MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gió lại về

Xuân Cang LDO | 13/08/2016 07:06
Tôi vừa đi ngắm sen ở Hồ Tây (Hà Nội). Chỉ được ngắm sen tàn. Năm nay hoa sen Hà Nội mất mùa, nghe nói thế. Bây giờ mới thấy đây. 

Lại vừa đọc một bài thơ rất hay của Nguyễn Thị Minh Thái. “Đầm sen vắng hoe/ hè qua/ để lại thắm xanh/ tầng tầng lá già/ và để lại/ nỗi buồn còn già hơn lá/ nở muộn phiền trong lác đác hoa” (Sen muộn). Nhưng hôm nay tôi đến đây không chỉ để ngấm nghía cái buồn cao thượng của những đóa sen còn lấp lánh trong những tầng lá già thắm xanh kia, mà để đón cái gió đầu mùa, không hương sắc, đầy ý tình, và đơn giản muốn nói với bạn đọc về quẻ Tốn. Bởi đây là bài thứ 400 của “Góc nhìn Bát quái”. Con số 4 là số của quẻ Tốn, một trong tám quẻ đơn của Kinh Dịch. Tốn có tượng là Gió (Phong), thuộc hành Mộc, trong bản đồ Lạc thư ở hướng Đông Nam. Tốn có nghĩa là thuận theo. Tính chất của Tốn là tươi tốt, thuận chiều. Tốn có tượng về người là con gái lớn (chị cả), tăng ni. Cho nên chọn chỗ đứng ở bờ hồ Tây, đón gió mùa thu, ngắm sen muộn, nói chuyện về quẻ Tốn không gì thú vị bằng. Quẻ Tốn (011) đã đi vào minh triết Việt như thế nào là câu chuyện nói bao nhiêu cũng không vừa. Trước hết trong tục ngữ, ca dao: “Gió thuận mưa hòa”, “Gió kép mưa đơn”, “Gió to sóng cả”, “Gió dập mưa vùi”, “Thuận buồm xuôi gió”. Mỗi câu là một cảnh đời: “Thui ra mới biết béo gầy/ Đến cơn gió cả biết cây cứng mềm”. Tốn có tượng là trưởng nữ. Thế thì tục ngữ Việt có câu: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Trong ngôn ngữ Việt, gió không đi một mình. Gió đi với mưa. Gió đi với trăng. Gió mây. Gió rừng. Gió lá cành chim. Gió đi với phương hướng: gió Đông, gió Tây, gió Nam (nồm), gió Bắc (bấc). Gió đi với các mùa: gió Xuân, gió Hè, gió Thu, gió Đông. Gió đi với địa hình: Gió Sông, gió Đồng, gió Biển, gió Núi, gió Lào. Mỗi cái tên gió cho ta hình dung được sắc gió, tính gió. Gió biển thì lộng, gió Núi thì quẩn. Chính vì gió núi quẩn mà thành quẻ Dịch: Sơn Phong Cổ, tôi đã nói ở bài trước.

Quẻ Tốn đi vào lịch sử Việt Nam, tạo ra Nhà Mạc với Mạc Đăng Dung không khác gì một trận gió thuận chiều theo Thời quẻ Tốn và Tượng quẻ Tốn trong Kinh Dịch, tôi đã phác qua một lần trong một bài “Góc nhìn Bát Quái” (số báo 37 ngày 24.9.2010). Mạc Đăng Dung là con nhà nghèo, xuất thân đánh cá, làng quê tên chữ là Cổ Trai là biến âm của hai chữ nôm Kẻ Chài, đó là một “vạn chài” (cư trú trên thuyền, “không tấc đất cắm dùi”) thuộc huyện Nghi Dương, một vùng ven biển Đông, trước thuộc Kiến An nay thuộc Hải Phòng. Làn gió nào đã đưa Mạc Đăng Dung dự thi môn đánh vật, trúng đô lực sĩ xuất thân, được sung vào đội túc vệ, giữ việc cầm dù (lọng) theo xe vua? Từ cuộc thi võ này đến khi vua nhường ngôi vẻn vẹn gần 20 năm (1508 - 1527). Trải qua ba đời vua, họ Mạc cầm quyền không dài (67 năm) nhưng đã khôn khéo giữ nước, vừa giả vờ thần phục, vừa thực sự nắm chủ quyền, phát triển đất nước trong bầu không khí an lạc và phát triển. Truyền thuyết Dịch học Việt Nam còn kể lại rằng, trong làn gió lịch sử Nhà Mạc ấy đã sinh ra Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) tác giả bộ “Thái Ất thần kinh”, biên soạn từ các sách cổ thuộc văn hóa phương Đông bàn về các định luật tổng thể vũ trụ, xét nghiệm mệnh số của con người dẫn đến những ẩn số tiên tri cho ta biết những diễn biến hàng trăm năm sau, chỉ dẫn những binh pháp thắng thua, lẽ sống vô thường và thường hằng của con người. Gần hai trăm năm sau sách vào tay nhà học thuật Đông Dã Tiều Phạm Đình Hổ (còn gọi Chiêu Hổ bạn của nữ sĩ Hồ Xuân Hương) biên soạn lại mang tên mới là “Huyền Phạm tiết yếu”, truyền lại đến ngày nay, cùng với bộ “Sấm ký” của Trạng Trình vừa bí ẩn vừa hiện thực. Nhưng làn gió lịch sử nhà Mạc còn truyền tụng đến hôm nay là phép ngoại giao hòa bình mang âm hưởng quẻ Tốn. Năm 1540 sứ giả nhà Minh là Lưu Bá Ôn cùng với binh mã sang ải Nam Quan để uy hiếp ta. Sứ giả nước ta là Trạng nguyên Giáp Hải được nhà Mạc cử đến tiếp kiến. Lưu Bá Ôn muốn thử tài Giáp Hải, đã xấc xược ra một bài thơ “Vịnh bèo” (Bình vịnh) và yêu cầu họa lại. (Sứ nhà Minh biết tên bố Mạc Đăng Dung tên là Bình tức Bèo). Trạng nguyên Giáp Hải đã có bài thơ họa lại, cũng Vịnh Bèo với lời thơ đầy khí phách, có nhún nhường nhưng không hề tự hạ. Hai bài thơ xướng họa như sau. Bài của Mao Bá Ôn (chữ Hán, dịch thơ): “Mọc theo ruộng nước nhỏ như châm/ Rễ bám nơi nao cũng chẳng thâm/ Nào có căn miêu nào có diệp/ Dám sinh chi tiết dám sinh tâm/ Tụ rồi đã chắc không khi tán/ Nổi đó nào hay có lúc trầm/ Đến độ chiều trời phong khí ác/ Quét về hồ bể hẳn khôn tầm” (Tạp chí Nam Phong dịch). Và đây là bài của Trạng Giáp Hải: “Mau ken vẩy gấm khó luồn châm/ Cành rễ liền nhau mọc rất thâm/ Tranh với bóng mây trên thủy điện/ Há dung vầng nhật lọt ba tâm/ Nghìn trùng sóng đánh thường không vỡ/ Muôn trận phong xung cũng chẳng trầm/ Nào cá nào rồng trong ấy ẩn/ Cần câu Lã Vọng biết đâu tầm” (Nam Phong). Nhà sử học Trần Quốc Vượng (mới có tên phố mang tên ông) nói: Theo tôi, đấy là một trong những bài thơ “ngoại giao” hay nhất của kho tàng thi ca Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn