MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vũ Hiếu (Hiếu Mường) làm gốm. Ảnh: Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường

Gốm Mường - Vũ Hiếu

Phan Cẩm Thượng LDO | 03/05/2020 10:01
Trong lịch sử, người Mường không sản xuất gốm, họ mua gốm từ dưới xuôi, hoặc mua gốm của người Thái ở Mường Chanh. Những năm 1990, khi con đường xuyên Sơn Tây đi Xuân Mai được xây dựng, cho thấy rất nhiều gốm Lý Trần phát lộ từ các mộ cổ Mường. Mối quan hệ giao thương giữa người Mường và người Việt hiện chưa có nghiên cứu nào, mà người ta coi, người Việt chỉ là người Mường xuống đồng bằng.

Khi xây dựng bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, họa sĩ Vũ Hiếu đã chú trọng đến việc sưu tập hiện vật Mường - chiêng, gốm (Việt), phục trang, đồ dùng thường nhật, nhà cửa... Việc định cư ở Hòa Bình với bảo tàng, khiến họa sĩ đi xa hơn muốn tìm hiểu nghề gốm của người dân tộc, anh cũng nhiều lần lên Mường Chanh. Năm 2014, nhân có workshop quốc tế, mang tên Dưới mái nhà sàn, tổ chức ở bảo tàng, nhiều nghệ sĩ làm gốm, họa sĩ cũng tham gia ít nhiều. Nhưng lúc đó, chỉ có một lò điện nhỏ, còn hầu hết sản phẩm phải đưa xuống Hà Nội, nung nhờ. Nhưng đó cũng là lần Vũ Hiếu cảm thấy mình phù hợp với việc làm gốm.

Họa sĩ từng học khoa Thủy tinh, trường Đại học (ĐH) Mỹ thuật Công nghiệp, lại có bằng ở khoa Lịch sử nghệ thuật bên trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, nên vừa có tay nghề, vừa có vốn văn hóa nhất định. Bắt tay vào làm gốm là cả một thách thức, vì thực sự rất nhiều nghệ sĩ ở Hà Nội làm gốm, nhưng rất ít ai chia sẻ điều gì, đây là một cái kém, khó thúc đẩy gốm tác giả ở Việt Nam. Mua đất, xây lò, chế tạo men theo lối dân gian, rồi tiến đến tìm những nguyên liệu tại chỗ, khiến họa sĩ đưa ra khái niệm Gốm Mường - nó là sự kết hợp thẩm mỹ của người Mường với đất và lửa nơi Mường, được bản tay tài hoa của nghệ sĩ nhào nặn.

Gốm Việt Nam có một lịch sử phát triển liên tục và có tiếng vang trên thế giới. Gốm Lý Trần cho đến nay vẫn là báu vật của các bảo tàng lớn, thứ đến là gốm thời Mạc, các thời gốm khác tuy không được đánh giá cao, nhưng cũng rất giá trị. Tuy nhiên, đến thời hiện đại, thế kỷ 20, dường như có một sự đứt đoạn lớn với gốm truyền thống. Cho đến 30 năm gần đây, lại xuất hiện nhiều tác giả có tên tuổi, còn các làng nghề gốm bị lai tạp nặng nề bởi yếu tố thị trường bắt buộc, cũng như phai nhạt bản sắc.

Gốm của các nghệ sĩ hiện đại không muốn phụ thuộc vào chức năng đồ đựng thuần túy, mà muốn nó có giá trị như điêu khắc, hoặc gốm nghệ thuật độc lập. Họa sĩ Bảo Toàn và Nguyễn Trọng Đoan đã làm được điều đó. Vũ Hiếu thì cách hai ông trên đến ba thế hệ làm gốm. Anh mới trưởng thành khoảng 6 năm gần đây, cùng với bảo tàng Mường của mình. Tuy nhiên, họa sĩ tiến khá nhanh, có tay vuốt thành thạo, và chịu khó nghiên cứu kỹ thuật gốm khắp nơi, đặc biệt là kỹ thuật của người Nhật và Trung Quốc. Nghề gốm có tiêu chuẩn nhất định, nhưng nghệ sĩ gốm Việt Nam dường như chưa chú ý đến điều này, cốt sao làm được tác phẩm mà họ thấy đẹp.

Những tác phẩm gốm của Hiếu Mường.Ảnh: Bình Đặng

Gốm Mường của Vũ Hiếu thoạt đầu cũng chưa thoát ra các hình dáng ống và cách điệu kiểu công nghiệp, nơi anh từng học. Tham khảo các dáng chân cao của gốm Trần, gốm miệng vuông của các nghệ sĩ nước ngoài, gốm men đen Nhật... Vũ Hiếu tìm tòi những cấu trúc như đồ mây tre đan của người Mường Thái, đồ gỗ thủ công dân tộc và cả dáng cây cỏ cũng được vận dụng để tạo dáng gốm. Đây là những thử thách lớn đối với tay nghề, vì gốm chịu trọng lực nhất định, không thể mở dáng thoải mái, như kim loại hay gỗ, nó thường có xu hướng cân đối và đóng kín, nên phát triển dáng cho thấy sự điêu luyện của nặn vuốt và hiểu biết về kỹ thuật nung, khi qua nhiệt độ cao, sự co ngót ảnh hưởng đến cấu trúc thế nào. Có thể nói, sự hướng về bản sắc dân tộc kết hợp với kỹ thuật gốm khá điêu luyện đã tạo ra những kết quả ban đầu tốt đẹp đối với một nghệ sĩ trung niên, giàu lòng với văn hóa tộc người.

Tháng 4.2020

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn