MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tập sách "Làm chủ tiền bạc từ khi còn đi học". Ảnh: Nhà xuất bản

Giúp người trẻ kiểm soát tài chính khi còn đi học

đình Dy LDO | 08/09/2024 07:30

Cuốn sách "Làm chủ tiền bạc từ khi còn đi học" (nhà xuất bản Trẻ ấn hành) của Tiến sĩ Vũ Minh Tú hướng dẫn thực hành cách làm chủ tiền bạc dành cho học sinh cấp 3 và sinh viên.

Ngay từ khi còn là học sinh cấp 3 hoặc sinh viên, nếu bạn biết cách làm chủ tiền bạc, thì khi trưởng thành bạn càng có nhiều lợi thế để tiến đến mục tiêu tự do tài chính. Để trang bị cho các bạn kỹ năng này, nội dung sách tập trung vào các kiến thức đơn giản, hiệu quả, cuối mỗi chương đều có bài thực hành để các bạn có thể áp dụng ngay, tự cảm nhận lợi ích thực tế mình có được.

Quyển sách “Làm chủ tiền bạc từ khi còn đi học” gồm 8 chương, nêu ra những vấn đề cơ bản nhất nhưng vô cùng quan trọng về tiền bạc trong thời đại ngày nay như kế hoạch chi tiêu, cách dùng smartphone để quản lý tiền, tiết kiệm, đầu tư, vay tiền khôn ngoan, khởi nghiệp và cách dự phòng cho những lúc khó khăn.

Sách đề cập 3 "ác mộng thường trực" của các bạn trẻ là luôn thiếu hụt tiền bạc; lâm vào tình cảnh nợ nần với sự dễ dãi trong việc cấp thẻ tín dụng, cho vay trực tuyến và kích thích mua trước trả sau; làm việc quần quật mà vẫn không đạt được mục tiêu đã đề ra...

Sách cũng chỉ ra cách lập kế hoạch chi tiêu gồm các bước: Tính toán thu nhập; Định mức tiết kiệm; Liệt kê chi phí hàng tháng; Lập kế hoạch: Thu nhập = Tiết kiệm + Chi phí; Theo dõi thực hiện.

Với việc sử dụng tài khoản ngân hàng, thẻ ATM và thẻ tín dụng, sách chỉ ra, bạn không cần theo dõi, ghi chép các tài khoản chi tiêu của mình một cách tỉ mỉ như trước đây, mà chỉ cần đọc sao kê tài khoản ngân hàng để kiểm tra việc thực hiện kế hoạch chi tiêu của mình.

Để tự do chi tiêu, bạn cần phải phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn để có cách hành xử khác nhau. Định nghĩa nhu cầu là những gì cần thiết để duy trì một cuộc sống lành mạnh, ví dụ như ăn uống, quần áo, chỗ ở, giáo dục, y tế... và phải đảm bảo, không giảm mua sắm mà giảm chi phí bằng cách sắp xếp cụ thể.

Định nghĩa mong muốn là làm cho cuộc sống thêm thú vị, thoải mái, tiện nghi hơn, ví dụ như thiết bị thông minh, thời trang, du lịch, giải trí, chơi game,... và có thể giảm mua sắm, trì hoãn mua sắm mà vẫn duy trì sự thoải mái.

Để phân biệt đâu là nhu cầu và mong muốn đối với bản thân mình, hãy xem những món hàng vừa vượt quá thu nhập hay số tiền mình có, vừa lại chưa có nhu cầu sử dụng thường xuyên từ trước đến nay, thì đó hầu hết là mong muốn.

Ngược lại, những món hàng hay dịch vụ mà trong khả năng chi trả của bạn, bạn đã dùng thường xuyên từ lâu, sẽ là nhu cầu, cho dù đó là khoản mục ăn ở, đi lại, hay học hành, giải trí...

Theo tình hình thu nhập, nhu cầu thường xuyên của mình, bạn cũng có thể điều chỉnh phân loại của nhiều món hàng, từ nhu cầu thành mong muốn khi giảm thu nhập, hoặc từ mong muốn thành nhu cầu khi bạn tăng thu nhập.

Người trẻ cần có những phương pháp tiết kiệm như: Kiểm soát chi phí hàng tháng theo đúng ngân sách; Dùng những gì bạn đang có, tránh bị cuốn hút suy nghĩ vào các xu hướng hay món hàng theo phong trào; Mua sắm hợp lý hơn, chia sẻ hoặc mua chung với bạn bè các mặt hàng ít sử dụng...

Tiến sĩ Vũ Minh Tú là chuyên gia tài chính với hơn 23 năm kinh nghiệm trong vai trò chuyên gia phân tích, giám đốc nghiệp vụ, ban điều hành ở các tổ chức tài chính và hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy, tư vấn về tài chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn