MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Thái Kim Lan, chủ nhân của bảo tàng gốm cổ sông Hương.

Hiện vật từ một dòng sông

Bài và ảnh song hùng LDO | 11/09/2022 20:00

Bảo tàng gốm cổ sông Hương của TS Thái Kim Lan (TP.Huế) mở cửa đón khách tham quan từ tháng 4.2022. Đây là một bảo tàng đặc biệt sưu tầm và trưng bày gần 5.000 hiện vật gốm cổ được trục vớt từ đáy sông Hương. Trong đó có những hiện vật quý có niên đại từ thời tiền Sa Huỳnh, tức cách nay khoảng 2.500 - 3.000 năm. Đây cũng là bảo tàng tư nhân đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Việt Nam chỉ trưng bày những hiện vật gốm cổ được tìm thấy từ một dòng sông.

Trưng bày nhiều nhất tại bảo tàng là các vật dụng dùng trong đời sống hằng ngày như lu, hũ, bình, chén, bát bồng, bình vôi làm bằng các chất liệu khác nhau như đất nung, sành, gốm men... Niên đại của các hiện vật trong bảo tàng kéo dài từ thế kỷ 5 trước công nguyên đến thế kỷ 20, trong đó các hiện vật gốm, sành thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17 - 18) chiếm số lượng nhiều nhất, là sản phẩm của các làng nghề gốm cổ truyền Phước Tích và Mỹ Xuyên (Huế).

Những chiếc bình gốm cổ được bài trí trên giá, theo các thời kỳ lịch sử.

Bảo tàng gốm cổ sông Hương là thành quả của cố họa sĩ Thái Nguyên Bá và em gái là tiến sĩ Thái Kim Lan sau gần 40 năm sưu tầm, cất giữ những hiện vật gốm từ sông Hương và các dòng sông khác ở Huế.

Đồ gốm văn hoá Chăm Pa, thiên niên kỷ I đầu công nguyên.
 
Bình vôi và chum sành thời Lê, thế kỷ 17.

Nói về tâm nguyện lớn này, GS-TS Thái Kim Lan cho biết, ngày trước bà từng có ước mơ thành lập một trường đại học tư nhân nhưng không thành, nay lập được cái bảo tàng tư nhân này cũng có thể xem như là một “trường tiểu học” về lịch sử và văn hóa Việt Nam để làm nơi gửi gắm, trao truyền lại chút gì đó cho đời sau nên rất lấy làm tâm đắc và mãn nguyện.

Đồ gốm văn hoá Sa Huỳnh, thế kỷ V trước công nguyên đến thế kỷ I, II sau công nguyên của nhà sưu tập Hồ Tấn Phan.
 
Bình vôi sành thời Nguyễn, thế kỷ 19, 20 và bình vôi sành thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17,18.

Có lẽ vì những nỗi niềm sâu nặng với Huế yêu thương nên “Lan viên cố tích” giờ đây không chỉ đơn thuần là một bảo tàng mà còn là điểm hẹn văn hóa để chủ nhân của nó làm nơi đón tiếp, chia sẻ những câu chuyện, ý tưởng thú vị về văn hóa truyền thống với những người bạn yêu Huế đến từ khắp nơi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn