MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phố Đông Các trong dịp lễ Cách mạng tháng Tám và mùng 2 tháng 9. Ảnh: Dương Quốc Bình

Hà Nội và tôi

Nguyễn Năng Lực LDO | 10/10/2020 06:37
Quê tôi ở ngoại thành, nơi có con sông Tô Lịch đã một thời sầm uất trên bến dưới thuyền và nghề làm giấy lâu đời. Tháng Chạp năm 1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, mặt trận Cầu Giấy vỡ, cả nhà tôi phải gồng gánh dắt díu nhau tản cư ra vùng tự do. Người chạy về Sơn Tây, người vào Thanh Hóa, mấy tháng sau mới đoàn tụ.

1. Năm 1950, do cha tôi bệnh nặng, nhà toàn đàn bà con trẻ nên cả nhà hồi cư về Hà Nội. Nhà cửa ở quê đã cháy trụi trong cuộc tiêu thổ kháng chiến nên phải tìm nhà trong phố. Ban đầu, nhà tôi ở Ngõ Hàng Cháo, về sau bị đuổi xuống khu “nhà viện trợ Mỹ” ở Lương Yên - Thúy Ái, nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng. Mẹ tôi sinh ra tôi ở một nhà hộ sinh tư gần Cây đa Nhà Bò, Ô Đống Mác, dưới bóng hàng cây sao đen thẳng tắp. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, năm ấy, Hà Nội chỉ có hơn 53.000 người trên diện tích 152km2.

Cha tôi là người có học. Nghe mẹ tôi kể lại thì trước năm 1945, cha tôi có đánh bạn với nhiều người văn chương, trong đó có bác Nguyễn Sen ở Nghĩa Đô, tức nhà văn Tô Hoài. Hồi cư về Hà Nội ít ngày, các ông kỳ hào ở làng quê tôi ra tận nơi đòi truy thu thuế những năm tản cư. Bực mình, cha tôi viết bài báo "Xin các ông đừng ăn nữa", đăng báo Tia Sáng. Số phận đã không cho ông kịp đón ngày Bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô. Ông chết ở nhà thương Phủ Doãn do đau dạ dày và sau khi viết bài báo "Khi người ta muốn sống", phàn nàn về chế độ nhà thương thuộc địa đăng trên tờ Tia Sáng đầu năm 1954, lúc ấy, tôi chưa đầy hai tuổi. Các ông cùng lứa với cha tôi bảo: “Bố mày chết vì bài báo ấy”.

Những ngày đầu năm 1954, bộ đội ta đánh lớn ở chiến trường Tây Bắc. Lính Tây bị thương dồn về Hà Nội, Nhà thương Đồn Thủy chật cứng thương binh, các nhà thương dân sự cũng phải nhường chỗ cho thương binh từ Điện Biên Phủ được máy bay, ôtô chở về. Lính Pháp chán chường, tâm lý thất bại, phản chiến, nhớ nhà đè nặng trĩu trên đầu họ. Mẹ tôi kể rằng, những ngày ấy, hễ ra ngoài đường là mẹ tôi phải xoa nhọ nồi lên mặt cho xấu xí đi để tránh bọn lính Tây thất trận nhòm ngó. Một buổi tối, trong ánh đèn đỏ đọc của khu nhà ổ chuột, mẹ tôi đang ôm tôi trong lòng thì cửa xịch mở, một thằng Tây đen cao to lừng lững bước vào. Mẹ tôi sợ rúm người, nhưng thằng Tây chỉ ngồi nhìn mẹ tôi cho tôi bú, một lúc sau, anh ta thở dài rồi bước ra, sau khi xoa đầu thằng bé là tôi đang chả biết sợ là gì, cứ giương mắt nhìn lạ lẫm.

Hai người lính trên phố Xã Đàn (Hà Nội) một chiều mưa. Ảnh: Dương Quốc Bình

2. Những khu “nhà viện trợ Mỹ” đều là khu “ổ chuột”, được ví như khu “Harlem của Hà Nội”. Cả hai khu Thúy Ái với hơn 200 gia đình, hơn 1.000 con người chỉ có một dãy nhà vệ sinh công cộng 10 ngăn xí xổm toang hoác. Sáng nào cũng có khoảng vài chục người xếp hàng dọc theo con ngõ trồng dâm bụt, mặt ai nấy khó đăm đăm, tay sốt ruột vò tờ giấy. Những người lâm vào tình thế khẩn cấp thường được thông cảm cho “đi” trước. Trong lúc chờ đợi, người ta nói chuyện về thời tiết, giá cả, phàn nàn về hàng xóm với nhau. Nhiều thanh niên mang theo sách đọc, hoặc tranh thủ đọc những dòng chữ trên mảnh giấy nhàu nát. Trông coi, quét dọn khu nhà xí công cộng là người đàn bà gọi theo tên con là bà Khứ, thường gọi là “bà Cai cứt”. Bà Khứ răng đen, mắt toét, người lúc nào cũng ám mùi cứt lẫn thoang thoảng mùi rượu, có lẽ bà uống rượu cho đỡ ghê. Hằng ngày, bà dọn phân, nhặt giấy, quét tước con đường vào... Bù lại, bà được sở hữu số chất thải của cả khu, mỗi ngày mấy gánh bán cho dân ngoại thành trồng rau.

Những lúc rỗi rãi, cánh đàn ông thường tụ tập bạn bè, chú Định “min” dân đấm bốc nghiệp dư, ông Nhàn cung văn vác theo cái đàn nguyệt... Họ nói đủ thứ chuyện, từ Balzac, Victor Hugo đến các sàn nhảy ở Hà Nội, đô vật Ba Siêu "xe đài" đẹp, võ sĩ Ngọc Long lên gồng trước cửa Nhà hát Lớn, xuống tấn giữ không cho xe Zeep nhà binh Pháp chạy...

Dân cư Thúy Ái phần lớn là lao động nghèo, rất nhiều người đạp xích lô, kéo ba gác, bốc vác ngoài bến cảng... Do cùng cảnh áo ngắn, họ khá thương nhau. Nhà nào chẳng may hết gạo có thể vác rá đi vay hàng xóm, nhiều khi phải đi ba bốn nhà mới vay được, lúc trả thường trả đúng loại gạo đã vay, hoặc loại gạo ngon hơn. Khi trẻ con đánh nhau, các bà mẹ thường sang nhà hàng xóm mách, chứ không chửi bới bù lu bù loa như bây giờ. Bà nội tôi có cửa hàng tạp hóa nhỏ, nhiều người vẫn thường mua chịu. Bà rất ít nói, không bao giờ nói to, chỉ thủ thỉ mà thấm vô cùng. Trong bữa ăn, thấy cháu và sùm sụp, bà nhẹ nhàng bảo: “Ăn cơm thì và khẽ thôi, ngậm miệng lại mà nhai, con ạ”. Hơn nửa thế kỷ qua, tôi vẫn nhớ như in câu răn ấy để dạy bảo con cháu.

3. Trẻ con khu Thúy Ái, Lương Yên, Ô Đống Mác thường học ở Trường cấp 1-2 Lương Yên. Ban đầu, trường toàn tranh tre nứa lá, đến năm 1963 được xây ba tầng. Gác trường là ông Chén, vốn là lính khố đỏ thời Pháp, người cao to rất có uy, bọn học sinh nghịch ngợm rất sợ. Ông Chén có mấy đứa con đều mang tên một thức đựng nào đó như Bát, Đĩa, Ấm, Cốc... Trường Lương Yên ngày ấy có đội bóng đá nổi danh thành phố và có cậu học sinh nhảy cao quá đầu mình. Chủ nhiệm lớp chúng tôi là thầy Bùi Thế Vinh dạy Sinh vật. Gia đình thầy ở phố Phủ Doãn, nhà Công giáo gốc. Bằng tình cảm yêu thương và phương pháp sư phạm của Makarenko, một nhà giáo dục Xô viết lỗi lạc, thày đã xây dựng lớp chúng tôi thành lớp tiên tiến của nhà trường, có nhiều học sinh giỏi cấp thành phố và đều trở thành công dân tốt. Năm 1965, tôi được thày chọn cùng một bạn khác tham gia đoàn thiếu nhi "Cháu ngoan Bác Hồ" của Thủ đô vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Sau này, cậu học sinh nhảy cao quá đầu mình trở thành Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Giang - Anh hùng Lao động, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Quốc gia. Thầy chủ nhiệm lớp tôi đã về hưu nhưng vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, là Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hà Nội.

Năm 1965, Mỹ ném bom miền Bắc, tôi theo cơ quan mẹ đi sơ tán về nông thôn, sau đó vào đại học rồi đi bộ đội. Học hết năm thứ ba Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi cùng nhiều bạn học khác "xếp bút nghiên lên đường chiến đấu". Trong 3 năm 10970, 1971, 1972, đã có hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Thủ đô ra trận, giữa đạn bom vẫn làm thơ, vẫn "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" và ngậm ngùi chôn bạn hy sinh. Đến ngày Toàn thắng 30.4, chỉ có không đầy một nửa trong số đó trở về. Hơn một nửa đã bỏ mình trên những cánh rừng xa, dưới dòng nước Thạch Hãn đỏ máu. Trước lúc hy sinh, có ai kịp nhớ về Hà Nội, nhớ về Tháp Rùa, nhớ về Khuê Văn Các...?

Tôi may mắn sống trở về sau 14 năm đánh Mỹ, đánh bành trướng xâm lược, học nốt chương trình đại học rồi đi làm báo. Mỗi khi mở cửa sổ phòng làm việc, lại thấy Tháp Rùa lung linh soi bóng Hồ Gươm. Đêm đêm, từ căn hộ chung cư cao ba chục tầng nhìn ra, thấy những dãy nhà lung linh ánh đèn như cả một bầu trời sao, càng thêm yêu cuộc đời, thêm yêu Hà Nội. Thành phố quê hương tôi đang ngày càng hiện đại, văn minh. Đến nay, dù chẳng giàu tiền, nhưng tôi tự hào về gia đình mình với hai người con trai và một con dâu đều có bằng "thạc sĩ tư bản", đang cống hiến tuổi trẻ cho Thủ đô, với những đứa cháu xinh như thiên thần.

Khi còn sống, mẹ tôi - người đảng viên gần 60 năm tuổi Đảng - vẫn thường bảo: "Nếu không có Đảng, có bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô, nhà ta làm sao có được ngày hôm nay". Có lần, nói chuyện với anh bạn là Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn, cùng nhau ôn lại chuyện thời thơ ấu, anh bạn dân Trại Tóc Ô Chợ Dừa gật gù trầm ngâm: "Ừ nhỉ, nếu không có cách mạng, không có ngày 10.10 năm ấy thì tôi với ông, hai thằng từ ổ chuột Hà Nội chui ra, khéo thành lêu lổng chứ làm gì mà được như bây giờ".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn