MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hồ sơ: Indonesia và mối đe dọa IS

VÂN ANH (Theo Reuters) LDO | 19/03/2017 07:00
Khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) mất dần lãnh thổ ở phía bắc Iraq và đông bắc Syria, xuất hiện những mối lo ngại mới về việc các chiến binh IS quay trở về Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia.

Tháng 12.2015, tổ chức Soufan Group ước tính, khoảng 900 chiến binh Đông Nam Á, chủ yếu là Indonesia, đã đến Syria và Iraq, để gia nhập IS. Trong khi đó, các con số ước tính chính thức của tình báo Đông Nam Á nói rằng con số này từ 1.200 - 1.800. Tờ Straits Times mới đây đưa tin, khoảng gần 400 người Indonesia được cho là đang chiến đấu cho IS ở Syria.

Đánh giá mối đe doạ

Các vụ tấn công khủng bố không phải là điều mới ở Indonesia. Sau vụ khủng bố lịch sử 11.9, cảnh báo về đe doạ khủng bố gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Những vụ tấn công đáng chú ý ở Indonesia bao gồm vụ đánh bom ở Bali năm 2002 làm chết 202 người, vụ đánh bom khách sạn Marriott ở Jakarta năm 2003 làm 12 người chết, và vụ gần nhất là ở trung tâm thông tin của Liên Hợp Quốc tại thủ đô Jakarta tháng Giêng năm 2016 làm 8 người thiệt mạng. Đây là vụ tấn công đầu tiên do IS tuyên bố.

Cảnh sát Indonesia.

Hiện không có sự hiện diện chính thức của IS ở Đông Nam Á, nhưng với lịch sử và sự hiện diện của các nhóm thánh chiến trong khu vực như Mujahideen Indonesia Timur (MIT) ở Indonesia và Abu Sayyaf ở Philippines, thì ngày càng xuất hiện quan ngại về sự hình thành một chi nhánh IS chính thức.

Vấn đề hồi hương

Khi IS mất lãnh thổ ở Iraq và Syria, người ta lo rằng, chúng sẽ tràn sang các nước khác, kích động những vụ tấn công “sói đơn độc”. Cũng có lo ngại về việc các chiến binh Indonesia sẽ trở về nước sau khi đã được trang bị kinh nghiệm huấn luyện và chiến đấu.

Thuật ngữ “người trở về” bao gồm nhiều loại khác nhau: Chiến binh IS, phụ nữ và trẻ em đi cùng chiến binh, trẻ vị thành niên... Trên bình diện toàn cầu, câu hỏi làm thế nào để đối phó với những người trở về rơi vào hai vấn đề chính. Một là vấn đề bằng chứng, tức là làm thế nào để chứng minh ai đó liên quan đến bạo lực, hai là các nước thiếu khả năng tái hoà nhập và phục hồi. Trong trường hợp Indonesia, hầu hết những người trở về là những người không có khả năng vào Syria, do đó không được huấn luyện và không có kinh nghiệm. Những người này có thể được xếp vào dạng “bị trục xuất” và không nên tính vào “người trở về”. Sự khác biệt là rất quan trọng.

Nỗ lực chống khủng bố ở Indonesia

Đơn vị 88 (còn gọi là Đội cảnh sát chống khủng bố quốc gia) và Cơ quan chống khủng bố quốc gia đã bắt giữ một số đồng minh của IS ở khắp Indonesia. Cuối năm ngoái, cảnh sát trưởng quốc gia Tito Karnavian thông báo, 170 tên khủng bố đã được cảnh sát điều tra vào năm 2016, trong đó 33 tên bị tiêu diệt.

Với chính sách nhập cư lỏng lẻo và luật hình sự mơ hồ về những chiến binh trở về, Indonesia đang bắt đầu nỗ lực thực hiện một loạt biện pháp mới.

Cảnh sát Indonesia.

Về mặt pháp lý, đã có động thái mở rộng quyền lực của lực lượng an ninh, cho phép họ bắt giữ nghi phạm không cần xét xử nhằm phục vụ mục đích điều tra, bắt giữ những cá nhân tham gia huấn luyện quân sự ở nước ngoài, và có thể thu hồi quốc tịch. Bên cạnh đó, có những nỗ lực để đưa ra một định nghĩa rõ ràng hơn về chủ nghĩa khủng bố, thúc đẩy giáo dục công dân...

Sidney Jones, giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách và xung đột, ghi nhận nhu cầu cấp bách của các cơ quan nhà nước để theo dõi hàng chục kẻ khủng bố bị kết án được thả mỗi năm, nhằm ngăn chặn chúng không bị tuyển mộ vào mạng lưới thân IS.

Hợp tác song phương, khu vực và quốc tế, cùng chia sẻ thông tin tình báo được xem là yếu tố quan trọng để duy trì cảnh giác. Không phải tất cả các sự cố đều có thể ngăn chặn, nhưng cách tiếp cận của Indonesia là kết hợp giữa các biện pháp đã và đang được thử nghiệm. Sử dụng cơ sở dữ liệu và mạng truyền thông an toàn của Interpol cũng giúp nâng cao năng lực quốc gia và khu vực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn