MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: Nhân chuyện “Lễ dâng hương”

PGS.TS. PHẠM VĂN TÌNH LDO | 07/01/2017 18:30
Tuần vừa qua, dư luận báo chí và cư dân mạng “dậy sóng” về một sự cố ngôn từ. Bắt đầu từ một tấm ảnh chụp bức phông treo tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Nội dung trang trí trên phông (lần lượt theo 5 dòng) như sau: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội/ Lễ dâng hương/ Cho học sinh giỏi thủ đô tham dự kỳ thi/ học sinh giỏi quốc gia năm học 2016 - 2017/ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngày 30.12.2016.

Cách viết này làm cho nhiều người phản ứng, vì cứ theo chữ nghĩa mà suy thì cụm từ "dâng hương cho học sinh giỏi" được hiểu sai nghiêm trọng. Bởi thông thường, người ta chỉ dâng hương (tưởng niệm, tưởng nhớ) đối với những người đã khuất. Viết như thế có khác nào xếp các em học sinh giỏi đang chuẩn bị đi thi vào diện “người của thế giới bên kia”. Theo báo chí, ngay sau đấy, một vị lãnh đạo trong Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lên tiếng xin lỗi, cho đây là một sơ suất, sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Sau đó, cũng trên diễn đàn mạng, nhiều người đã tham gia trao đổi, góp ý nhằm khắc phục lỗi này. Có người cho rằng, chỉ cần sửa chữ “cho” thành chữ “của” (Lễ dâng hương cho học sinh giỏi… = Lễ dâng hương của học sinh giỏi…) là ổn. Kể sửa như thế cũng được. Nhưng đó chỉ là một giải pháp tình thế. Và vấn đề này, có lẽ chúng ta cũng cần phải bàn sao cho hợp lý.

Thực tế, chúng ta rất hay dùng phông (hay biển treo) để trang trí trong việc tổ chức các sự kiện. Đại hội, hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm, lễ khai giảng, lễ động thổ, lễ khởi công, lễ dâng hương… đều cần phải trang trí sao cho thích hợp. Ngoài những yêu cầu về vật dụng khác có thể cần (cờ Tổ quốc, cờ Đảng, tượng Bác, quốc huy, biểu trưng…), lễ đài thường có phông ghi nội dung thông tin quan trọng cho sự kiện đó. Điều đáng nói là thứ tự thông tin cần xuất hiện trên phông như thế nào.

Hiện tại, tiêu đề chính cho sự kiện cần được coi là trung tâm thông tin của phông. Chẳng hạn: Đại hội lần thứ X, Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề về giao thông đô thị”, Lễ khai giảng năm học 2016 - 2017, Lễ khởi công xây dựng nhà máy Z… (những chữ này thường được sử dụng con chữ to hơn, có thể có màu sắc riêng để phân biệt). Tên cơ quan, tổ chức… chủ trì sự kiện thường đặt lên trước, chứ không đặt dưới (Chẳng hạn: trường Đại học Bách khoa Hà Nội/ Lễ Khai giảng năm học 2016 - 2017…; Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Đại học Quốc gia Hà Nội/ hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ v…; Bộ Giao thông vận tải/ lễ khánh thành cầu Nhật Tân…). Người ta không viết tên chủ thể sự kiện ở dưới (như trường hợp Lễ dâng hương của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa rồi). Đúng là với những trường hợp tổ chức lễ dâng hương, lễ tưởng niệm, lễ viếng… thì đối tượng của buổi lễ hướng tới sẽ là các bậc anh hùng, liệt sĩ, người có công với nước, với nhân dân… Để các “học sinh giỏi Thủ đô…” vào vị trí này rõ ràng là phản cảm, gây hiểu sai…

Trong trường hợp này, cũng không nên thay “cho” bằng “của”, sẽ rườm rà và không chuẩn cho một bức phông. Tốt nhất là theo thông lệ, ta có thể ghi theo thứ tự từ trên xuống: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội/ Đoàn học sinh giỏi thủ đô tham dự... năm học 2016 - 2017. Tiếp theo, chỉ cần ghi Lễ dâng hương và dưới đó là địa điểm và thời gian thực hiện (Văn Miếu - Quốc Tử Giám/ Ngày….). Nếu muốn ngắn gọn hơn, có thể bỏ bớt tên cơ quan chủ quản, chỉ cần ghi “Đoàn học sinh giỏi Thủ đô tham dự kỳ thi Học sinh giỏi năm học 2016 - 2017/ Lễ dâng hương/ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, ngày 30.12.2016” là đủ. Tên của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (cơ quan tổ chức) có thể nói trong phần giới thiệu tại buổi lễ (để tránh quá nhiều chữ trên một tấm phông).

Nhân đây, cũng cần nói thêm rằng, rất nhiều buổi bảo vệ khóa luận, luận văn, luận án… hiện nay được ghi thêm chữ “Lễ” (Lễ bảo vệ khóa luận, Lễ bảo vệ luận văn…). Viết như thế không đúng. Cần phải hiểu đó là những buổi thi tốt nghiệp, thí sinh phải bảo vệ đề tài của mình trước một hội đồng (theo quyết định của cơ sở đào tạo). Đấy thực chất là một kỳ thi đặc biệt, không phải buổi lễ (lễ, phải tuân thủ theo các nghi thức nhất định). Chính vì vậy, để tránh hiểu sai, nhiều cơ sở đào tạo bây giờ chỉ ghi “Bảo vệ luận văn thạc sĩ”, “Bảo vệ luận án Tiến sĩ”,… mà bỏ chữ “lễ”. Nhưng dùng chữ “bảo vệ” với tư cách động từ rõ ràng cũng không phù hợp (cần thể hiện bằng danh từ hay ngữ danh từ, chẳng hạn: Buổi bảo vệ luận văn, Buổi bảo vệ luận án…).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn