MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh (ngoài cùng, bên trái), nghệ nhân Phan Thị Thuận và tác giả bài viết (ngoài cùng, bên phải).

Hai bà "tổ nghề" dệt lụa tơ sen

nguyễn năng lực LDO | 25/10/2020 11:00
Mấy năm gần đây, thị trường thời trang cả nước xôn xao đón nhận thông tin "người Việt đã dệt được lụa từ tơ sen". Làm sao mà những sợi tơ mỏng manh từ cọng cây sen đã bao đời chỉ bỏ đi, lại có thể trở thành những tấm lụa óng ả có giá trị rất cao như vậy?

Từ xa xưa, sen là một trong những biểu tượng văn hóa đẹp trong đời sống người Việt, bởi đây là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp trong sáng, cao sang và thuần khiết. Sen đã đi vào nghệ thuật điêu khắc, thi ca, nhạc, họa dân tộc. Sen cũng là biểu tượng cho Phật giáo với truyền thuyết về sự ra đời của Đức Phật tổ, với hình ảnh Phật ngự tòa sen... Việt Nam là đất nước có điều kiện tự nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho sen. Người dân Việt đã tận dụng hầu hết các bộ phận của cây sen, làm ra những sản phẩm hữu ích trong nhiều lĩnh vực phục vụ cuộc sống. Lá sen để gói thực phẩm, làm nón; hoa sen, cốm sen ướp trà; hạt sen làm thuốc chữa bệnh, nấu chè, làm mứt; cánh hoa sen để chiết xuất tinh dầu dùng trong ngành mỹ phẩm, dược phẩm, hoặc sấy ép khô làm tranh nghệ thuật... nhưng cọng sen thì chỉ có vứt đi, hoặc phơi khô làm củi.

1. Như có duyên may, tôi được quen biết và có mối quan hệ thân tình với hai người phụ nữ được coi là "tổ nghề" dệt lụa tơ sen. Câu chuyện lụa tơ sen ra đời ở Việt Nam cũng như một cơ duyên bắt nguồn từ những sự ngẫu nhiên huyền diệu nhuốm màu Phật pháp, và người nảy ra ý tưởng dệt lụa tơ sen là một nữ Phật tử mộ đạo.

30 năm trước, người phụ nữ nhỏ nhắn, xinh đẹp này là bạn học cùng lớp Báo chí Hà Nội Khóa I với tôi và nhiều đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội. Bây giờ, tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Một ngày đẹp trời đầu năm 2012, Quốc hội Việt Nam có khách, là đoàn Đại biểu Nhóm nghị sĩ Hữu nghị Myanmar - Việt Nam đến thăm. Hôm ấy, các thành viên Ủy ban Đối ngoại đi vắng cả, tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh được cử ra tiếp, được bạn tặng chiếc khăn lụa dệt từ tơ sen. Nâng niu chiếc khăn mộc mạc trên tay, bà Khánh nghĩ đến những cánh đồng bát ngát sen ở Đồng Tháp Mười, đến Hồ Tây ở Hà Nội và những đầm, hồ khắp các vùng Đồng bằng Bắc bộ ngàn ngạt sen; nghĩ đến nông thôn Việt Nam còn nghèo khó, đến những người phụ nữ nông dân khéo tay chỉ vì nghèo túng phải bỏ làng quê ra thành thị kiếm sống; nghĩ đến hàng trăm nghìn tấn cọng sen sau mỗi mùa thu hoạch phải chất đống bỏ đi gây ô nhiễm môi trường... Bà quyết tâm phải đưa được nghề dệt lụa tơ sen về đất nước quê hương, góp phần tạo thêm một nghề mới cho người nông dân ở các vùng còn khó khăn, đồng thời tôn vinh loài “Quốc hoa Việt Nam”.

Bằng hàng loạt hoạt động ngoại giao nhân dân, ngoại giao nghị viện, ngoại giao Nhà nước, được sự giúp đỡ hiệu quả của các ủy ban của Quốc hội, các Bộ Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, bà cùng cộng sự đã triển khai nghiên cứu đề tài sản xuất sợi tơ sen.

Tháng 8.2014, được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội và các bộ, ngành liên quan, tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn cán bộ liên ngành đi công tác tại Myanmar. Đoàn đã khảo sát, tiếp cận, tìm hiểu về giống, kỹ thuật trồng sen và công nghệ sản xuất vải lụa từ tơ sen tại một số cơ sở, làng nghề truyền thống; gặp gỡ nghị sĩ Nay Win Tun - Chủ nhiệm Ủy ban Tài nguyên, Khoáng sản, Thương mại, Dịch vụ của Quốc hội, Chủ tịch Hội Nghị sĩ Hữu nghị Myanmar-Việt Nam và một số Nghị sĩ Quốc hội Myanmar nhằm trao đổi, chia sẻ sự quan tâm thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ tơ sen của Myanmar và Việt Nam.

Sản phẩm khăn lụa tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận.

2. Ngày 26.5.2016, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 1331/QĐ-BKHCN về việc phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, kinh phí và thời gian thực hiện Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, trong đó có Đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống sen tại Việt Nam”, mã số đề tài: ĐTĐL.CN. 12/16, do GS.TSKH Nguyễn Duy Chuyên - Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái (thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) - làm chủ nhiệm; tiến sĩ Khánh là thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài. Bà đã chủ động phối hợp với các địa phương Hà Nội, Hà Nam, Nghệ An, Đồng Tháp... và các đơn vị Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc... bàn việc triển khai thực hiện đề tài này.

Đề tài tập trung xây dựng ba mô hình. Mô hình rút sợi tơ, triển khai ở huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội; mô hình trồng và sản xuất tơ sen ở Linh Xá, Thường Tín, Hà Nội và mô hình trồng sen ở Đồng Tháp Mười, Nam Bộ. Các mô hình này đã bắt đầu được xây dựng và hoạt động từ năm 2017.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh, việc phát triển, khai thác giá trị mọi mặt của cây sen sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng ở các vùng đất ngập nước, chua phèn, tạo nghề mới, tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người nông dân, nhất là chị em phụ nữ nghèo ở nông thôn. Việc se sợi, dệt vải từ tơ sen có ý nghĩa lớn trong phát huy tiềm năng, lợi thế của đất nước, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu sợi cho ngành Dệt đang là vấn đề bức xúc của ngành Dệt May trong nước. Sử dụng thân cây sen, cọng lá sen để lấy tơ, se sợi, dệt vải sẽ góp phần to lớn trong việc thu gom, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Sau khi kết quả nghiên cứu đề tài khoa học này được công bố, chắc chắn sẽ không còn tình trạng lãng phí nguyên liệu từ cây sen, đồng thời góp phần xử lý ô nhiễm nước tại các đầm, hồ...

3. Sau quá trình khảo sát, tiếp cận, vận động những người thợ giỏi, tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh gặp nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội) - Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức. Cuộc gặp giữa họ như một định mệnh. Hai người phụ nữ say nghề say nghiệp đồng cảm với nhau ngay từ những ngày đầu. Nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết, bà rất cảm động và tâm đắc với bài thơ "Tứ trọng ân" in trên chiếc cốc sứ mà "cô Khánh" tặng bà:

Đời người nay có mai không

"Tứ trọng ân" khắc ghi lòng không quên

Sao cho Đất Việt sáng lên

Sao cho Dân Việt bình yên mọi bề.

Niềm khao khát làm rạng danh Đất Việt, đem lại bình yên, no ấm cho dân Việt đã gắn bó họ với nhau. Bà Thuận nhận lời tham gia đề tài. Sau một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm vô cùng khó khăn, trải qua rất nhiều lần thất bại, bà đã tìm ra phương thức tối ưu để lấy được tơ từ cây sen.

Chúng tôi đã nhiều lần về Mỹ Đức thăm xưởng sản xuất của bà Thuận. Hơn 40 cháu học sinh đang kỳ nghỉ hè miệt mài rút tơ từ cọng sen. Được biết, cứ 1 tấn cọng sen, rút được 0,5kg tơ, dệt được 10 chiếc khăn quàng kích thước 170 x 25cm, tính ra mỗi chiếc khăn cần đến tơ của hơn 5.000 cọng sen. Khăn tơ sen của bà Thuận có độ bóng, mịn do sợi tơ nhỏ, đều, mặc dù giá bán khá cao nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu của những người sành điệu. Năm 2019, khăn tơ sen Mỹ Đức đã được Thủ tướng Chính phủ chọn làm quà mang tặng các nguyên thủ quốc gia dự Hội nghị G20 tại Nhật Bản.

Năm 2017, bà Phan Thị Thuận đã trở thành người Việt Nam đầu tiên dệt lụa từ tơ sen và đang tiếp tục cải tiến, hoàn chỉnh công nghệ dệt lụa từ tơ sen. Năm 2020, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận được vinh danh là Công dân ưu tú của Thủ đô.

Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có dệt vải từ tơ sen gồm: Myanmar, Nhật Bản, Italia, Pháp, Campuchia, Việt Nam. Đây là một thành công có ý nghĩa to lớn về chủ trương "Ngoại giao nghị viện góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế” của mỗi nước, từ đó xây dựng mô hình du lịch làng nghề, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững ở Việt Nam và các nước trong khu vực.

Từ đây, đất nước ta có cơ hội phát triển một nghề mới đầy triển vọng. Lịch sử ghi nhận công lao của hai người phụ nữ, dù ở hai cương vị khác nhau, chung một nỗi niềm đau đáu làm cho Đất Việt vẻ vang, dân Việt bình yên, đã đưa nghề tơ sen về. Họ xứng đáng được vinh danh là hai bà "Tổ nghề" dệt tơ sen ở Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn