MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Haruki Murakami giành giải thưởng Christian Andersen

HUYỀN ANH (Tổng hợp) LDO | 25/11/2016 14:05
Tại lễ trao thưởng ở Odense (Đan Mạch) hôm 30.10, ông đã khiến khán phòng xúc động với bài học nhân sinh đầy ý nghĩa về cái bóng.
Đừng để phần con lấn át phần người

Trong bài phát biểu sau khi nhận giải, Murakami đề cập đến câu chuyện "The Shadow" (Cái bóng) của Andersen kể về một người đàn ông đã gửi cái bóng của mình đi. Cho đến một ngày, cái bóng - phần con trong người đàn ông đó lấn át phần người, và anh ta đã quay lại sát hại chính người thầy của mình. Murakami gọi đó là một "câu chuyện đen tối và tuyệt vọng". Câu chuyện trở thành phương tiện truyền tải thông điệp của nhà văn nổi tiếng.

"Giống như tất cả chúng ta, mọi xã hội, mọi quốc gia đều có mảng tối. Mỗi khía cạnh tươi đẹp, toả sáng chắc chắn sẽ có một mặt tối đối nghịch. Nếu có một mặt tích cực, thì chắc chắn cũng sẽ có một mặt tiêu cực, và ngược lại", Haruki Murakami nói.


"Dù chúng ta xây một bức tường cao bao nhiêu hòng không cho ai xâm nhập, dù ta có canh giữ cẩn mật đến thế nào, dù chúng ta có viết lại lịch sử theo ý mình, thì kết thúc vẫn chỉ là chúng ta nhận lấy thiệt hại và làm tổn thương chính mình mà thôi", ông Murakami nói tiếp.

"Ở một thời điểm nào đó, chúng ta có khuynh hướng lảng tránh nhìn vào mặt tối - những phần tiêu cực. Hay chúng ta cố lảng tránh, tránh nhìn vào mảng tối được càng nhiều càng tốt. Nhưng để tạo ra một bức tượng vững chãi và ba chiều, bạn cần phải có mảng tối. Ánh sáng không tạo ra bóng tối thì không phải ánh sáng thật". Vì lẽ đó, "bạn phải kiên nhẫn học cách sống chung với cái bóng của mình. Bạn hãy quan sát cẩn thận phần tối bên trong con người bạn. Nếu bạn không dám nhìn vào, mảng tối bên trong bạn sẽ ngày càng lớn mạnh và rồi một ngày, nó sẽ bao trùm lên con người bạn".

"Đôi khi, tận trong sâu thẳm, bạn phải đối mặt với phần tối của chính mình", nhà văn phát biểu.

Trí tưởng tượng và nhãn quan thế giới

Một số tác phẩm tiêu biểu của Haruki Murakami phải kể đến: Hơn 10 cuốn tiểu thuyết gồm "Kafka bên bờ biển", "Rừng Na Uy", "Biên niên ký chim vặn dây cót", “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời”, “1Q84”, “Nhảy nhảy nhảy”, “Cuộc săn cừu hoang”... và nhiều truyện ngắn đặc sắc khác. Độc giả Đan Mạch lần đầu tiên biết đến Murakami qua bản dịch tiểu thuyết “A sheep chase wild” (Cuộc săn cừu hoang) vào năm 1996. Các tác phẩm của ông được dịch ra khoảng 40 thứ tiếng trên khắp thế giới.

Theo hội đồng chấm giải, văn chương của Haruki Murakami giàu trí tưởng tượng, thể hiện một cái nhìn toàn cầu và một lối kể chuyện say mê, có sự tương đồng với văn phong của Hans Christian Andersen. Tác phẩm của Haruki Murakami được đánh giá cao bởi "sự pha trộn táo bạo các câu chuyện cổ điển, văn hóa pop, truyền thống văn hóa Nhật Bản, chủ nghĩa hiện thực lãng mạn và lý luận triết học. Các tác phẩm của ông mang hơi thở của văn hóa phương Đông kết hợp với phương Tây, là lao động văn chương đích thực".

Về phía nhà văn, tại buổi lễ, ông chia sẻ với độc giả về quá trình sáng tác của mình. "Khi viết, các ý tưởng cứ tiến về phía trước theo cách riêng của nó. Tôi không vạch ra một kế hoạch nào".

Bước đột phá suốt 20 năm

Haruki Murakami sinh ngày 12.1.1949, tại Tokyo, Nhật Bản. Hiện ông đang sống ở Boston, Mỹ.

Từ nhỏ, Murakami đã chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa phương Tây, đặc biệt là âm nhạc và văn học. Ông lớn lên cùng với hàng loạt tác phẩm của các nhà văn Mỹ như Kurt Vonnegut, Richard Brautigan, và sự ảnh hưởng của phương Tây chính là đặc điểm giúp mọi người phân biệt ông với những nhà văn Nhật khác. Phong cách của Murakami tương đối thoáng đạt và uyển chuyển. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông là "Rừng Na Uy" (năm 1987). Còn cuốn "Biên niên ký chim vặn dây cót" (1995) đánh dấu bước đột phá bước ra thế giới của ông.

Tình yêu, mối quan hệ tay ba muôn thuở, những mối dan díu bị phát hiện ra, những bí mật lịch sử chạm đến cuộc sống của con người là chủ đề thường xuyên trong tác phẩm của ông. Murakami viết về tình yêu giới trẻ, những quá khứ đen tối, những người trẻ dám bứt phá, những nhân vật mập mờ giới tính và lối sống. Tất cả được miêu tả bằng ngôn từ lịch thiệp, một cái nhìn sâu sắc dưới góc độ triết học và một trí tưởng tượng rực rỡ - điều đó nhắc nhớ đến vũ trụ quan của nhà văn Hans Christian Andersen.

Tác phẩm của Murakami được chuyển thể thành phim kịch sân khấu không ít như: "Rừng Na Uy" (2010), "Lắng nghe gió hát" (1981), "Cô gái 100%" (1983), "Toni Takitani" (2004)... và vở kịch "Con voi biến mất" (2003).

Haruki Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mỹ danh "nhà văn được yêu thích", "nhà văn best-seller", "nhà văn của giới trẻ".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn