MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: Tít và tai-tồ

PGS.TS. PHẠM VĂN TÌNH LDO | 29/07/2016 14:59
Trong một hội thảo chủ đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giảng dạy ngôn ngữ trong nhà trường” do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp tổ chức với Trường Đại học Quảng Bình gần đây (6.2016), khi bàn đến việc tiếp nhận tiếng nước ngoài vào tiếng Việt, có mấy vị khăng khăng đề nghị nên lấy tiếng Anh làm căn cứ tiếp nhận. 
Lý lẽ của các vị này là: Hiện nay, tiếng Anh đang là ngôn ngữ toàn cầu, hầu như tất cả các từ “ngoại sinh” trong tiếng Việt đều nhập từ tiếng Anh. Vậy nên ta nên lấy tiếng Anh làm chuẩn cả về chữ viết và phát âm. Vì vậy, khi nghe một báo cáo nhan đề “Cách đặt tít trong báo viết”, một vị khăng khăng đề nghị nên chuyển thành “Cách đặt tai-tồ trong tiếng Việt”. Lý do, từ này tiếng Anh là “title” [‘taitl = tai-tồ]. Vậy nên trở về cách đọc chuẩn của tiếng Anh.

“Tít”, xuất phát từ cách đọc một từ tiếng Pháp: “titre” [tit] tức là đầu đề, tiêu đề, tên gọi một bài báo (hay sách) đã rất quen thuộc trong giới báo chí tiếng Việt (và nhiểu nước khác trên thế giới). Các thuật ngữ báo chí, tiếng Việt cũng mượn từ tiếng Pháp khá nhiều: bông (bon,bản in thử để sửa), ti-ra (tirage, số lượng bản in), măng-sét (manchette, phần tên riêng của một tờ báo in ở đầu trang nhất, thường dùng cỡ chữ lớn theo một cách trình bày riêng), ma-ket (maquette, mẫu thiết kế dự kiến về hình thức trình bày một bản in)... Những từ Pháp được Việt hóa (cách đọc và cách viết) đã quá quen thuộc và được dùng trong những kết hợp khác: đặt tít (chọn một tên gọi thích hợp cho bài báo), rút tít (đưa một số tên bài chính, bài quan trọng ra trang nhất (hoặc trang giao diện chính) để thu hút người đọc), giật tít (đưa một hoặc một vài tin thật "nóng" bằng một ma-két thể hiện đặc biệt, lạ - chủ yếu để câu khách hoặc tạo ấn tượng mạnh với người đọc)… Nếu quyết tâm thay đổi cách đọc theo hướng “Anh hóa” ta sẽ phải thay đổi đồng loạt: đặt tai-tồ, rút tai-tồ, giật tai-tồ… Rõ ràng là vừa dài (hai âm tiết) vừa lạ tai, khó nghe.

Dù hướng theo tinh thần chuẩn hóa, chúng ta vẫn phải chấp nhận những cách dùng đã quá quen thuộc với đại chúng, rất khó chuyển đổi. Chẳng hạn, tên nhà văn Pháp nổi tiếng Victor Hugo lẽ ra phải đọc là Vích-to Uy-gô nhưng người Việt đã rất quen thuộc với cách đọc Huy-gô, Đông Ki-sốt (phiên từ tiếng Pháp: Don Quichoite), nguyên ngữ tiếng Tây Ban Nha là “Don Quijote”, hiện chuyển đọc là Đôn Ki-hô-tê vẫn xa lạ với độc giả Việt Nam. Hay các từ căng tin (tiếng Pháp: cantine - nơi bán quà bánh, hàng giải khát, hàng tiêu dùng), nếu đọc theo tiếng Anh “canteen” là “ken-tin”, các (trong các vi-dít, phiên theo tiếng Pháp: carte de visite, tấm danh thiếp) tiếng Anh “card” sẽ đọc là “cát”, ma-ra-tông (tiếng Pháp: marathon, cuộc thi chạy đường dài với cự ly 42,195km), tiếng Anh cũng viết thế nhưng đọc là “me-rơ-thân”. Ngay cả một từ rất hay dùng trong giao tiếp thương mại hiện nay là tiền bo, tiền boa (phiên từ tiếng Pháp: pourboire = puôc-boa = tiền khách thưởng cho nhân viên nhà hàng, khách sạn... khi thực hiện một dịch vụ nào đó) nghe vẫn quen và thông dụng hơn là tiền típ (tiếng Anh: tip)…

Hiện nay, chúng ta có khoảng hơn 2 ngàn từ gốc Pháp đã được nhập vào kho từ vựng tiếng Việt và được Việt hóa cách đọc. Nhiều cách đọc theo lối dân gian hóa có thể đã “trại âm” khá nhiều so với cách đọc chuẩn tiếng Pháp (như bóp/ cái ví, tiếng Pháp: portefeuille, cô-ve/ đậu quả, tiếng Pháp: haricot vert, ốp-lết/ trứng rán để nguyên lòng trắng và lòng đỏ, tiếng Pháp: omelette…)... Vì vậy, theo tôi, ta cần tôn trọng những “di sản” ngôn ngữ này do lịch sử để lại mà không cần phải truy nguyên ngọn nguồn để sửa (và càng không cần thiết phải đổi trở lại cách đọc theo từ tiếng Anh tương đương). Bởi làm như vậy là sẽ làm xáo trộn một khối lượng từ ngữ đã được định hình trong tiếng Việt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn