MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hộ chiếu vaccine có thể được coi là giấy tờ chứng nhận cho những người đã được tiêm chủng. Ảnh: AFP

Hộ chiếu vaccine: Lo ngại về sự thiếu công bằng

Huyền Anh LDO | 28/03/2021 07:56
Mùa hè đang đến ở Châu Âu và rất nhiều nước khác. Đối với những người muốn đi nghỉ dưỡng ở Châu Âu trong bối cảnh nhiều hạn chế do dịch COVID-19 vẫn đang được áp dụng, hộ chiếu vaccine có thể coi là chìa khóa sẽ sớm nằm trong tầm tay của những đối tượng được tiêm vaccine.

Vẫn còn nhiều lo ngại

Trong khi các biên giới có thể vẫn bị đóng cửa trong những tuần tới, Liên minh Châu Âu (EU) đang đề xuất triển khai Chứng chỉ xanh kỹ thuật số hay hộ chiếu vaccine cho phép những người đã được tiêm vaccine chống COVID-19 hay có kháng thể chống SARS-CoV-2 có thể được tự do đi lại. Các chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 có thể được coi là đủ điều kiện để tới Châu Âu. Đây là một biện pháp được các điểm du lịch hàng đầu của Châu Âu háo hức mong đợi, trong số đó có Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp - những điểm đến vắng bóng du khách trong năm qua khiến ngân sách các quốc gia này thâm hụt.

Tuy nhiên, giữa lúc ngành du lịch được cho là rất vui mừng với kế hoạch mà EU dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu vào cuối tháng 3, có những lo ngại rằng, việc triển khai và cung cấp vaccine vẫn còn thiếu hụt khắp Châu Âu có thể đồng nghĩa với việc một số quốc gia sẽ được hưởng nhiều quyền tự do đi lại hơn những quốc gia khác.

Tương tự như vậy, một số người nhất định thuộc đối tượng mục tiêu được tiêm phòng sớm hơn những người khác, thì một số người có thể bị buộc phải ở nhà sẽ ghen tị nhìn những người lớn tuổi vì nhiều người trong số đối tượng ưu tiên tiêm chủng này sẽ nhận cả hai mũi tiêm trước khi mùa xuân kết thúc và đi du lịch, nghỉ dưỡng.

Và trong khi cơ quan điều hành của EU - Ủy ban Châu Âu - coi Chứng chỉ xanh mới chỉ đơn giản là một loại giấy tờ cho phép công dân của mình đi lại thuận lợi qua biên giới của các quốc gia thuộc Châu Âu, lại có nhiều lo ngại đã được đặt ra rằng, đó cũng sẽ trở thành yêu cầu để có thể vào nhà hàng, quán bar hoặc các địa điểm và sự kiện.

Mặc dù Vương quốc Anh mới ra khỏi EU không tham gia chương trình trên, nhưng sự thành công của chương trình tiêm chủng ở nước này có thể khiến nhiều hợp đồng du lịch đặc biệt được thực hiện với một số quốc gia EU. Điều đó sẽ cho phép người Anh bỏ qua nhu cầu chứng nhận miễn dịch.

Tạo ra thế hệ không công bằng

Trước tình hình trên, một số công ty du lịch lớn đang quảng cáo các chuyến khởi hành vào mùa hè sẽ chỉ mở cửa cho những hành khách có thể chứng minh rằng, họ đã được tiêm vaccine đầy đủ.

Theo một số nhà bình luận, sự tức giận là điều không thể tránh khỏi.

"Chỉ những người trên 50 tuổi mới được tiêm phòng vào mùa hè này, vì vậy, rất có thể có những phản đối từ những người trẻ tuổi" - Kaye McIntosh, cựu biên tập viên của Tạp chí tiêu dùng "Health which?" và "WI Life", nói với CNN Travel.

Norbert Hidi - một sinh viên 24 tuổi đến từ thủ đô Budapest của Hungary - nằm trong số những người sẽ chẳng được đi đến đâu. "Nói trắng ra, điều đó không công bằng" - Hidi chia sẻ với CNN Travel. "Hầu hết chúng tôi sẽ không được tiêm chủng vào mùa hè. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không thể đi du lịch hoặc đến các quán bar, nhà hàng. Thế hệ lớn tuổi hơn đã tiêm vaccine trước vì họ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có nhiều quyền hơn" - Hidi nói.

Brian Young - Giám đốc điều hành của G Adventures có trụ sở tại Anh, một công ty du lịch cung cấp nhiều lựa chọn bao gồm các chuyến du lịch cho những người từ 18 đến 30 tuổi - tin chắc rằng, hộ chiếu vaccine sẽ giúp hồi sinh ngành du lịch trên toàn thế giới.

"Với việc du lịch quốc tế đã gần như đóng băng trong một năm qua, điều cần thiết là các chính phủ phải làm việc cùng nhau để tìm ra một giải pháp thống nhất để mở cửa biên giới và cho phép khách du lịch bắt đầu bay trở lại" - ông Young nói.

Châu Âu có thể không cấp chứng nhận trên quy mô lớn

Theo ông Young, quyết định của EU cho phép những người chưa được tiêm chủng vẫn đủ điều kiện để được cấp hộ chiếu sức khỏe với kết quả xét nghiệm âm tính sẽ giúp ích, nhưng vẫn có thể là rào cản đối với việc đi lại ở một số nơi. "Việc tung ra các lựa chọn xét nghiệm rẻ hơn cũng là điều cần thiết nếu chi phí phù hợp với khách hàng. Chi phí xét nghiệm PCR hiện tại sẽ cản trở một số du khách, đặc biệt nếu họ phải thực hiện nhiều xét nghiệm khi đi du lịch" - Giám đốc điều hành của G Adventures cho hay.

Nếu được phê duyệt theo kế hoạch, Chứng chỉ xanh kỹ thuật số của EU sẽ có hiệu lực trên tất cả quốc gia thành viên EU cũng như Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Nó sẽ sử dụng mã QR với chữ ký điện tử để chống giả mạo. Nó sẽ do các bệnh viện, trung tâm xét nghiệm hoặc cơ quan y tế cấp, nhưng dữ liệu phải được xác minh trên toàn Liên minh Châu Âu thông qua một cổng kỹ thuật số.

EU cho biết, các chứng nhận sẽ được cấp cho các vaccine đã được phê duyệt. Những người được tiêm trước khi chứng chỉ có sẵn đi kèm với vaccine hoặc bên ngoài Liên minh Châu Âu, vẫn phải đủ điều kiện. Người ta hy vọng các chứng nhận cũng sẽ có hiệu lực ở các quốc gia bên ngoài EU.

Nó có vẻ giống như một tấm vé vàng, nhưng trên thực tế, nhiều quốc gia Châu Âu có thể không cấp trên quy mô lớn. Làn sóng COVID-19 thứ ba bùng phát trên khắp lục địa già, dẫn đến việc các quốc gia như Pháp và Italia áp dụng lệnh giãn cách xã hội mới.

Các tranh chấp về nguồn cung cấp vaccine đang diễn ra và những nghi ngờ về tính an toàn của vaccine AstraZeneca - mà các nhà quản lý cho là vô căn cứ - đã cản trở tỉ lệ tiêm chủng vốn đã thấp hơn nhiều so với tỉ lệ tiêm chủng tiên phong như Anh và Israel. Tại Hungary, nơi có tỉ lệ tiêm chủng cao hơn mức trung bình của EU, các quan chức thấy rằng, Ủy ban sẽ nên dành nhiều thời gian hơn đối với việc mua vaccine cho toàn khối.

"Chúng tôi coi cuộc tranh luận liên quan đến chứng nhận là một cuộc tranh luận giả mạo bởi vì từ Brussels, không ai mong chờ chứng chỉ ấy. Brussels chúng tôi đang mong đợi vaccine thôi" - Gergely Gulyás, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Thủ tướng Hungary, cho biết hôm 18.3.

Cần các biện pháp minh bạch

Kế hoạch về chứng chỉ sẽ cần sự ủng hộ của tất cả 27 quốc gia thành viên nếu nó được thông qua vào tuần tới và được giới thiệu vào tháng 6. Giữa những lo ngại từ các quốc gia như Bỉ và Đức rằng điều này có thể dẫn đến phân biệt đối xử, các nhà lãnh đạo EU đã tìm cách củng cố niềm tin về kế hoạch này.

“Chúng tôi đang đề xuất một cách tiếp cận chung của EU hướng đến mục tiêu mở cửa lại EU theo cách an toàn, bền vững và có thể dự đoán được” - Stella Kyriakides, Ủy viên phụ trách sức khỏe và an toàn thực phẩm Châu Âu, nói. "Tình hình dịch COVID-19 ở Châu Âu vẫn còn rất nhiều thách thức thì sự tự tin vào các quyết định được đưa ra là rất quan trọng. Chỉ khi thông qua một cách tiếp cận chung, chúng ta mới có thể đi lại tự do hoàn toàn một cách an toàn trong EU, dựa trên các biện pháp minh bạch và hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau".

Tổ chức Y tế Thế giới cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ hộ chiếu vaccine tạo ra một xã hội hai cấp nên trong tuần này đã đề xuất "chứng chỉ số thông minh" của riêng mình. Và họ nhấn mạnh rằng, đó không phải là giấy phép để đi du lịch. Hans Kluge - Giám đốc WHO Châu Âu - cho rằng, có những lý do đạo đức, thực tế và khoa học về điều này khi có sự thiếu hụt vaccine trên toàn cầu.

"Điều này sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng. Và có một điều mà chúng tôi thấy từ đại dịch COVID-19, đó là những người dễ bị tổn thương đã bị tấn công một cách không đáng" - ông Kluge nói.

Song những lo ngại như vậy đã không ngăn được một số quốc gia đi trước trong các chương trình cấp giấy chứng nhận và hộ chiếu vaccine của riêng mình.

Israel - một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới - đang sử dụng "thẻ xanh" để mở các nhà hàng, quán bar, địa điểm và tổ chức sự kiện. Đan Mạch đã có đề xuất tương tự khi các quan chức du lịch gần đây nói rằng, điều đó cần thiết để đảm bảo một "mùa hè vui vẻ".

Một số hãng hàng không cũng đang áp dụng chứng nhận này để đảm bảo hành khách không bị mắc COVID-19. Ví dụ, Hãng hàng không Qantas (Australia) đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống CommonPass cho các chuyến du lịch nước ngoài khi biên giới của nước này mở cửa trở lại. Các hãng hàng không khác đang đăng ký thẻ kỹ thuật số do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) tạo ra, để vận chuyển hành khách có chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 âm tính và cho phép họ di chuyển qua các sân bay suôn sẻ hơn.

Giữa mê cung giấy tờ kỹ thuật số này, sức mạnh của Liên minh Châu Âu có thể giúp áp đặt một số sự đồng nhất và rõ ràng về cách các biên giới toàn cầu có thể được mở ra trong tương lai gần.

Tuy nhiên, chuyên gia sức khỏe McIntosh cho biết thêm, sẽ có kẻ thắng người thua và không có gì đảm bảo, đặc biệt là về lâu dài. Bởi không có loại vaccine nào có hiệu quả 100%, vì vậy ngay cả những người đã tiêm vaccine vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn