ca là một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt, loại hình diễn xướng văn hóa này do người lao động sáng tạo ra, tự diễn xướng để phục vụ cho đời sống tinh thần của mình. Với người Mường cũng vậy, hát dân ca đã nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ.

Say đắm với làn điệu dân ca Mường

Đến hiện tại, phần lớn những người biết hát dân ca Mường đều thuộc thế hệ trước, tuổi đã cao. Để có thể gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa này đến sâu rộng với quần chúng nhân dân đặc biệt với thế hệ trẻ, cần đến những người có niềm đam mê, tình yêu cũng như sự tâm huyết. Ở Hòa Bình, bà Bùi Thị Bẹ (74 tuổi, trú tại xóm Nghia, xã Lạc Sĩ, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) là tấm gương tiêu biểu trong việc gìn giữ làn điệu dân ca Mường.

Mỗi khi nghe ai nhắc đến những làn điệu dân ca của dân tộc Mường, mắt bà Bẹ lại sáng lên như một phản xạ. “Tuy việc trình diễn hát dân ca Mường nghe bên ngoài thấy đơn giản vậy, song bên trong ẩn chứa những kỹ năng, bí quyết và đặc biệt là vốn sống, vốn am hiểu cuộc sống của người hát phải sâu rộng về các vấn đề của văn hóa, đời sống, mới có thể diễn xướng nhuần nhuyễn và truyền cảm đến người nghe. Nên có thể nói, những câu hát dân ca đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách của mỗi con người” - bà Bẹ nói.

Từ khi còn nhỏ, bà Bẹ đã được đắm chìm trong những câu hát ru bằng tiếng Mường từ bà, từ mẹ. Rồi khi trở thành thiếu niên, bà thường xuyên được nghe mọi người trong xóm hát dân ca. Người thiếu nữ khi ấy dần quen với giai điệu, thuộc những bài hát. Từ đó, những câu hát, lời ca được cất lên mọi thời điểm trong ngày như: Khi làm đồng, lên rẫy, chăn trâu, cắt cỏ... Để rồi làn điệu ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của bà từ khi nào không hay.

“Vào khoảng năm 1969, tôi được người thân cho một mảnh đất tại thị trấn Hàng Trạm (huyện Yên Thủy), ngày đi khai hoang người dân ở đó đang hát thi tiếng Mường nên tôi qua xem. Thấy vậy, cô bác mời tôi vào hát và hứa nếu hát hay thì sẽ được các anh thanh niên giúp đỡ việc đồng áng. Kết quả, tôi được 6 thanh niên trai tráng giúp khai hoang mảnh ruộng trong một ngày” - bà Bẹ kể về kỷ niệm khó quên.

Những câu hát, làn điệu dân ca Mường là thứ không thể thiếu trong cuộc sống, mỗi ngày bà lại trau dồi thêm kỹ thuật, tập hát để nâng cao giọng ca. Không những thế, đây còn là một nét văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc mình, bà Bẹ đã đi đầu trong phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương, mở các lớp dạy hát tiếng Mường cho người dân các xóm, các xã. Bên cạnh đó, bà còn tự bỏ một số tiền không nhỏ để mua một bộ cồng chiêng (12 chiếc) để tập rồi truyền dạy cách đánh cho con cháu.

Sau các cuộc giao lưu tại các địa phương, bà Bẹ cùng một số phụ nữ cao tuổi trong xóm lên ý tưởng thành lập câu lạc bộ được ấp ủ từ đó. Đến tháng 7.2022, câu lạc bộ hát dân ca Mường xã Lạc Sĩ chính thức được thành lập. Ban đầu chỉ có 5 thành viên, đến nay, câu lạc bộ đã quy tụ hơn 20 thành viên có chung niềm đam mê, sở thích.

Kể từ khi thành lập, câu lạc bộ hát dân ca Mường xã Lạc Sĩ không chỉ thường xuyên tham gia giao lưu với các xã trên địa bàn huyện Yên Thủy mà còn giao lưu cùng các huyện trong tỉnh và một số tỉnh bạn như: Thanh Hóa hay Ninh Bình. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song trên cương vị chủ nhiệm câu lạc bộ, bà Bùi Thị Bẹ đã động viên, khuyến khích thành viên tích cực tham gia hoạt động. Đồng thời, từ đây lan tỏa phong trào hát dân ca Mường đến từng thôn, xóm, khu dân cư, để dân ca Mường sống mãi với dòng chảy thời gian.

Bên cạnh đó, bà còn là thành viên tích cực của CLB chiêng Mường xã Lạc Sĩ. Nhiều năm qua, với dàn chiêng Mường của mình, bà đã đến từng xóm truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ. Những việc làm của bà Bùi Thị Bẹ đã góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Bà Bẹ tự hào: “Hiện nay, khi nhắc đến hát tiếng Mường, đánh cồng chiêng trong huyện Yên Thủy thì không ai không biết đến tôi”.

Những làn điệu dân ca Mường xuất hiện tại mọi lễ hội ở Hòa Bình.

Tinh hoa của câu hát Mường

Hát dân ca Mường, nhất là hát đối giao duyên (hát Đúp), Thường Rang... thì ngoài các bài hát có sẵn được lưu truyền trong dân gian, còn lại phần đa việc hát luôn phải ứng tác - ứng khẩu - sáng tạo lời hát (ca từ), hát tức khắc một cách nhuần nhuyễn sao cho khớp với lối giai điệu, nhịp điệu có sẵn để đối đáp ngay tại chỗ.

Đối với đặc trưng diễn xướng và âm nhạc, trừ hát Đúp giao duyên, hình thức diễn xướng dân ca Mường chủ yếu hát thính phòng và đối đáp tay đôi. Lời hát hay còn gọi là ca từ cơ bản được sáng tạo, sáng tác tức thì để ứng đối với bạn hát.

Có thể thấy, hát dân ca Mường được phân thành 2 loại khá rõ ràng, loại hát có giai điệu có nhịp phách và loại hát chỉ có giai điệu, không có nhịp phách. Loại hát có giai điệu có nhịp phách, gồm hát Đúp giao duyên, hát Trẩy Mơi, hát Ru, hát đồng dao... những bài hát chỉ có giai điệu, không có nhịp phách tiêu biểu là hát Thường Rang, Bộ Mẹnh, hát Tlẩi (lẩy) chuyện nàng Nga, Hồ Liêu - Út Lót...

Ca từ trong hát Mường, đặc biệt khúc hát Đúp giao duyên phần đa không có sẵn, đều do nghệ nhân trong khi hát tức khắc sáng tạo ra để đối đáp. Đây là kỹ năng quan trọng nhất trong khi hát, đòi hỏi trí thông minh, vốn liếng về tiếng nói, sự sáng tạo đột xuất. Ở Hòa Bình có một số nghệ nhân hiện nay còn có thể hát Đúp liên tục trong hơn 10 tiếng đồng hồ mà không cạn lời, không cạn khả năng sáng tạo lời hát.

Trong việc đặt lời hát, quan trọng nhất là việc đặt lời và gieo vần câu trên xuống câu dưới sao cho hợp lý, có thế lời hát mới nhuần nhuyễn, không lạc điệu, không bị ngắt quãng, thuyết phục người nghe.

Mỗi loại hình diễn xướng có thế mạnh riêng. Hát Đúp giao duyên cuốn hút hàng nghìn người nghe tại chỗ như ở Lễ hội Đình Cổi, Lễ hội Đình Khói... Ngày nay, đi khắp các thôn xóm, ngoài đồng bãi, đâu đâu cũng văng vẳng tiếng hát Thường Rang - Bộ Mẹnh (Mẹng), hát Đúp giao duyên được phát ra từ những chiếc tivi, điện thoại, radio... Đã có một số gia đình mời nghệ nhân đến hát tại các bữa tiệc và trả thù lao. Điều này chứng tỏ tình yêu với làn điệu dân ca Mường rất sâu nặng trong mỗi người dân Mường.

Ông Bùi Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Sĩ cho hay: “Đối với huyện Yên Thủy nói chung, xã Lạc Sĩ nói riêng thì đây là cái nôi của người Mường, bởi vậy những văn hóa truyền thống từ lâu đời vẫn được lưu truyền lại cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên, trong thời điểm xã hội phát triển thì việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ấy là rất cần thiết, đặc biệt là những cá nhân tự đứng ra như bà Bùi Thị Bẹ, đây là tấm gương tiêu biểu nhất của xã Lạc Sĩ. Bà là niềm tự hào để khơi lại giá trị văn hóa truyền thống đến sâu rộng trong quần chúng, đặc biệt trong nhận thức của thế hệ trẻ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn