MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ nhân vẽ tranh bút lửa Nguyễn Khánh Hoàng.

Giữ hồn Đà Lạt trong tranh bút lửa

Đặng Hà LDO | 12/06/2022 07:27
Trải qua biết bao thăng trầm trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của dòng tranh hiện đại, theo dòng lịch sử thì cây bút lửa của người nghệ nhân Nguyễn Khánh Hoàng vẫn còn cháy đỏ trên mặt gỗ đến ngày hôm nay. Những tác phẩm của anh không chỉ góp phần giữ gìn nghề tranh bút lửa tại Đà Lạt mà còn được chính thức đưa vào sách lớp 6 làm tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng.

Ngọn lửa “bắt” nghề của người con xứ Huế

Nguyễn Khánh Hoàng sinh năm 1979, anh là nghệ nhân vẽ tranh bút lửa tại Đà Lạt tính đến nay gần 10 năm. Cuộc đời của anh đã trải qua nhiều biến cố mới giữ được “ngọn lửa nghề” như hôm nay. Anh sinh ra tại vùng quê nghèo khó ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, vừa đi học, vừa phải làm nhiều công việc cùng lúc để mưu sinh. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 và đi nghĩa vụ quân sự trở về, năm 2000 anh quyết định rời xa quê nhà để lập nghiệp, với ước mong sẽ mang lại một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và phần nào trang trải cuộc sống gia đình ở quê.

Thế rồi, anh vào Đà Lạt học nghề vẽ, lúc đó cảm thấy không có duyên nên anh quyết định về Sài Gòn làm thuê nhưng số phận lại không mỉm cười với anh. Bởi một người yêu cái đẹp, thích tự do và làm những điều mà mình muốn thì những công việc từ dọn hàng mướn đến làm nhân công may mặc... đều không thể giữ chân anh ở lại, một phần vì kế mưu sinh và hơn hết, anh cảm thấy nhàm chán với công việc làm thuê hiện tại.

Năm 2013, chàng trai xứ Huế quyết định quay lại Đà Lạt để lập nghiệp và cái duyên “bắt” nghề vẽ tranh bút lửa cũng có từ ngày đó. Có lẽ trải qua nhiều sóng gió, anh Hoàng mới tìm được “chân ái” của những người làm nghệ thuật như mình.

Trong lần tình cờ bắt gặp một người bạn đang dùng bút lửa để vẽ, anh Hoàng tò mò và thấy hay nên đã theo học, phải mất gần nửa năm, anh mới có thể cầm bút lửa và đi những đường nét linh hoạt trên gỗ. 

Đúng là không có nghề nào dễ dàng nhưng “tranh bút lửa” đã thay đổi và trở thành bước ngoặc lớn của cuộc đời người con xứ Huế. Tranh của anh từ vẽ thư pháp, thiên nhiên hoang dã đến vẽ chân dung “truyền thần” chủ yếu được lấy từ các tác phẩm văn học Việt Nam và đặc biệt là anh luôn tìm vẽ chân dung những người còn mang đậm cái “thần” của người Đà Lạt xưa. Và may mắn sao, mới đây những tác phẩm của anh lần đầu tiên được đưa vào tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng năm 2022.

Theo nội dung sách lớp 6 - tài liệu Giáo dục địa phương của tỉnh Lâm Đồng có nhắc đến: “tranh bút lửa thường được tạo bởi một vật kim loại được đốt nóng bằng điện rồi đốt hoặc khắc trên loại gỗ tốt, mịn, trắng, không bị nứt, có mùi thơm. Màu sắc, đường nét, hình khối, không gian trong tranh phụ thuộc vào kỹ thuật đốt/ khắc nông - sâu, to - nhỏ của người nghệ sĩ”... Và ở chủ đề “tác phẩm mỹ thuật Lâm Đồng” - tác giả có giới thiệu nghề vẽ tranh bút lửa thông qua hai tác phẩm là phong cảnh “Đà Lạt sương” và chân dung “Già làng” của anh Nguyễn Khánh Hoàng với những câu hỏi và bài tập thực hành kèm theo, để học sinh có thể phân biệt được giữa tranh bút lửa với các loại hình sáng tác khác, cũng như biết được các nguyên liệu làm nên tranh bút lửa.

Có lẽ nhờ vậy, mà người trẻ mới biết đến nghề vẽ tranh bằng bút lửa sớm hơn và hiểu được một tác phẩm phải trải qua nhiều công đoạn và với tình yêu nghề của người nghệ sĩ mới làm nên những “đứa con” để đời cho hôm nay. Tùy vào tuổi nghề để quyết định mỗi tác phẩm có những đường nét và cái hồn riêng...

Để tạo ra nét riêng và thuận tiện trong lúc vẽ, anh Hoàng có biến tấu cây bút lửa của mình để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Một lần tình cờ thấy tôn xi-măng cách nhiệt tốt, anh đã dùng nó để thay thế vật liệu sành, sắt trên bộ phận cây bút lửa và cho hiệu quả rất tốt.

Theo anh Hoàng, một bức tranh hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn, từ tìm ý tưởng, phát họa nội dung, chọn gỗ. Có thể nói, công đoạn mài gỗ là quan trọng nhất và cuối cùng là sử dụng khéo léo cây bút lửa để thể hiện tuổi nghề của mình trên nét vẽ tranh. Do đó, tranh bút lửa đòi hỏi người nghệ nhân phải tỉ mỉ, yêu cầu độ chính xác cao, vì khi đặt tay là “nét bút chết” chỉ có thể đi tiếp đường “lửa” mà không thể sửa lại.

Ngoài ra, để tranh bút lửa được lưu giữ màu lâu nhất, người nghệ nhân cần thời gian “chết” bởi không thể vội vàng mà đặt bút vẽ. Tùy mỗi người, với tôi luôn để bút được “nghỉ nóng” ở nhiệt độ vừa phải, đi chậm từng nét với cách nhấn nhá riêng của mình, sao cho cây bút cháy sâu vào mặt gỗ thì họa tiết tranh sẽ khó phai và có cái “thần thái” của tác phẩm.

Tác phẩm tranh bút lửa của anh Nguyễn Khánh Hoàng được đưa vào tài liệu giáo dục tỉnh tỉnh Lâm Đồng.

Nét đẹp của người nghệ sĩ “đường phố”

Thời gian đầu các tác phẩm của anh Hoàng bán không được vì tranh bút lửa chưa được nhiều khách hàng biết đến. Anh kể, vào dịp Tết năm 2013, vì không đủ tranh màu để bày bán nên anh lấy tranh bút lửa đặt xung quanh quán cho kín chỗ và phục vụ vẽ tranh trực tiếp khi khách có nhu cầu chiêm ngưỡng nghề vẽ tranh bút lửa tại Đà Lạt... Thật may mắn đến khi du khách nhìn thấy đã tỏ vẻ rất thích thú với cách vẽ tranh đặc biệt này. Từ đó, anh dần dần được nhiều người biết đến, kể cả du khách gần xa nên tranh cũng bán ngày một nhiều hơn trước.

Ban đầu, ước mong của anh Hoàng chỉ là tìm cho mình một công việc ổn định kiếm kế mưu sinh qua ngày. Nhưng có lẽ, nhờ vào sự kiên trì, nhẫn nại để anh theo nghề với tấm lòng nhân hậu của mình, anh luôn vui vẻ, hòa động và sẵn lòng nhận lời chỉ bảo người sau về cách vẽ tranh từ bút lửa. Do đó, đã từng có rất nhiều tác phẩm của anh được giới truyền thông giới thiệu qua báo chí và truyền hình, nhưng có lẽ dấu ấn khó quên nhất trong sự nghiệp của anh đó là “đứa con” tinh thần của mình được in trong sách lớp 6 làm tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng năm 2022.

Hiện tại, anh Hoàng vẫn duy trì nghề vẽ tranh bút lửa ở Đà Lạt và Huế. Ngoài ra, anh còn được biết đến là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, thích sưu tầm và ghi lại những khoảnh khắc đẹp của phố xá, thiên nhiên và con người thông qua ống kính của mình ở mọi miền Tổ quốc. Vậy nên, ngày càng nhiều người biết đến cái tên Nguyễn Khánh Hoàng và trân quý người con “bắt nhịp cầu 2 xứ Huế”.

Tranh bút lửa Đà Lạt đã từng có một “thời kỳ hoàng kim” rực rỡ nhất với đông đảo đội ngũ họa sĩ lành nghề và các sản phẩm được tiêu thụ trong và ngoài nước. Do đó, tranh bút lửa đã trở thành một nghề truyền thống ở Đà Lạt từ xưa. Trước đây và bây giờ, nó vẫn là niềm tự hào của mảnh đất Lâm Đồng và được ví như đặc sản của Đà Lạt để giới thiệu đến khách du lịch trong các cuộc triển lãm hay không gian trưng bày hội chợ, lễ hội Festival, tuần lễ vàng du lịch... Và với chất liệu độc đáo, vẻ đẹp mộc mạc nhưng không kém phần sang trọng từ những tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Khánh Hoàng đã và đang “hồi sinh” tranh bút lửa và giữ “hồn” của người Đà Lạt xưa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn