MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ KHCN đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Ảnh: KHCN

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý chất lượng

Minh Hạnh LDO | 25/09/2022 06:00
Để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý chất lượng, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã trình Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN) công bố thêm 107 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KHCN), để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý chất lượng, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục đã trình Bộ KHCN công bố thêm 107 TCVN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Việc công bố và ban hành các TCVN giúp việc kiểm tra chất lượng hàng hóa trong nước minh bạch, cũng như đảm bảo chất lượng hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc khẳng định chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu quốc tế đặt ra khi hội nhập.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Linh, việc triển khai Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11.1.2021 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ xây dựng, triển khai kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tính đến tháng 6.2022 đã có 22 địa phương phê duyệt kế hoạch năng suất, tiếp tục phối hợp, trao đổi với các tập đoàn/tổng công ty và các trường đại học triển khai Quyết định số 36/QĐ-TTg; xây dựng và tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Kế hoạch thúc đẩy nâng cao đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 7.2022 những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong năm 2022 ước tính trên 225.000 tỉ đồng, trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí... được miễn, giảm khoảng 90.000 tỉ đồng đã giúp doanh nghiệp, nền kinh tế từng bước phục hồi và phát triển. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng mạnh đã ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội, kéo theo sự phát triển chậm lại của doanh nghiệp, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Để thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong năm 2022, các doanh nghiệp phải đưa TCVN, quy chuẩn Việt Nam là một trong các tiêu chí thúc đẩy việc nâng cao năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thực tế cho thấy, Bộ KHCN cùng các bộ, ngành đã triển khai các giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Các giải pháp thực hiện được đánh giá kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ tác động bất lợi của nền kinh tế thế giới do diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp... ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế. Vì vậy, Bộ KHCN cùng các bộ, ngành bám sát chủ trương, định hướng hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật phù hợp với các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sửa đổi, bổ sung Luật phù hợp thực tế phát triển

Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế của Việt Nam cho thấy các Luật sửa đổi, bổ sung lần này phù hợp với thực tiễn cũng như mục tiêu sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như yêu cầu thực tiễn của xã hội về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới.

Để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức triển khai xây dựng Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định mới trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ tác động mạnh mẽ không chỉ trong công tác quản lý mà còn thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Việc hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung lần này góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hoạt động chất lượng, quản lý nhà nước về chất lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới phương thức quản lý chất lượng theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai công tác lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn/ban hành quy chuẩn kỹ thuật, cũng như hoạt động áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất kinh doanh; bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trước nhà nước và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

Hiện tại, việc bổ sung quy định mới chưa có trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sẽ tập trung vào việc xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và trách nhiệm minh bạch hóa của Việt Nam theo cam kết tại các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP), bởi trong các FTA đều có một điều về cam kết minh bạch hóa liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp. Quy định này yêu cầu các nước thừa nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp lẫn nhau trong việc thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại quốc tế và khu vực.

Bên cạnh đó, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa bổ sung các quy định về tăng cường năng lực, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bởi hệ thống hạ tầng chất lượng (QI-Quality infrastructure) là sự tổng hợp các chính sách, luật, quy định, quyết định hành chính để thiết lập và thực hiện hoạt động tiêu chuẩn hóa, đo lường, công nhận và các dịch vụ đánh giá sự phù hợp nhằm cung cấp bằng chứng rằng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đáp ứng các yêu cầu quy định và yêu cầu của các cơ quan thẩm quyền. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường năng lực, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam là yêu cầu, giải pháp quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Tổng cục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để thực hiện việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn