MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh của hoạ sĩ Phạm Bình Chương.

Hiệu thuê sách cũ

YÊN BA LDO | 09/04/2023 17:00

Mỗi người đều có những xuất phát điểm khác nhau để đến với niềm đam mê của đời mình. Riêng với tôi, niềm đam mê chữ nghĩa đã được khởi đầu và nuôi dưỡng từ những hiệu... cho thuê sách cũ của Hà Nội. Đấy là nơi lưu giữ những kí ức chữ nghĩa của cả một tuổi thơ tôi. 

Vào quãng những năm 1960, 1970, Hà Nội còn muôn vàn khó khăn. Mỗi lần sách ra cỡ vài chục ngàn bản chứ không dừng lại ở con số 1.000 bản cô đơn như bây giờ, vậy mà vẫn không tài nào thoả mãn được cơn khát sách của người đọc. Bởi vậy mà muốn tìm được những cuốn sách hay khi ấy, địa chỉ duy nhất mà người ta có thể tìm đến là những hiệu cho thuê sách cũ. 

Hiệu cho thuê sách hồi đó có thể đếm trên đầu ngón tay. Nổi tiếng nhất và có lẽ dân mê sách ở Hà Nội không ai không biết là hiệu ở đầu phố Thi Sách, chỗ giáp giới với phố Lê Văn Hưu. Đây là hiệu cho thuê có nhiều sách cũ vào loại nhất nhì Hà Nội thời bấy giờ.

Điều đáng kể nhất là sau mấy chục năm trời, nhiều hiệu cho thuê sách cũ ở Hà Nội dần mất đi theo năm tháng, nhưng duy nhất chỉ có hiệu này hiện nay vẫn còn tiếp tục cho... thuê sách như một thách thức trước sự tàn phá của thời gian.

Những cuốn sách cũ của hiệu này được đóng bìa bằng loại giấy ximăng màu nâu, rất bền. Bìa cuối sách được đóng lồng vài ba trang, dùng để ghi dòng kí hiệu bí hiểm những tham số về người thuê cũng như thời gian thuê. Người nào trả sách thì người chủ gạch đi, người mới thuê lại ghi vào. Chỉ đơn giản có thế!

Đến thời chúng tôi thì giá thuê sách không còn ở mức vài ba xu như thời cụ Nguyên Hồng nữa mà đã lên đến vài ba hào. Tiền đặt cọc lên đến con số mấy đồng, đã là lớn so với thời ấy rồi. Tôi còn nhớ không biết bao lần đứng tần ngần trước cửa hiệu sách này, mê mẩn ngắm nhìn những bìa sách cũ nâu xỉn xếp hàng hàng lớp lớp trên giá sách rồi lại ngẩn ngơ đi về vì không đủ tiền đặt cọc! 

Nhà tôi ở bên bờ sông Hồng, cách hiệu thuê sách này tới vài cây số. Còn nhỏ vậy mà nhiều bữa vẫn lội bộ tới hiệu, đứng ngắm sách rồi về. Nhưng cũng có những khoảnh khắc hạnh phúc, ấy là khi ông nội tôi thuê sách về. Thường thì ông không cho tôi đọc những cuốn mà ông cho là của “người lớn”, nhưng tôi vẫn tìm cách để đọc được. 

"Tam Quốc diễn nghĩa", "Tây du ký", "Thuỷ Hử", "Hồng Lâu Mộng"... Hằn trong ký ức tôi là bộ Tam Quốc diễn nghĩa, khi đó in thành 13 tập, của nhà xuất bản Phổ thông có logo một người phụ nữ đội nón đang gieo hạt. 

Chao ôi là mê mẩn! Những hình vẽ trong bộ sách này được lấy từ bộ Tam Quốc diễn nghĩa liên hoàn họa, nét vẽ thanh thoát, sắc như dao, luôn để dành chỗ cho trí tưởng tượng của tôi bay bổng... Cho đến tận bây giờ, đó vẫn là bộ sách hay nhất mà tôi đã từng đọc!   

Thời đó, sách hiếm nên bạ cuốn gì ông tôi thuê, tôi đều đọc tuốt. Sau này lớn hơn một chút, có thể tự mình thuê được sách, tôi đọc sông Thami trong xanh, Chàng Memet mảnh khảnh.., những cuốn bây giờ ít ai còn nhớ, nhưng có lẽ ký ức đã phủ lên chúng một màu sắc lạ lùng khiến tôi chẳng thể nào quên được.

Vợ và hai người có lẽ là con, một trai, một gái, thường phụ giúp cho người chủ cửa hàng Thi Sách. Nhiều năm tới thuê sách ở hiệu này, tôi thấy dường như người đàn ông này dường như chẳng già đi thì phải. 

Mới đây thôi, khi ghé chân qua cửa hàng, tôi giật mình khi thấy một người đàn ông không khác mấy so với người chủ trước kia tôi vẫn thường gặp. Phải chăng vẫn là người đàn ông ấy hay anh con trai năm xưa đã thay thế người cha? Tôi không hỏi, muốn để cho những kí ức xưa vẫn được bao phủ bởi cảm giác mơ hồ nhạt nhoà như thế.

Hai hiệu cho thuê sách khác mà tôi cũng thường lui tới, một ở trên đường Tràng Thi, ngay cạnh trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bây giờ, một ở quãng đầu phố Đinh Liệt. Đây là những hiệu có vẻ tiếp nối được truyền thống của những hiệu cho thuê sách kiếm hiệp ba xu thời xưa.

Tới đây, tôi có thể thuê được những cuốn tiểu thuyết võ hiệp như "Bồng lai hiệp khách", "Phong thần diễn nghĩa"... Tôi còn nhớ các hiệp khách trong những cuốn tiểu thuyết võ hiệp kiểu này không đánh nhau bằng cách phát chưởng từ lòng bàn tay như của Kim Dung tiên sinh mà thường thì họ nhả từ trong miệng ra những đạo kiếm quang đánh nhau ì xèo trên trời...

Một chỗ cho thuê sách khá đặc biệt hồi ấy là góc trong cùng của hiệu sách quốc văn có hàng chữ Hà Nội-Huế-Sài Gòn to tướng trên cửa, nằm ngay phố Tràng Tiền. Ở đây không có sách kiếm hiệp, nhưng bù lại có khá nhiều truyện “phản gián” (hồi đó không dùng từ “trinh thám” như bây giờ).

Một trong những điểm hấp dẫn của cửa hàng này là đôi khi có bán cả những cuốn sách cũ. Nếu may mà vớ được một cuốn ưng ý, tôi có thể sướng âm ỉ đến cả tuần lễ! Giờ thì đã bớt đi Huế với Sài Gòn, chỉ còn lại Hà Nội ở trên cửa; cả chỗ cho thuê sách cũng không còn nữa rồi.

Bây giờ, đôi khi dễ dàng bỏ cả trăm ngàn ra mua một cuốn sách, tôi vẫn không sao tìm lại được cái niềm hạnh phúc thảng hoặc khi xưa chỉ vài đồng thuê được một cuốn sách cũ. Những kí ức ngọt ngào gắn liền với những trang sách cũ ấy, có lẽ sẽ chẳng tiền nào mua được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn