MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoa hậu Đỗ Thị Hà: Đoàn viên, thanh niên là “một bộ lọc” giúp chúng ta “hòa nhập chứ không hòa tan”

anh trang (thực hiện) LDO | 24/03/2024 12:57

Phóng viên Lao Động có buổi trò chuyện với Hoa hậu Đỗ Thị Hà khi cô vừa trở về từ Liên hoan Thanh niên Thế giới 2024 tổ chức tại Nga. Cuộc trò chuyện xoay quanh sứ mệnh, vai trò của người trẻ giữa cuộc sống hội nhập như vũ bão, đặc biệt với những người trẻ có "thương hiệu" như Đỗ Thị Hà.

Được biết, Đỗ Hà mới có chuyến công tác tại Nga, tham gia Liên hoan Thanh niên Thế giới 2024. Chị có thể chia sẻ về chuyến đi?

- Từ khi nhận được lời mời, tôi đã rất háo hức. Đây là một chuyến đi ý nghĩa đối với tôi. Vừa được đến thăm một đất nước mới, lại có cơ hội giao lưu, trau dồi và học hỏi thêm ở những người bạn quốc tế. Tôi mở mang kiến thức và làm dồi dào hơn những góc nhìn của mình.

Điều đặc biệt của chuyến đi khiến tôi nhớ nhất là những trái tim đầy nhiệt huyết giữa cái lạnh âm độ của Nga. Thật sự khi hòa chung bầu không khí của Liên hoan Thanh niên Thế giới, dường như chỉ có tiếng cười nói, sự tự hào và lòng hiếu khách chứ không còn là sự co ro giữa nhiệt độ khắc nghiệt.

Theo chị, mỗi người trẻ cần có trách nhiệm hay vai trò như thế nào để tạo nên một cộng đồng Đoàn viên trẻ trung, sôi động và nhiệt huyết?

- Với trải nghiệm mà tôi có cùng Đoàn Thanh niên, tôi nghĩ để tạo nên một cộng đồng Đoàn viên trẻ trung, sôi động thì mỗi bạn trẻ cần được quan tâm và tạo điều kiện phát triển ở nhiều mặt khác nhau như thể chất, tinh thần, tài năng. Bên cạnh đó là việc tiếp cận toàn cầu hóa để có sự nhìn nhận khách quan, sáng tạo, đa dạng hóa những quan điểm cá nhân.

Trong thời đại công nghệ như hiện nay, không khó để mỗi người trẻ có thể tự trang bị kỹ năng và tạo nên động lực cho cá nhân, từ đó tạo nên tập thể truyền cảm hứng.

Tôi cảm thấy vui và được bổ sung thêm năng lượng tích cực mỗi khi cộng tác cùng các Đoàn viên hay dự những sự kiện của Đoàn. Tôi sẵn sàng cho những hoạt động và công tác Đoàn khi có thể sắp xếp thời gian.

Thanh niên, giới trẻ có lợi thế rất lớn trong việc tiếp nhận những điều mới, cụ thể là hội nhập với thế giới cả về quan điểm, văn hóa. Nếu cho tôi định vị vai trò của Đoàn viên, thanh niên, tôi nghĩ họ sẽ là "một bộ lọc" giúp chúng ta “hòa nhập chứ không hòa tan”.

Đỗ Hà đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2020. Sau hơn 3 năm trở thành hoa hậu, điều thay đổi lớn nhất trong cuộc sống của chị là gì?

- Hơn 3 năm đương nhiệm là khoảng thời gian không quá dài hay quá ngắn. Nhưng nếu để nói về hành trình hơn 3 năm đó, tôi cảm thấy vô cùng tự hào, tôi trưởng thành hơn. Tôi luôn cảm thấy biết ơn, mọi khoảnh khắc trải qua đều ý nghĩa. Ngay cả những lúc tôi không được mọi người ủng hộ, đón nhận về các dự án, hay khi đi thi quốc tế... vẫn đều là những giây phút đặc biệt.

Chỉ sau đêm đăng quang hoa hậu, một cô gái có thể đổi đời khi có nhiều cơ hội, danh tiếng lan tỏa... Chị đối diện với sự nổi tiếng như thế nào?

- Thú thật khi đạt được danh hiệu Hoa hậu Việt Nam 2020, tôi vô cùng bất ngờ. Có khoảnh khắc tôi bị choáng ngợp vì những mối quan hệ xung quanh, về truyền thông, về dư luận.

Tôi cảm thấy khó khăn khi tiếp nhận, ứng xử. Tuy nhiên, với tinh thần của một người cầu tiến, luôn muốn học hỏi cũng như là một bạn trẻ năng động, tôi sớm thích nghi được khi ở một cương vị mới.

Sau 3 năm, tôi đã thích nghi tốt và tự hào vì bản thân đã nỗ lực, cố gắng, trưởng thành hơn. Dù hiện tại, tôi đã có những ngã rẽ khác về công việc nhưng tôi luôn giữ đúng sứ mệnh của một hoa hậu.

Thời điểm chị đạt Top 13 Miss World 2021 có rất nhiều tranh luận. Chị đối diện với những bình luận tiêu cực, bị chê bai về ngoại hình như thế nào?

- Thời điểm đầu, tôi khá băn khoăn và đặt ra câu hỏi "tại sao cộng đồng mạng lại khắt khe với mình như vậy?". Sau đó tôi hiểu ra rằng, chiếc vương miện khi đội trên đầu một cô gái, cô ấy phải có trách nhiệm hoàn thiện bản thân, trách nhiệm phải đẹp hơn, tốt hơn, giỏi hơn... mỗi ngày. Khi tôi nhận áp lực từ cộng đồng mạng, xã hội với những bình luận tiêu cực, chê bai tôi xem đó là lời góp ý, để hoàn thiện bản thân.

Năm 2022 - 2023 danh hiệu á hậu, hoa hậu gặp nhiều sóng gió, gây tranh cãi. Khi dư luận cho rằng, hoa hậu đang bão hòa, đang quá tải... Chị nghĩ gì?

- Chính xác là sau năm 2020, các cuộc thi hoa hậu được tổ chức nhiều hơn. Ngoài những cuộc thi chính thống, còn nhiều cuộc thi mà lần đầu chúng ta nghe tên. Với những người không theo dõi các cuộc thi hoa hậu sẽ bất ngờ và choáng ngợp, bội thực.

Bản thân tôi khi ra đường được mọi người biết tới là hoa hậu, người ta sẽ đáp "lại hoa hậu à", "sao mà nhiều hoa hậu thế". Điều này vô hình khiến tôi bị đánh đồng với những nhân vật hoa hậu có ảnh hưởng tiêu cực.

Tôi nghĩ những cuộc thi hoa hậu chính thống nên được ủng hộ, được phát triển. Và cũng nên có những điều chỉnh phù hợp về các cuộc thi hoa hậu để cô gái đăng quang sẽ tránh được những lùm xùm không đáng có. Bởi những lùm xùm đó đôi khi biến cô gái trẻ ngây thơ phải đối mặt với những áp lực từ xã hội, có thể khiến họ trở nên trầm tính hơn, suy nghĩ tiêu cực, mất đi sự hồn nhiên vốn có.

Tôi nghĩ ban tổ chức cuộc thi hoa hậu có phương thức quản lý hoa hậu, á hậu sau đăng quang để họ có môi trường phát triển văn minh và lành mạnh.

Đỗ Thị Hà tham gia Liên hoan Thanh niên Thế giới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo một vài thống kê, có thời điểm, chỉ 2 ngày cuối tuần đã có 2 hoa hậu và 6 á hậu đăng quang. Số lượng có ảnh hưởng đến chất lượng của ngôi vị hoa hậu không, theo chị?

- Chúng ta không thể đánh đồng số lượng với chất lượng của các cuộc thi hoa hậu.

Dù trong một tuần có 3 - 4 cuộc thi được tổ chức hay 3 - 4 hoa hậu đăng quang, có hàng chục á hậu thì đó cũng là một điều bình thường. Bởi vì, đó là vấn đề của xã hội. Về phía khán giả, chúng ta nên chọn lọc thông tin. Bạn có nhu cầu đọc, quan tâm tới cuộc thi nào thì bạn đón nhận thông tin của cuộc thi đó.

Khi có quá nhiều hoa hậu, á hậu cùng đăng quang, khán giả đặt câu hỏi về giá trị thực sự của hoa hậu. Vào đêm đăng quang, hoa hậu, á hậu thường nói rất hay về những dự án thiện nguyện, cộng đồng, về hòa bình thế giới. Tuy nhiên, các dự án thiện nguyện thường do nhãn hàng, doanh nghiệp tài trợ, nhiều hoa hậu, á hậu tham gia còn được trả thù lao. Chị lý giải thế nào về vai trò của người đẹp ở các dự án thiện nguyện?

- Tôi không rõ về các trường hợp khác. Bản thân tôi chưa gặp trường hợp như thế bao giờ.

Trong các dự án thiện nguyện có sự đồng hành của nhà tài trợ, những nhà hảo tâm với tôi đó là một điều tích cực. Bởi vì, các người đẹp hay ban tổ chức không phải là tỉ phú, đại gia. Người đẹp có sức lan tỏa, sức ảnh hưởng. Vậy thì tại sao, họ không dùng tiếng nói, hình ảnh của họ để tạo nên nhiều sự ủng hộ của cộng đồng. Từ đó, chúng ta có khoản kinh phí để giúp đỡ nhiều người.

Với tôi, chiếc vương miện của hoa hậu có nhiều giá trị, nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, chiếc vương miện thể hiện giá trị của chính cô gái đội vương miện. Thứ hai là giá trị của vẻ đẹp, tri thức, giá trị của cộng đồng của sự lan tỏa và cả giá trị thương mại.

Tôi từng tham gia các cuộc thi hoa hậu, tôi hiểu được giá trị kinh tế của các cuộc thi hoa hậu. Họ phải có kinh tế, phải có ngân sách cho chi phí tổ chức, vận hành cuộc thi. Và nguồn kinh phí sẽ đến từ nhà tài trợ.

Và thứ nhà tài trợ nhận được là hình ảnh của cuộc thi, hình ảnh của các hoa hậu, á hậu đăng quang. Sau đăng quang, hoa hậu, á hậu thực hiện đúng sứ mệnh của mình với cộng đồng, xã hội và họ phải trả quyền lợi cho nhà tài trợ.

Tôi thấy mối quan hệ của hoa hậu - ban tổ chức - nhà tài trợ là hợp lý.

Nhiều người cho rằng những cuộc thi hoa hậu là dự án kinh doanh của ban tổ chức. Vì các cuộc thi sinh lời nên mới dẫn tới sự bùng nổ về số lượng?

- Cuộc thi thu hút nhà tài trợ chứng tỏ sức hút về truyền thông, có độ nhận diện với khán giả là một điều tích cực.
Khi cuộc thi có nhiều tài trợ, ban tổ chức có nhiều kinh phí tổ chức và điều kiện sinh hoạt của các thí sinh sẽ được cải thiện. Quan trọng nhất là ban tổ chức phân bổ hợp lý nguồn tài trợ.

Nhiều người ví vương miện hoa hậu cũng đầy sức nặng, bởi buộc hoa hậu phải giữ hình ảnh, xuất hiện ở đâu cũng phải đẹp, thân thiện, sống khuôn khổ... Chị có cảm thấy sức nặng của vương miện?

- Tôi nghĩ một cô gái sẽ run sợ, choáng ngợp thời gian đầu bởi sức nặng của vương miện. Nhưng, sức nặng đó cũng là may mắn cho một cô gái. Cô gái ấy sẽ có trách nhiệm phải chỉn chu, hoàn thiện, luôn ý thức trong mọi hành động, lời nói...

Sau một hành trình mình luôn sống có trách nhiệm, bạn sẽ nhìn lại bản thân và cảm thấy trưởng thành hơn rất nhiều. Như tôi, tôi cảm thấy biết ơn những áp lực mà mọi người tạo ra cho mình.

Vậy đâu là hình ảnh người phụ nữ mà chị muốn hướng tới?

- Tôi muốn hướng tới hình ảnh người phụ nữ hiện đại. Hiện đại là vừa có tính độc lập vừa có sự đảm đang, truyền thống. Tôi muốn độc lập về tài chính, tư tưởng, lối sống nhưng vẫn giữ được nét dịu dàng, nhẹ nhàng của người phụ nữ Việt Nam.

Giá trị thực sự của một hoa hậu là gì, theo chị?

- Giá trị thực sự của một hoa hậu sẽ nằm ở mắt nhìn của mỗi người. Giá trị lớn nhất mà hoa hậu có được là sự lan tỏa. Tôi không đặt nặng việc kiếm tiền trong thời gian đương nhiệm mà tôi tận dụng khoảng thời gian được chú ý nhiều nhất để lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn