MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phố Lãn Ông là một trong số ít các con phố trong 36 phố phường Hà Nội giữ được nghề truyền thống theo tên gọi của nó. Ảnh: Hải Nguyễn

Giữ nghề xưa trên phố Lãn Ông

Thiện Nhân - Mai Hương LDO | 26/02/2023 07:09
Phố Lãn Ông là một con phố nổi tiếng tại Hà Nội, với bề dày lịch sử lâu đời và nghề truyền thống chủ đạo là kinh doanh thuốc đông y với hơn 70 cửa hàng thuốc đông y trải dài trên đường phố dài khoảng 200m. Đây cũng là một trong số ít các con phố trong 36 phố phường Hà Nội giữ được nghề truyền thống theo tên gọi của nó. Sau hàng trăm năm lịch sử, phố Lãn Ông đã trở thành thương hiệu chợ thuốc đông y nổi tiếng tại Thủ đô, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong và nước ngoài.

Tinh hoa y dược của đất Việt

Phố Lãn Ông tọa lạc tại trung tâm của quận Hoàn Kiếm, một trong những con phố lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Đây nguyên là đất Hậu Đông Hoa Môn, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Sau này,  khi hai thôn Hậu Đông Hoa Môn và Đông Hoa Nội hợp nhất thôn Đức Môn và tổng Hậu Túc đổi thành tổng Đồng Xuân.

Thời Pháp thuộc có tên là phố Phúc Kiến (Rue des Phúc Kiến) do nó là nơi tập trung đông đảo người Hoa đến từ Phúc Kiến, mang theo nghề bốc thuốc Bắc để lập nghiệp và chung sống hòa thuận với người Việt.

Nhiều người cho rằng, những người đầu tiên làm nghề thuốc tại đây là một số Hoa kiều, trong đó nổi tiếng nhất là dòng họ Phó đến từ tỉnh Phúc Kiến. Họ Phó đã mang đến phố Lãn Ông các bí quyết trong nghệ thuật chế tác thuốc bằng các thảo dược và dược liệu từ Phúc Kiến.

Đồng thời, dòng họ Phó kết hợp với kiến thức và kinh nghiệm của các lương y Việt Nam để phát triển các sản phẩm thuốc truyền thống, giúp phố Lãn Ông trở thành một địa điểm mua sắm thuốc Đông y đáng tin cậy. Gia đình của Phó Đức Chính, một yếu nhân trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, từng là gia đình có nhiều cửa hàng bán thuốc tại con phố này. 

Tuy nhiên, sau đó còn có hàng chục lương y người Việt đã trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực này tại phố Lãn Ông. Họ có gốc gác phần lớn từ những làng nghề làm thuốc có truyền thống như Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, cũng như từ những vùng đất học giỏi như Nhân Chính, Đông Ngạc và Hành Thiện.

Phố Lãn Ông là một con phố nổi tiếng tại Hà Nội, với bề dày lịch sử lâu đời và nghề truyền thống chủ đạo là kinh doanh thuốc đông y với hơn 70 cửa hàng thuốc. Ảnh: Hải Nguyễn

Từ quá khứ đến hiện tại

Các cửa hàng thuốc đông y trên con phố Lãn Ông đã trở thành một biểu tượng của nghề y học truyền thống của Việt Nam. Từ sau năm 1947 đến nay, phố này được gọi là phố Lãn Ông. Phố Lãn Ông được đặt tên theo tên một nhân vật lịch sử có tên là Lãn Ông, tên của danh y Hải Thượng Lãn Ông, người được tôn là ông tổ nghề Đông Nam dược. Lãn Ông là vị lương y đã có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử y học cổ truyền đất nước.

Trong "Chuyện cũ Hà Nội", nhà văn Tô Hoài cho biết, vào đầu thế kỷ 20, trong việc mua bán, phố xá còn phân biệt rõ hơn: phố Thuốc Bắc bán cất thuốc sống, còn thuốc bào chế rồi, thuốc đã thành thang thì sang mua ở các hiệu thuốc tại phố Lãn Ông ngày nay.

Sau khi những gia đình người Hoa lần lượt trở về nước sau năm 1979, các gia đình còn lại tiếp tục giữ nghề kinh doanh Đông Nam dược - loại thuốc truyền thống của người Việt cho đến ngày nay. Lãn Ông vẫn là một trong những con phố hiếm hoi trong suốt hàng trăm năm qua vẫn còn tỏa ra mùi thơm đặc trưng của các loại thảo dược.

Phố Lãn Ông giao với phố Thuốc Bắc. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngoài việc là một phố nghề nổi tiếng, Lãn Ông còn nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước bởi nhiều kiến trúc truyền thống được bảo tồn theo quy chuẩn.

Hội quán Phúc Kiến nằm tại số nhà 40 là nơi hội họp của bà con Hoa kiều trước đây trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch viếng thăm. Theo miêu tả trên văn bia, Hội quán Phúc Kiến vẫn giữ nguyên quy mô của lần tu sửa vào năm 1925, với một khối kiến trúc đá đồ sộ nằm trong một khuôn viên rộng lớn.

Diện tích di tích bao gồm: Tam quan, sân, phương đình, hậu cung, khu học hiệu phía sau và hai bên kiến trúc chính. Sau khi được trùng tu, tôn tạo, Hội quán trở thành một công trình điển hình cho việc trùng tu các di tích trong khu vực phố cổ nói riêng và Hà Nội nói chung.

Có tâm thì sẽ giữ được nghề

Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, các cửa hàng thuốc tập trung phía cuối con phố, nằm san sát nhau. Phố Lãn Ông trước đây chỉ bán thuốc Bắc, rồi sau đó mới dần dần bán cả thuốc Nam, từ các loại thuốc bình dân như vỏ quýt, sa sâm, quế chi, hạt sen, bán hạ... đến các loại cao cấp như đông trùng hạ thảo, nhân sâm, linh chi,.. loại nào cũng có.

Nằm trong căn nhà nhỏ trên phố Lãn Ông, tiệm thuốc y học cổ truyền Nghi Hưng Long được ra đời từ năm 1900, đến nay đã trải qua 4 thế hệ cha truyền con nối. Chủ tiệm hiện tại là bà Trần Thị Tuyết Mai, bà là thế hệ thứ 4 trong gia đình tiếp nối nghề làm thuốc.

Theo lời kể của bà Tuyết Mai, từ thời xa xưa, gia đình bà có nghề bốc thuốc ở Nam Định. Sau đó, ông nội bà di cư lên Hà Nội làm ăn và sinh sống bằng nghề làm thuốc. Từ đó, qua nhiều năm tháng, nghề của gia đình được tiếp nối qua nhiều thế hệ cho đến hiện tại.

Tiệm thuốc y học cổ truyền Nghi Hưng Long của gia đình bà Trần Thị Tuyết Mai. Ảnh: Hải Nguyễn

Các nguyên liệu trong tiệm thuốc của bà Mai được nhập từ các nơi trên mọi miền Tổ quốc, từ trên rừng tới dưới biển, gia đình cũng có những bài thuốc riêng biệt mà được nhiều người biết đến.

Có những gia đình bệnh nhân theo dùng thuốc của tiệm thuốc nhà bà 50 năm nay, từ thời ông bà đến con cháu họ đều ưa sử dụng thuốc nhà bà. Bà Mai quan niệm, có tâm thì sẽ giữ được nghề.

Con cháu bà Tuyết Mai tiếp nối nghề thuốc gia truyền. Ảnh: Hải Nguyễn

"Con cháu tôi được sinh ra và lớn lên trong môi trường gia đình theo nghề thuốc. Những vị thuốc, mùi thơm của thảo dược ngấm dần vào trong người chúng và theo chúng đến khi khôn lớn. Ngoài việc tiếp nối những bài thuốc gia truyền, các con cháu tôi cũng đi theo học chính quy tại các cơ sở đào tạo Đông y uy tín để làm tốt hơn công việc hiện tại" - bà Tuyết Mai chia sẻ.

Giữ lòng nhiệt huyết

Cách đó không xa là phòng chẩn trị y học cổ truyền Toàn Mỹ của lương y Nguyễn Kim Bảng. Theo lời giới thiệu của những người dân khu phố Lãn Ông, đây là một trong những tiệm thuốc bắc lâu đời nhất nhì khu phố. Anh Nguyễn Kim Khánh (32 tuổi) là con trai của lương y Nguyễn Kim Bảng, anh Khánh là thế hệ thứ 5 trong gia đình tiếp nối nghề bốc thuốc.

Gia đình lương y Nguyễn Kim Bảng quê gốc ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Trước năm 1940, các cụ bỏ quê lên Hà Nội và sinh sống bằng nghề làm thuốc tại phố Lãn Ông.

Anh Khánh cho biết, trên bố anh có 3 bác trai. Dù đông con cháu nhưng đến đời anh thì chỉ mình anh bám nghề, còn các anh chị khác làm những công việc riêng. Bởi anh Khánh được sinh ra và lớn lên cùng nghề làm thuốc của gia đình nên ngay từ nhỏ, anh đã được chứng kiến và tiếp xúc với nhiều bài thuốc bắc. Cứ thế theo năm tháng, anh được bố truyền dạy lại nghề gia truyền.

Anh Khánh chia sẻ: "Đông y chữa bách bệnh nhưng gia đình tôi cũng có những bài thuốc được bào chế riêng. Có những bệnh nhân đến tiệm thuốc nhà chúng tôi kể lại, họ cắt thuốc ở đây từ ngày mới mang bầu. Đến bây giờ, con cái họ đã ngoài 40 tuổi rồi. Lượng khách tới tiệm dù không quá đông nhưng nhìn chung đều ổn định và thường xuyên".

Theo anh Khánh, việc khó nhất đối với thế hệ đi sau như anh là giữ được cái tâm, lòng nhiệt huyết với nghề. Bởi hiện nay mọi người ngại sử dụng thuốc bắc do tốn công sức và mất thời gian. Hơn nữa thời gian khỏi bệnh cũng lâu hơn thuốc tây. Bên cạnh đó, phải làm sao đảm bảo chất lượng thuốc cũng là một vấn đề không dễ dàng.

Trò chuyện với nhiều người dân phố Lãn Ông, họ vẫn nhớ như in cái không khí sôi động của con phố này hồi cuối những năm 1980, thời mà nơi đây được coi là trung tâm buôn bán các mặt hàng Đông Nam dược với số lượng lớn, khách buôn khắp cả nước đổ về đây cất hàng.

Tuy không còn là thời hoàng kim như trước nhưng những người dân nơi đây vẫn duy trì nghề, giữ lại truyền thống của gia đình. Không chỉ riêng bà Mai hay anh Khánh mà bất kỳ người dân nào làm nghề thuốc trên phố Lãn Ông cũng đều tâm niệm, nếu có tâm vẫn sống được bằng nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn