MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Trần Chí Cương (bìa phải) buôn bán bánh xèo tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X năm 2023, cũng có nhiều trăn trở về lượng khách đến lễ hội ngày càng giảm. Ảnh: Phong Linh

Hướng đi cho bánh dân gian Nam Bộ vươn xa

PHONG LINH - MỸ LY LDO | 14/05/2023 11:31
“Từng năm trôi qua, lượng khách đổ về Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ ít dần, chính chúng tôi cũng không biết người ta có còn mặn mà với chiếc bánh dân gian nữa hay không!”.

Người thở dài trăn trở

Gắn bó với nghề làm bánh dân gian từ khi còn bé, qua lời dạy của bà và mẹ, rồi dần dần trở thành kế sinh nhai của gia đình, từ lâu, trong tâm trí của bà Huỳnh Lệ Thanh (Vĩnh Long) luôn nuôi mong muốn lan truyền món bánh ngon của gia đình đến thực khách. Đó cũng là lí do năm 2018, bà Thanh quyết định đăng kí gian hàng tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ tại Cần Thơ để quảng bá ẩm thực truyền thống của gia đình - bánh Bá Trạng. Những chiếc bánh ngon lần lượt truyền tay thực khách trong và ngoài tỉnh, thậm chí có cả khách nước ngoài.

Thế nhưng, khởi sắc chưa bao lâu, năm 2023, cũng tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, bà Thanh có phần luyến tiếc khi lượng khách thuyên giảm, sức mua thấp và người dùng cũng không còn mặn mà với bánh dân gian nói chung và bánh của gia đình bà nói riêng.

“Lượng khách có vẻ giảm đáng kể, nhất là những ngày đầu. Người ta đi lễ cốt lõi chỉ để tham quan, nhiều người cũng chỉ nhìn qua nhìn lại rồi lại thôi chứ chẳng thấy mua gì nhiều. Điều này khiến chúng tôi bắt đầu lo lắng, trước mắt là về việc kinh doanh của bản thân, thứ nữa là có vẻ bánh quá quen thuộc nên người ta không còn ưa chuộng nữa" - bà Thanh nói.

Cũng buôn bán bánh xèo tại lễ hội, ngay từ khi đăng kí gian hàng, anh Trần Trí Cương (Kiên Giang) đặt kì vọng sẽ có một mùa lễ “bội thu”. Song, trải qua những ngày buôn bán, anh Cương đành chấp nhận lượng khách năm nay thưa thớt hơn nhiều.

“Cũng không hẳn là vắng vẻ nhưng phải nói là lượng khách năm nay không đông bằng những năm trước. Một phần do tình hình nắng nóng nên người ta ít đi hơn. Nhưng điều này cũng đặt cho chúng tôi câu hỏi, liệu có phải thực khách nhàm chán với bánh Nam Bộ rồi không?” - anh Cương đặt vấn đề.

Chị Võ Thanh Thảo (chủ gian hàng bánh dân gian quận Cái Răng, Cần Thơ) chia sẻ, sức mua của thực khách năm nay chỉ khoảng 70% so với năm trước, một số du khách cũng e ngại trước giá cả của các loại bánh tại lễ hội.

“Theo tôi, có lẽ năm rồi vừa hết dịch bệnh nên nhu cầu đi du lịch, vui chơi, giải trí của người dân cao làm cho lượng khách đến với lễ hội lớn, sức mua tăng. Còn với năm nay có thể một phần do ảnh hưởng kinh tế dẫn chuyện đáng buồn.

Một phần thực khách cũng phàn nàn về giá cả bánh cao hơn khi mua ngoài chợ. Trước điều đó, tôi cố gắng giải thích cho mọi người hiểu chi phí mà chúng tôi phải chịu như nguyên liệu đảm bảo sức khoẻ, nhân công...” - Chị Thảo cho hay.

Nhiều nghệ nhân mạnh dạn cách tân để món bánh trở nên hợp xu hướng hơn. Ảnh: Phong Linh

Người bắt tay vào đổi mới

Tham gia Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X và kì vọng bánh sẽ phù hợp với xu hướng thị trường, tạo mới lạ, độc đáo, nghệ nhân Từ Thị Minh Vĩnh, đến từ tỉnh Đồng Tháp đã mạnh dạn cách tân món bánh xèo của quê hương. Bà Vĩnh chia sẻ: “Thường thường người ta làm bánh xèo, bánh ít trần, chè trôi nước bằng bột nếp và bột gạo, nhưng do địa phương mình là Lấp Vò - Đồng Tháp nên bà con mới nghĩ ra làm bột từ trái ấu và hạt sen, sau đó dùng làm bánh. Sự đổi mới kì vọng quê hương Đồng Tháp sẽ ngày càng phát triển trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Bánh dân gian Nam Bộ”. 

Còn nhà thiết kế trẻ Nguyễn Minh Công cũng khiến khán giả bất ngờ về sự kết hợp của ẩm thực và thời trang tại lễ hội. Không ít người xuýt xoa khi thấy ý tưởng biến những món bánh thân quen hằng ngày trở thành những chiếc đầm dạ hội độc đáo và khác biệt.

Anh chia sẻ: “Thật sự không còn từ ngữ nào có thể diễn tả niềm vui khi tôi được truyền tải thông điệp cùng lúc đến bà con, mọi người về niềm yêu thích thời trang và nét đẹp của các món bánh truyền thống tại lễ hội. Là một người con Nam Bộ, tôi mong muốn những giá trị đẹp mang nét văn hóa truyền thống sẽ luôn được giữ gìn. Và như đã hứa, tôi sẽ thực hiện bộ sưu tập này trong thời gian không xa để có thể lan tỏa sâu rộng hơn nữa về các món bánh Nam Bộ đến mọi người!”.

Trước đó, năm 2022, Nguyễn Minh Công được Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là "Người đầu tiên sáng tạo nên bộ sưu tập mini từ các món ăn miền Tây Nam Bộ 2021". Câu chuyện của anh Công và nghệ nhân Minh Vĩnh phần nào chứng minh được thực tế nếu biết đổi mới và sáng tạo, Bánh dân gian Nam Bộ chắc chắn sẽ vẫn giữ được sức hút cho thực khách.

Bánh ít trần Nam Bộ. Ảnh: Phong Linh

Giữ mạch chảy ẩm thực văn hóa dân tộc

Cho đến thời điểm hiện tại, mỗi năm TP Cần Thơ đã có hơn 200 sự kiện, lễ hội lớn nhỏ, đa dạng từ văn hóa, thể thao và du lịch; trong đó chiếm phần lớn là các lễ hội truyền thống, đặc biệt lễ hội văn hóa ẩm thực dân gian được chú trọng.

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ đã trở thành sự kiện du lịch quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và giá trị Bánh dân gian Nam Bộ nói riêng.

Người dân đã tận dụng sáng tạo những nguyên liệu từ gạo, nếp để chế biến thành nhiều loại bánh dân gian chứa đựng giá trị văn hoá sâu sắc, gần gũi và đi vào tâm thức người dân Nam Bộ và du khách gần xa. Qua lễ hội nhằm tôn vinh quá trình lao động sáng tạo của nghệ nhân làm bánh dân gian, thúc đẩy ngành chế biến, sản xuất bánh dân gian trở thành đặc sản Nam Bộ; từng bước xây dựng thương hiệu, thúc đẩy du lịch thành phố ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế. 

Tìm hướng đi xa hơn cho Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, nhà nghiên cứu Văn hóa - soạn giả Nhâm Hùng - cho biết, mấu chốt của lễ hội không phải nằm ở doanh số tiêu thụ mà là việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của bánh dân gian. Cá nhân ông nhận thấy, hiện nay Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ đang mang tính chất của một hội chợ, nghệ nhân chỉ là người bán và du khách chỉ là người mua.

“Trong khi đó, những năm trước, khi lễ hội mới ra mắt, các nhà quản trị, các chuyên gia, trong đó có cả tôi luôn đặt phương châm bảo tồn bánh dân gian, tìm về các loại bánh thất truyền ở những vùng quê xưa tiêu biểu như: Bánh bầu ở Sóc Trăng, bánh tằm bì xíu mại ở Bạc Liêu, bánh phồng chuối ở Bến Tre, bánh bò thốt nốt Tri Tôn... nhờ đó mà tạo sức hút cho du khách, lan tỏa giá trị văn hóa ẩm thực đến người dân.

Trước nguy cơ lễ hội đang “đi sai hướng”, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực ví dụ tổ chức hội thảo mà ở đó nhà quản trị, chuyên gia cùng các nghệ nhân có thể nhau trao đổi, bàn bạc, nhìn nhận lại giá trị cốt lõi của lễ hội cũng như vạch ra định hướng mới ở những năm tiếp theo.

Bánh đậu xanh tạo hình trái cây nhiều màu sắc. Ảnh: Phong Linh

Chúng ta cần phải có tầm nhìn xa hơn, kết hợp giữa giữ gìn, phát huy và không ngừng làm mới để đảm bảo mạch chảy trong dòng chảy văn hóa dân tộc” - ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng cũng mong muốn ban tổ chức xác định đối tượng thưởng thức bánh dân gian không phải là người bình dân mà còn người khá giả, tri thức; các nhà quản trị khi tổ chức lễ hội bánh dân gian phải có có chiến lược rõ ràng. Đặc biệt, không gian gian hàng bánh phải khoa học, có sự phân bổ rõ ràng giữa đặc sản từng vùng. Yếu tố thời tiết là điều hết sức quan trọng, do đó lễ hội cũng cần được dựng cao ráo, rộng rãi để nghệ nhân vừa có đủ không gian để bày biện bánh, vừa giúp người dân, du khách thoải mái khi đến chiêm ngưỡng và thưởng thức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn