MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ công binh hy sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988 từ tàu Trường Sa 571, trên vùng biển xã đảo Sinh Tồn.

Gửi khát vọng ở Cô Lin

Bài và ảnh Trịnh Thông Thiện LDO | 21/03/2021 12:12
“Mùa tháng 3 biển trời Trường Sa êm ả nhưng vẫn lần khuất đâu đó những cơn sóng lừng, nhưng chúng tôi quyết giữ từng hòn đá mồ côi, từng cánh chim biển, từng rạn san hô của biển trời Tổ quốc” - Đại úy Nguyễn Văn Cường ở đảo Cô Lin (xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) vừa nói vừa hướng về phía Gạc Ma.

Anh dường như không nói riêng với chúng tôi mà còn là lời hứa với 64 anh linh đồng đội đã hóa thân thành sóng nước trong sự kiện Gạc Ma đã tạo nên “Vòng tròn bất tử” trong tâm thức người Việt.

Năm 2017, tàu Trường Sa 571 vừa xuất phát từ Cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) đưa đoàn công tác đi huyện đảo Trường Sa thì Trung tá Lê Văn Tặng ở Cục Chính trị Bộ tự lệnh Hải quân đã thông báo chuyến hải trình với điểm đến đầu tiên là đảo Cô Lin, thì trong tôi lại rộn lên một cảm xúc bồi hồi.

Chúng tôi đến bãi đá Cô Lin khi mặt trời ối đỏ lặn sau từng con sóng lừng phía Tây. Tàu 571 hú hồi còi dài hạ neo, Cô Lin hiện ra chỉ một tầm mắt, nhưng thủy triều thấp nên đoàn công tác không thể dùng xuồng lên đảo.

Giây phút xúc động trong Lễ tưởng niệm.

Đêm Biển Đông, bốn bề như dát vàng bởi ánh trăng rằm, nhưng chúng tôi đều đều hướng tầm mắt về Gạc Ma với tâm sự “một tấc đất rời, vạn tấc đất đau”. Từng cơn sóng lừng nhẹ ập dưới đáy tàu khiến chúng tôi nôn nao, chao đảo.

Tuy vậy, cô bé Nguyễn Thị Mơ (sinh năm 1991, PV Báo Pháp Luật Việt Nam) đã thức trắng đêm gấp 235 con chim giấy, đại diện cho 235 con người trong đoàn công tác trao gửi khát vọng hòa bình trên trập trùng sóng nước Biển Đông.

Đoàn công tác trên tàu Trường Sa 571 thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc, trên vùng biển xã đảo Sinh Tồn.

5h, tàu 571 rung chuông báo thức toàn tàu, giữa không gian tĩnh lặng ban mai, tôi nghe gần lắm tiếng gà gáy sáng. Có lẽ sống giữa không gian đô thị quá lâu nên tiếng gà gáy sáng giữa Biển Đông gợi lên cho tôi một sự rung cảm đến kỳ lạ, nghe như đâu đây xóm làng của người Việt.

Đoàn công tác trên tàu Trường Sa 571 thắp hương trước bia tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma ở chùa Sinh Tồn trên đảo Sinh Tồn.

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Quần đảo Trường Sa được tổ chức ngay trên boong tàu 571. Với chất giọng trầm ầm, nhẹ nhàng, Trung tá Lê Văn Tặng đọc diễn văn Lễ truy điệu về sự bất khuất của 64 chiến sĩ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma. 64 người con của đất Việt đã vĩnh viễn nằm lại với sóng biển Trường Sa để có được hình hài Tổ quốc là đảo Cô Lin phía trước mặt. Từng con chim giấy, từng cánh hoa được chúng tôi thả xuống biển theo sóng xô mãi về hướng Gạc Ma.

Trong huyện đảo Trường Sa, đảo Cô Lin thuộc xã đảo Sinh Tồn được coi như “mắt thần” của biển. Nằm ở vị trí quan trọng, Cô Lin là nơi bà con đi biển tìm đến neo đậu tránh trú bão, lấy thêm nước ngọt và lương thực cho những chuyến hải trình.

Nhiều chuyến xuồng từ tàu 571 đưa đoàn công tác chúng tôi lên đảo Cô Lin, từng cái ôm thật chặt thấm đượm mùi mồ hôi mặn mòn của lính đảo. Thượng úy Ngô Văn Bun, Chính trị viên đảo Cô Lin cho biết: “Tòa nhà này được xây dựng chính trên địa điểm năm 1988 tàu HQ 505 đã phi lên để giữ đảo và trở thành cột mốc sống, biểu tượng của chủ quyền đảo Cô Lin của Việt Nam”.

Lịch sử Quân chủng Hải quân còn nhắc nhớ, con tàu HQ505 sau khi bị bắn cháy trong sự kiện Gạc Ma vào năm 1988 đã lao lên đảo Cô Lin, trở thành cột mốc chủ quyền sống của Việt Nam. Đảo Cô Lin vì thế được giữ vững đến hôm nay.

Đảo Cô Lin có nhiều loài chim sinh sống nhưng nhiều nhất là hải âu, đặc biệt có nhiều loài chim di cư theo mùa.

Cho mãi đến tận bây giờ, cứ mỗi lần tháng 3 đến, lòng lại đau đáu nhớ về Lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận Hải chiến bi hùng; nhớ Trường Sa, nhớ về Cô Lin. Dẫu biết rằng, con đường đấu tranh vì chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng chân lý sẽ luôn thuộc về lẽ phải. Và người Việt Nam luôn cháy bỏng một niềm tin sắt đá rằng: “Hoàng Sa và Trường Sa là một phần máu thịt của Việt Nam”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn