MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lê Diệp Kiều Trang cùng Vũ Xuân Sơn và hai con.

Hãy giữ cho mình sự tò mò thơ trẻ nhất muốn khám phá thế giới

thẩm hồng thụy LDO | 20/02/2018 13:04
Lê Diệp Kiều Trang và chồng - Vũ Xuân Sơn/Sonny Vu, là hai cái tên không còn xa lạ đối với giới khởi nghiệp công nghệ tại Thung lũng Silicon, bởi họ được mệnh danh là “cặp đôi vàng gốc Việt tại Thung lũng Silicon” sau khi Cty khởi nghiệp về công nghệ Misfit mà họ là thành viên sáng lập được bán lại cho Cty Fossil với mức giá 260 triệu USD. Hiện Lê Diệp Kiều Trang là Giám đốc Fossil Việt Nam, còn Vũ Xuân Sơn là Giám đốc công nghệ toàn cầu của Fossil.

Trao đổi với Trang, mới biết được sự “bén duyên” của chị với báo Lao Động: Năm 1993, báo Lao Động đã đứng ra tuyển chọn 5 em học sinh để tập luyện và sang Thái Lan hát cùng Michael Jackson trong chương trình “Heal the World” do Cty Pepsi tài trợ.

* Được biết chị và chồng chị anh Vũ Xuân Sơn/Sonny Vu từng là những thành viên sáng lập của cty khởi nghiệp Misfit chuyên chế tạo dây đeo theo dõi về sức khỏe. Sau khi được bán cho Fossil - một công ty chuyên về thời trang, đồng hồ.v.v..., hiện mảng hoạt động của Misfit trước đây hoạt động ra sao?

- Sau khi Fossil mua lại Misfit, Misfit tập trung vào phát triển sản phẩm đồng hồ thông minh cho các thương hiệu đồng hồ của Fossil (như Fossil, Micheal Kors, Armani, vv...) và tiếp tục phát triển dòng sản phẩm dưới thương hiệu Misfit. Đội ngũ kỹ sư của Misfit trước đây tăng gần gấp đôi, là bộ phận kỹ sư công nghệ cao duy nhất của tập đoàn Fossil.

* Được biết Misfit đã được Fossil mua lại với mức giá 260 triệu USD vào cuối năm 2015. Theo chị Trang, những yếu tố nào giúp cho một star-up công nghệ được mua lại với mức giá như thế?

- Tôi nghĩ là do Misfit có khả năng đưa ra sản phẩm mới nhanh, và đạt doanh số hiệu quả trong thời gian ngắn. Hiện nay, sản phẩm công nghệ thường có vòng đời khá ngắn trên thị trường, cho nên năng lực thực thi sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường nhanh là hết sức quan trọng.

* Anh Sơn chồng chị, trước khi thành công với Misfit cũng đã từng lập một vài Cty khác. Đơn cử như Cty AgaMatrix mà anh Sơn và một số người thành lập từ năm 2001 đến năm 2011 vẫn còn hoạt động bình thường, chuyên chế tạo thiết bị theo dõi sức khỏe, vậy vì sao lại nảy ra ý tách ra riêng lập tiếp Cty Misfit Wearables?

- AgaMatrix là Cty phát triển các sản phẩm thiết bị y tế cho lĩnh vực tiểu đường, đã cho ra đời dòng sản phẩm đo đường huyết tích hợp với iPhone đầu tiên trên thế giới. Sau khi cho ra đời dòng sản phẩm này, Sanofi Aventis đã chọn công nghệ của AgaMatrix cho tất cả các sản phẩm đường huyết của hãng, và vì vậy AgaMatrix sau đó tập trung vào sản xuất sản phẩm.

Anh Sơn là người của công nghệ mới, tâm huyết cho ra đời những công nghệ, những sản phẩm mới, nên việc thành lập một cty mới tập trung vào R&D theo một lĩnh vực mới (wearables) sẽ phù hợp hơn trong việc tuyển dụng, gọi vốn, phát triển thị trường.

* Trong một cuộc trao đổi gần đây, chị và anh Sơn cho biết công việc tại Fossil của hai người và đội ngũ kĩ sư tại Việt Nam hiện nay là “bắt công nghệ phải uốn mình” để phục vụ các nhu cầu của cuộc sống con người. Đó có phải là một không gian vô hạn cho sáng tạo, hay còn phụ thuộc vào những gì chúng ta chọn lựa để đầu tư nghiên cứu?

- Sự sáng tạo luôn là vô hạn và hữu hạn, tuỳ vào cách chúng ta nhìn nhận vấn đề. Sản phẩm khi cho ra đời chỉ thật sự có ý nghĩa nếu người dùng chấp nhận nó, và vì vậy sự sáng tạo phải “uốn mình” theo nhu cầu cuộc sống, đó chính là sự hữu hạn. Tuy nhiên, sự uốn mình đó mới chính là “sáng tạo”, làm sao để đưa ra cách giải quyết vấn đề hay nhất, lạ nhất, và nhiều khi “bất ngờ”, “ngoạn muc nhất” ngay cả với người dùng. Trong góc độ này thì sự sáng tạo là vô hạn.

* Hẳn chị cũng được biết ít nhiều về tình hình khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Khởi nghiệp ở Mỹ, đặc biệt là đối với các Cty công nghệ ngay tại Thung lũng Silicon, với việc khởi nghiệp ở Việt Nam, có khác biệt gì lớn?

- Đa phần các cty khởi nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME - Small and Medium Enterprise) trong khi các công ty khởi nghiệp ở Mỹ là doanh nghiệp dựa vào sự sáng tạo đột phá (IDE -Innovation Driven Enterprise). SME hầu hết sẽ phát triển ở tốc độ vừa phải và sau đó rất nhanh, tốc độ phát triển này sẽ bão hoà do không tạo được đột phát trên thị trường. Ngược lại, IDE trong thời gian đầu ngốn rất nhiều vốn, và phải mất một khoảng thời gian mới tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng trưởng với cơ số rất lớn và tiếp tục phát triển với tốc độ cao trong một thời gian rất lâu, do sản phẩm của IDE thường mang tính đột phá (disruption) một thị trường nào đó.

* Cái thiếu căn bản nhất đối với doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam hiện nay là gì: Về chính sách, môi trường hỗ trợ; về phía tự thân doanh nghiệp.v.v...?

- Tôi nghĩ cái gì cũng thiếu. Các doanh nghiệp chưa có hàm lượng chất xám cao nên chưa cho ra đời được những sản phẩm mang tính đột phá. Khả năng thương mại hoá sản phẩm cũng còn rất hạn chế, do khả năng của doanh nghiệp và cũng do thị trường Việt Nam còn quá mới mẻ để đón nhận những sản phẩm này.

* Nhiều khi tôi cũng thấy băn khoăn: Một nhóm bạn trẻ 2 - 3 người ra mở một quầy trà sữa, dã chiến vỉa hè thôi, cũng gọi là khởi nghiệp; hay một quán ăn vặt chẳng hạn, cũng được xem là khởi nghiệp. Mọi sự hăng hái, chăm chỉ, cần cù của tuổi trẻ rất đáng ghi nhận và cần được ủng hộ. Nhưng để được nhìn nhận là một sự khởi nghiệp đúng nghĩa, theo chị Trang phải là như thế nào? Hay là cứ cho có phong trào đã, từ lượng nhiều sẽ dẫn đến chất?

- Khởi nghiệp trong nhưng năm gần đây không còn gói gọn trong mô hình “doanh nghiệp gia đình”, “cha truyền con nối”. Các bạn trẻ ngày nay đã dám mạnh dạn suy nghĩ mình có thể xây dựng một doanh nghiệp từ đầu, từ hai bàn tay trắng. Đây là một điều đáng mừng và rất đáng khích lệ. Những ý tưởng “bán trà sữa” “bán hàng online” cũng thú vị, nhưng các bạn sẽ khó lòng đi xa, và dễ dàng lãng phí thời gian tiền bạc, lại mất đi nhiệt huyết ban đầu. Tôi nghĩ cần khuyến khích và định hướng những “năng lượng khởi nghiệp” này vào tính sáng tạo đột phá, và giúp các bạn suy nghĩ nghiêm túc, chững chạc hơn về “năng lưc lõi” (Core Competencies) của chính mình và của doanh nghiệp. Không ai trách khi các bạn thất bại, nhưng thất bại nào cũng có cái giá của nó, và nếu tránh được thì hay hơn.

* Trong lúc tại Việt Nam phong trào khởi nghiệp mới được nhen nhóm thì nền sản xuất trên thế giới đã bước vào thời kỳ Công nghiệp 4.0, và rồi sẽ hình thành nền kinh tế 4.0. Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp 4.0 so với thời kỳ trước đó, có gì khác?

- Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp 4.0 chắc chắn phải có hàm lượng chất xám cao. Tất cả các bài toán công nghệ sẽ mặc định những gì máy móc làm được sẽ do máy móc đảm nhiệm mà không cần đến con người. Vai trò của con người vì vậy cô đọng lại trong khả năng sáng tạo và kết nối giữa người với người.

* Sẽ khó khăn hơn? Hay cơ hội sẽ rộng mở hơn?

- Tôi nghĩ đối với doanh nghiệp VN sẽ nhiều khó khăn hơn, vì mình đi sau quá xa về hàm lượng chất xám trong công nghệ.

* Từ AgaMatrix đến Misfit, từ thời kỳ Công nghiệp 2.0 hoặc 3.0 đến thời kỳ Công nghiệp 4.0, một đúc kết chung - hay có thể xem như một lời khuyên, sự chia sẻ cũng được - của chị Trang dành cho các bạn trẻ đang làm khởi nghiệp hiện nay, đặc biệt là các Cty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ...

- Làm kinh doanh dĩ nhiên mục tiêu đều hướng đến tạo ra lợi nhuận và tài sản cho doanh nghiệp và cho bản thân mình. Tuy nhiên làm khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng là một con đường nhiều khi thấy xa diệu vợi và các lợi ích về tài chính nhiều khi là gánh nặng nhiều hơn là động lực. Tôi nghiệm ra rằng để thât sự tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong công việc khởi nghiệp công nghệ, hãy giữ cho mình niềm đam mê khám phá khoa học trong sáng nhất, sự tò mò thơ trẻ nhất muốn khám phá thế giới, muốn tìm ra lời giải đáp chưa ai tìm ra... Chính những điều này mới giúp mình đi xa, đột phá và vì vậy, lợi ích tài chính nhất định sẽ đến.

*Cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn