MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Hành trình vẽ tiếp Dế Mèn”

hải an LDO | 25/02/2018 06:40
Trong khuôn khổ triển lãm minh họa “Dế Mèn phiêu lưu ký - Chạm tới những thế giới” đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom, tọa đàm “Hành trình vẽ tiếp dế Mèn” với sự tham gia của 3 diễn giả có nhiều năm vẽ minh họa (họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Tạ Huy Long, họa sĩ Vũ Xuân Hoàn) vừa qua đã cung cấp thêm những thông tin hữu ích cho người yêu nghệ thuật, đặc biệt những người yêu thích tranh truyện minh họa.

“Chạm tới những thế giới” là triển lãm đầu tiên tôn vinh minh họa ở một không gian quy mô lớn tại Việt Nam. Ý tưởng được thực hiện chủ yếu bởi họa sĩ Tạ Huy Long cùng sự trợ giúp của đồng nghiệp - họa sĩ Vũ Xuân Hoàn. Trong 10 năm, Tạ Huy Long đã vẽ 3 phiên bản Dế Mèn khác nhau theo từng giai đoạn. Hành trình vẽ Dế Mèn, một cách tương đồng, cũng là hành trình trưởng thành trong cảm xúc, nhận thức về nghề nghiệp minh họa của anh.

“Chạm tới những thế giới” đã ghi lại khá chi tiết chặng đường minh họa của Tạ Huy Long. Ban đầu, như các bạn trẻ khác thích phim của Walt Disney, thích những hình ảnh 3D, tranh minh họa Dế Mèn của anh mang hình ảnh hết sức trẻ trung, bóng bẩy và phải đầy ắp các thông tin. Giai đoạn thứ hai, Tạ Huy Long “suy nghĩ về vẻ đẹp của thế giới côn trùng - một thế giới khác”, hình ảnh của chú dế trong truyện tranh “Cửa sổ” hiện lên như là giấc mơ “về một nhân vật khổng lồ bay qua cửa sổ, đến đón mình và đưa đi”. Ở giai đoạn thứ ba, giấc mơ tiếp tục dẫn họa sĩ tới những miền tưởng tượng mà các nhân vật nhúng đầy màu sắc huyền thoại, huyền sử với tầm vóc ngày một lớn hơn.

Tuy nhiên điểm nhấn của triển lãm không chỉ là các hình vẽ minh họa Dế Mèn theo thời gian, mà còn có mô hình những hình ảnh, nhân vật từ truyện ngắn. Từ dòng sông, chuồn chuồn, cào cào, xiến tóc, hay nhân vật chính Dế Mèn cũng được tái hiện sinh động trong không gian ba chiều với kích thước được phóng đại (làm từ nhiều chất liệu như gương, gỗ, kim loại, da, đặc biệt là gỗ tầm vông). Xuất thân từ một họa sĩ nội thất, Tạ Huy Long có lợi thế trong việc hình dung, xử lý không gian. Anh đã “biến” không gian văn học mang tính tưởng tượng thành không gian của thẩm mỹ mắt nhìn và xúc giác một cách sinh động. Làm được điều này, chính bởi họa sĩ hiểu rằng, minh họa không phải là mô phỏng văn học mà là cách cảm thụ văn học bằng hình ảnh của riêng họa sĩ. Ở triển lãm này, “hệ sinh thái” là từ khóa họa sĩ dựa vào để tái hiện thế giới côn trùng trong không gian.

Một điểm đặc biệt nữa của triển lãm, ngoài những tác phẩm của Tạ Huy Long, Dế Mèn còn được hiện lên qua tranh minh họa của các thế hệ họa sĩ Việt Nam như: Cố họa sĩ Trương Qua, họa sĩ Ngô Mạnh Lân, họa sĩ Thành Chương, Vũ Xuân Hoàn, Đậu Thị Ngọc Vinh (Đậu Đũa). Có một sự chuyển đổi nhận thấy khá rõ là càng về sau, tranh minh họa Dế Mèn càng kỹ lưỡng hơn, màu sắc cũng đa dạng hơn. Nhưng điều quan trọng trong minh họa không phải là sự kỹ lưỡng mà là có gợi lên ở người xem cảm xúc không, nhất là hình tượng trong “Dế Mèn phiêu lưu ký” - thế giới các loài côn trùng mang đầy phẩm chất của con người.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, tác phẩm minh họa thành công là phải giữ được sự độc lập tương đối với văn bản chữ, nghĩa là văn học chỉ là một gợi ý, chứ không có nghĩa minh họa phải “chạy theo” từng câu chữ trong văn bản. Ở nhiều trường hợp, minh họa còn là tác phẩm độc lập có chỗ đứng riêng thỏa mãn mặt thẩm mỹ thị giác mà không cần văn bản văn học đi kèm. Anh cũng cho rằng, các họa sĩ vẽ minh họa được quyền khai thác cùng một đề tài theo cách của mỗi người để làm phong phú thêm cho địa hạt minh họa tranh truyện ở Việt Nam. Các tác phẩm minh họa không giống nhau của 6 họa sĩ trong triển lãm chính là bằng chứng thuyết phục cho lập luận này.

Một câu hỏi đặt ra, liệu Việt Nam có định hình được phong cách riêng trong lĩnh vực minh họa, truyện tranh trong khi chúng ta đã và đang chịu ảnh hưởng bởi phong cách nhiều nước, từ Pháp, Nga, và hiện nay là tranh truyện manga Nhật Bản? Theo họa sĩ Tạ Huy Long, việc ảnh hưởng phong cách các nước khác là bình thường khi ta chưa có đủ nội lực đủ mạnh. Sự phức tạp ở chỗ văn hóa là sự giao lưu và muốn bỏ cái cũ, làm mới mình thì cần phải xem nhiều của các nước khác. Điều này cũng đòi hỏi cách nhìn nhận cởi mở, chấp nhận cái mới của độc giả đối với truyện tranh, minh họa; “không nên coi truyện tranh tổn thương sự tưởng tượng của trẻ con”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, việc tạo một phong cách riêng cho minh họa, truyện tranh của Việt Nam là hoàn toàn có thể. “Mẫu số chung của nghệ thuật Việt từ các dòng tranh dân gian Việt Nam như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình, tranh thờ của dân tộc thiểu số phía Bắc hay các chạm khắc đình chùa, nhà Gươl của người Cơ tu, điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên… đều có điểm chung là điểm nhìn ngây thơ”. Tuy nhiên để hiện thực hóa phong cách này không phải là điều dễ dàng trong một thế giới đa chiều, nhiều thông tin, đời sống tâm lý con người phức tạp. Nói như họa sĩ Tạ Huy Long “sự ngây ngô cũng cần có một quá trình để ngây ngô”, nhất là minh họa: “Không thể vẽ như bình thường nhưng cũng không vẽ quá trừu tượng để người đọc cảm giác nhân vật quá xa đời sống thật”.

Triển lãm Dế Mèn phiêu lưu ký - Chạm tới những thế giới diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Thời gian từ 20.1 đến 25.3.2018.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn