MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hòa bình giữa Hamas và Israel: Liệu có phải là một giấc mơ?

Trần Bách LDO | 23/05/2021 06:18

Sau nhiều tuần căng thẳng giữa hai bên Palestine và Israel ở thành phố Jerusalem, chiến sự đã bùng nổ ngày 10.5.2021. Cảnh sát Israel đã tấn công người Palestine theo đạo Hồi ở thành phố này giữa tháng Ramadan (tháng ăn chay của những người theo đạo Hồi), làm bị thương hơn 200 người Palestine.

Hamas (tổ chức kháng chiến Hồi giáo của Palestine, chủ trương giải quyết vấn đề bằng vũ lực) đã phản ứng bằng việc bắn tên lửa vào Jerusalem. Để đáp lại, Israel đã dùng máy bay ném bom tấn công dải Gaza. Chiến sự vẫn kéo dài và có nguy cơ ngày càng leo thang, bất chấp lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế.

Bối cảnh

Vấn đề giữa người Palestine và Israel là mâu thuẫn tồn tại từ hàng thế kỷ nay do người Do Thái và người Ả rập theo đạo Hồi đều tìm cách giành chủ quyền một vùng đất. Tuy nhiên xung đột chính trị hiện tại chỉ bắt đầu vào đầu thế kỷ 20. Vào thời điểm đó, người Do Thái chạy trốn khỏi Châu Âu mong muốn thành lập một quốc gia nằm ở lãnh thổ do người Ả-rập theo đạo Hồi khi đó do Đế chế Ottoman và Đế chế Anh kiểm soát. Năm 1947, Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 181, khuyến nghị thiết lập nhà nước Ả-rập thống nhất và nhà nước Do Thái, cũng như chế độ quốc tế đặc biệt cho thành phố Jerusalem (là nơi bắt nguồn của ba tôn giáo, đạo Hồi, đạo Cơ đốc và đạo Do Thái). Các nước Ả-rập phản đối mạnh mẽ và chiến tranh đã xảy ra giữa hai bên vào năm 1947-1948 và năm 1967.

Cuộc chiến tranh năm 1967 mở đầu cho những cuộc chiến tranh và xung đột liên tiếp sau này bởi lẽ từ sau cuộc chiến tranh đó, Israel đã giành được quyền kiểm soát vùng bờ Tây (sông Jordan) và dải Gaza. Đây là hai vùng lãnh thổ vốn là nơi sinh sống của người Palestine. Cho đến nay, vùng bờ Tây về danh nghĩa là do Cơ quan quyền lực Palestine kiểm soát nhưng lại do Israel chiếm đóng. Chính điều đó đã tạo điều kiện cho quân đội “quyền” hạn chế việc đi lại và những hoạt động khác của người Palestine. Những người “định cư” Israel đã xây khu nhà ở ở bờ Tây, giành đất của người Palestine. Dải Gaza do Hamas kiểm soát nhưng lại bị Israel phong toả.

Ngày nay, tuy người Palestine chiếm 40% dân số thành phố Jerusalem, họ chỉ có khoảng 8,5% đất đai. Chỉ khoảng một nửa dân Palestine được cung cấp nước hợp pháp và ba phần tư dân Palestine ở Jerusalem sống dưới mức nghèo. Không những thế, người Palestine phải sống tách biệt với người Palestine ở Bờ Tây cũng như ở khu vực khác. Họ phải chịu nhiều hạn chế đi lại, định cư, tường rào và chế độ giấy phép. Nhiều nhà quan sát đều có chung nhận định rằng, Jerusalem đã trở thành một thành phố đầy bất công, phân biệt chủng tộc, sẵn sàng bùng nổ bởi chứa chất trong lòng đầy những bất bình và căm giận.

Tất cả những điều này tạo ra một nền hoà bình mỏng manh trong tình trạng chiến tranh liên tục. Và đây cũng là nguyên nhân sâu xa cho chiến sự đang diễn ra.

Nguyên nhân trực tiếp

Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp là cảnh sát Israel đã sử dụng bạo lực tấn công thanh niên Palestine tụ tập ở cửa thành Damascus ở thành phố Jerusalem vào tháng Ramadan (tháng ăn chay của người Hồi giáo). Thêm vào đó phía Israel đã ra lệnh buộc hơn 2.000 người Palestine phải rời khỏi nhà mình để xây dựng khu “định cư” cho người Israel.

Sau những căng thẳng trên, chiến sự đã nổ ra ngày 10.5 và kéo dài cho đến tận bây giờ. Sáng 14.5, quân đội Israel đã dùng xe tăng bắn vào Dải Gaza. Tính đến hết ngày 18.5, chiến sự ở Gaza đã làm chết ít nhất là 213 người Palestine, trong đó có 61 trẻ em và 36 phụ nữ, và làm bị thương hơn 2.000 người (con số của Bộ Y tế Dải Gaza). Theo nhiều nhà quan sát, chiến sự hiện nay đã gần mức xung đột năm 2014.

Nguy cơ xung đột lớn hơn

Chiến sự xảy ra vào thời điểm khủng hoảng chính trị cả ở chính quyền Israel và Cơ quan quyền lực Palestine. Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đã không thành công trong việc thành lập một chính phủ liên hiệp sau bốn cuộc bầu cử trong hai năm. Có khả năng là ông sẽ phải chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình và trên thực tế ông cũng không được sự ủng hộ của dân chúng. Trong khi đó, Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas lại vừa huỷ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên từ năm 2006 do đảng của ông có thể mất nhiều phiếu. Cả hai người đứng đầu đều không còn chính danh và do vậy, theo nhiều nhà quan sát, có nguy cơ cao là họ sẽ hành động khinh suất để duy trì vị thế chính trị. Mặt khác, cũng có nhiều khả năng là họ sẽ không kiểm soát được diễn biến của tình hình.

Tại thời điểm hiện tại, khó có thể nói liệu chiến sự có gia tăng thành cuộc chiến tranh như những cuộc chiến tranh trước đây hay không? Sự cố nhỏ có thể biến thành xung đột lớn trong khi sự cố lớn có thể được ngăn chặn. Nhiều nhà báo nhận định, giới quân sự của Israel cho rằng họ cần phải tấn công Dải Gaza để có thể chặn không cho Hamas “lớn mạnh hơn nữa”. Giới quân sự Israel gọi những hành động này là “cắt cỏ” Hamas!

Theo nhiều phân tích, Hamas tự cho rằng khi họ tiến hành cuộc chiến tranh du kích trong một khu vực có 2 triệu dân thường sinh sống thì họ sẽ không bao giờ bị tiêu diệt, cho dù cuộc chiến với Israel là một cuộc chiến không cân sức với họ. Họ cũng hiểu rằng do tác động của cuộc chiến đối với khu vực, các nước trong khu vực như Ai Cập hay Qatar, Ả-rập Xê-út, UAE sớm muộn cũng sẽ đứng ra hoà giải, đưa đến ngừng bắn. Đến khi đó Hamas sẽ tuyên bố chiến thắng. Hamas cũng sẽ đạt được mục tiêu của mình là hạ thấp thanh danh của Cơ quan quyền lực Palestine và nâng cao uy tín của mình là đấu tranh bảo vệ đất thánh của người Hồi giáo.

Giải pháp cho xung đột

Đã có nhiều Hội nghị quốc tế và các giải pháp cho vấn đề xung đột này nhưng không thành công. Ví dụ các Hội nghị Madrid năm 1991, Hiệp định Oslo năm 1993, Hội nghị Thượng đỉnh Trại David năm 2000, đàm phán Taba năm 2001, Sáng kiến hoà bình Ả-rập năm 2002 và đàm phán hoà bình năm 2013-2014. Cách đề cập vấn đề cơ bản để giải quyết cuộc xung đột hiện nay là giải pháp “hai nhà nước”, cho phép thành lập một nhà nước Palestine độc lập ở Dải Gaza và hầu hết Bờ Tây. Phần đất còn lại là thuộc lãnh thổ Israel. Cách đề cập này giải quyết cơ bản lãnh thổ của hai bên. Về lý thuyết, kế hoạch này rõ ràng, nhưng trên thực tế thì cả hai bên đều không mong muốn cách giải quyết này. Cả hai bên đều mong muốn tất cả đều là đất của mình. Chính vì thế mà vấn đề đã không được giải quyết một cách triệt để.

Dư luận chung đều ủng hộ và hoan nghênh Sáng kiến Hoà bình Ả-rập được Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả-rập thông qua năm 2002 và được coi như một “giải pháp công bằng” cho vấn đề tỵ nạn dựa trên Nghị quyết 194 của Liên Hợp Quốc và thành lập một nhà nước Palestine với Jerusalem là thủ đô. Theo sáng kiến này, thế giới Ả-rập sẽ bình thường hoá quan hệ với Israel để đổi lấy việc quân Israel rút hoàn toàn khỏi vùng lãnh thổ chiếm đóng (kể cả Bờ Tây, Dải Gaza, Cao nguyên Golan và Liban). Như vậy, vấn đề đất đai lãnh thổ được giải quyết và khả năng hoà bình ở Trung Đông sẽ rất cao.

Liệu một nền hòa bình vĩnh viễn có phải là một giấc mơ, trong khi chiến sự cứ liên tục xảy ra và gia tăng?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn