MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ những thanh nan cứng, người thợ phải xử lý qua nhiều công đoạn để khi uốn không bị gãy.

Hơn 40 năm “giữ lửa” chiếc đèn ông sư mùa Trung thu

Bài và ảnh: thạch lựu LDO | 01/09/2024 06:00

Ở ngoại ô Hà Nội, có lão nông vừa ngơi tay cấy, cày là lại tất bật làm đèn cù (đèn ông sư) để kịp đưa món đồ chơi Trung thu truyền thống này về với phố phường nhộn nhịp.

Mùa “Tết trông Trăng”, nhiều cửa hàng ở phố Hàng Mã vẫn có góc nhỏ trưng bày bó đèn cù đỏ đỏ, vàng vàng. Tìm hiểu mới biết, phần lớn những chiếc đèn này được làm bởi ông Đỗ Vân Kỳ - người con của làng nghề sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái, Thường Tín) nức tiếng.

Trong khi người dân Hạ Thái mải mê làm tranh sơn, bát, đĩa... ở ngôi nhà trong con ngõ nhỏ vẳng tiếng gà trưa, ông Kỳ và gia đình lại đang bận rộn vót nan, dán giấy bóng kính. Rằm tháng Tám chưa đến, nhưng nhà của ông như đã đón Trung thu sớm, góc nào cũng rực rỡ màu đèn cù.

“Tôi làm đèn cù đến nay đã hơn 40 năm, nghề do bố tôi truyền lại”, ông Kỳ vừa uốn nan vừa chia sẻ. Người đàn ông ở cái tuổi tóc đã điểm bạc kể, từ thuở 13, ông bắt đầu phụ bố làm đèn cù, từ vót nan, tô keo...

Lên tuổi 15, ông Kỳ mới chính thức theo nghề. “Từ đó đến nay, năm nào tôi cũng làm đèn, tùy vào sức khỏe mà làm nhiều hay ít”, ông tâm sự.

Chiếc đèn cù mùa Trung thu.

Để phục vụ đèn cù cho Trung thu, ông Kỳ và gia đình tất bật làm từ tháng 6 Âm lịch. Hai loại cây dùng để làm đèn là nứa (khung đèn) và đay (cán đèn). Ông Kỳ cho biết: "Ngày xưa chưa có nứa, phải dùng tre mọc xung quanh làng, chẻ ống mỏng lấy cật để làm”. Theo ông Kỳ, tre cứng, rất khó làm. Đến nứa cũng phải được con mắt lành nghề của ông chọn để đảm bảo vừa tầm, không dễ gãy hay mối mọt.

Còn cây đay, mọi năm ông nhập ở tận dưới Thái Bình về. Nhưng hiện nay, ông đã tự trồng ở rìa làng để có được mẻ cây ưng ý. Trồng đay vào khoảng tháng 1 Âm lịch, được thu hoạch khi cây đủ độ to, cứng để đóng đinh không bị vỡ, cũng như trẻ con cầm chơi tránh bị hỏng. Ngoài ra, đem đay về, ông Kỳ phải bóc vỏ, đem cây phơi khoảng 5 ngày nắng để tăng độ bền.

Trò chuyện với ông Kỳ, tôi được biết trước kia trong làng có độ chục người theo nghề làm đèn cù. Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn duy nhất gia đình ông Kỳ là vẫn giữ nghề. “Tôi làm nghề từ bé, đến nay đã quen tay quen chân rồi, cứ vào mùa, không làm thì nhớ lắm”, ông Kỳ tâm sự. Cái nhớ và cái quen tay quen chân của ông Kỳ thật rất rõ, cứ nhìn cách ông làm đèn lão luyện thì hiểu.

Nứa được đem về phải ngâm, chẻ, rồi phơi dưới nắng để trắng nan và đạt được độ dẻo dai. Sau đó lại đem đi vót rồi mới bắt đầu uốn. Trong các công đoạn làm đèn cù, phần làm hoa đèn là đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo nhất. Bởi lực tay uốn chỉ cần quá mạnh, nan gãy ngay. Ông Kỳ bật mí cho tôi, để tránh nan bị gãy nhiều, ngoài lực tay, nan phải được uốn trước hai lần. Một lần là khi còn tươi, một lần khi vót xong.

Trong lần uốn thứ hai, ông Kỳ sử dụng chiếc bàn uốn mà ông vui vẻ nói là tự chế. “Hồi trước chưa có cái bàn này, phải uốn nan bằng ống bơ. Tay uốn, chân giữ ống bơ mỏi lắm”. Để ra được khung hoa đèn, ông Kỳ phải uốn nan đủ 6 cánh để cắm vào đế hoa được lấy từ gỗ bồ đề dẻo, mềm. Đôi tay ông Kỳ thoăn thoắt uốn nan, mắt tỉ mẩn quan sát, cánh nào cánh ấy cong tròn, mềm mại, tựa như bông hoa đang chuẩn bị bung nở mới đúng ý.

Được khung hoa đèn, người thợ sẽ đem đi dán giấy bóng kính. Cánh hoa gồm 2 màu vàng, 2 màu đỏ, 1 màu xanh và 1 màu tím. Ông Kỳ nói, giấy bóng kính thường có cả xanh dương đậm và xanh lá cây, tuy nhiên chỉ đúng màu xanh dương đậm mới là đẹp nhất. Giấy bóng kính được cắt theo khuôn, dán và miết nhẹ nhàng lên khung hoa đã bôi hồ. Sau khi khô hồ khoảng 5 phút là đến công đoạn trang trí đèn.

Mỗi chiếc đèn cù ông Kỳ chỉ làm độ 15 phút là xong.

Hình vẽ trên đèn bằng keo trắng là những hình ảnh giản dị, quen thuộc với cuộc sống như bông hoa, bông lúa...Công đoạn vẽ, ông Kỳ đã truyền cho chị Hiền - cô gái hàng xóm rất thích thú với nghề làm đèn cù.

Nắng xiên vào hiên nhà, tôi chăm chú nhìn chị Hiền vẽ hoa trên giấy bóng kính, vừa lắng nghe ông Kỳ kể chuyện. Xưa, không phải đứa trẻ nào cũng có đèn cù chơi vào dịp Trung thu. Cứ thấy có ánh đèn cù lung linh đi đằng trước, theo sau là biết bao nhiêu đứa trẻ con í ới gọi nhau, rồng rắn đi rước đèn.

Lại nói đèn cù quay được nhờ có bánh xe, một cạnh tiếp xúc với đế đèn, cạnh kia lăn trên đất. Những điểm tiếp xúc được cố định bằng đinh sắt. Giữa hoa đèn có vòng sắt nhỏ để cắm nến. Khi đẩy đèn đi, các cánh hoa màu sắc sẽ quay đều hắt ánh sáng đủ màu đỏ, vàng... từ ngọn nến bên trong đèn ra mặt đường.

Vừa đẩy đèn cho tôi xem, ông Kỳ vừa kể có nhiều đợt, ông được mang đèn cù về Hoàng thành Thăng Long để giới thiệu đến các em nhỏ. “Nhìn đám trẻ vẫn háo hức hỏi về tên đèn, cách chơi đèn, tôi vui lắm”, ông Kỳ hạnh phúc bày tỏ.

Dẫu đã “quen ánh điện, cửa gương”, ánh sáng lung linh, rực rỡ từ các loại đèn truyền thống trong Tết Đoàn viên khiến bao người như ông Kỳ vẫn náo nức mỗi khi nhớ về. Sắc màu của những chiếc “đèn xanh lơ với đèn tím tím, đèn xanh lam với đèn trắng trắng” truyền thống gọi về cái không khí náo nhiệt của đám rước đèn, rước sư tử, của mâm ngũ quả bên cạnh bánh dẻo, bánh nướng thơm phức.

Đến nay, mỗi mùa Trung thu, hàng nghìn chiếc đèn xinh xắn do ông Kỳ và gia đình làm không chỉ xuống Hàng Mã, mà còn vào cả Nghệ An, TPHCM... Ánh đèn cù quay trong đêm trăng tròn vẫn đi ngược, xuôi khắp đất nước, cũng có lẽ vì thế mà “làm đèn cù rát tay, rát chân lắm”, nhưng ông Kỳ cứ đều đặn trồng đay, chẻ nứa mỗi năm để món đồ chơi truyền thống này được rước trên khắp nẻo đường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn