MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm tại Techfest (ảnh chụp khi chưa xảy ra dịch COVID-19). Ảnh: Đ.T

Hướng đi vững chắc cho các startup trong đại dịch COVID-19

ngũ hiệp LDO | 23/08/2021 16:18
Theo đánh giá của Startup Blink (Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu) năm 2020, Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới, nằm trong top 20-25 hệ sinh thái hàng đầu trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như một ưu tiên quốc gia.

Tín hiệu khả quan

Theo đó, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của Việt Nam trong năm 2020 vẫn có những tín hiệu tăng trưởng khả quan. Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch, nhiều sự kiện lớn về KNĐMST ở các nước phải hoãn, hoặc tổ chức online, Việt Nam là nước duy nhất tổ chức được Ngày hội KNĐMST quốc gia (Techfest Việt Nam 2020), với điểm nhấn là hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước tham gia tìm kiếm cơ hội đầu tư. Kết quả quan tâm đầu tư đạt hơn 14 triệu USD, vượt các năm trước, chưa kể đến các kết nối đầu tư riêng của các vườn ươm khu vực tư nhân, các làng công nghệ. Theo thống kê, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp KNĐMST Việt Nam từ đầu năm đến nay là 290,43 triệu USD.

Báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết, thời gian qua, Bộ KHCN đã triển khai nhiều chương trình, dự án là nền tảng để xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia như: Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Phần Lan - Việt Nam (IPP và IPP2); Chương trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV). Đặc biệt, Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) đã tập trung nâng cao năng lực, tổ chức đào tạo, huấn luyện cho các chủ thể trong hệ sinh thái, đồng thời, phát triển hợp tác, liên kết, truyền thông. Kết quả đưa đến việc hình thành một thế hệ doanh nghiệp KNĐMST mới, phát triển các mô hình, giải pháp mới ứng dụng công nghệ 4.0 trong nhiều lĩnh vực, như Abivin, Nami, Ekid, Medlink...

Đáng chú ý, có hai DN KNĐMST được định giá trên 1 tỉ USD (start-up kỳ lân) là Công ty cổ phần VNG (Vinagame), VNP và khoảng 10 doanh nghiệp KNĐMST được định giá trên 100 triệu USD. Ngoài ra, có 61 quỹ đầu tư hoạt động ở Việt Nam, tăng 50% so với năm 2018; 57 cơ sở ươm tạo và 25 tổ chức có triển khai các chương trình thúc đẩy kinh doanh, tăng gấp 3-4 lần so với năm 2016; 170 khu cơ sở vật chất hỗ trợ khởi nghiệp...

Theo thông tin từ Ban tổ chức Viet Solutions (Cuộc thi tìm giải pháp chuyển đổi số Quốc gia), mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới 6 tháng đầu năm 2021 với số vốn đăng ký lớn tăng mạnh. Tiêu biểu số lượng DN có số vốn từ 10-20 tỉ đồng tăng 25%, DN có số vốn đăng ýí từ 20-50 tỉ đồng tăng 16,7%, DN có số vốn từ 50-100 tỉ đồng tăng 36,7%, trên 100 tỉ đồng tăng 52,9%.

Sự tăng về số DN có vốn đăng ký lớn cho thấy niềm tin của cộng đồng khởi nghiệp đang dần dần cải thiện, điều này có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy các hoạt động của DN trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp.

Đối với các DN mới khởi nghiệp, việc lựa chọn tăng trưởng nóng, nhanh chóng nắm bắt cơ hội hay hướng tới mục tiêu bền vững là nội dung then chốt mà bất cứ DN khởi nghiệp nào cần định hình trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển. Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Viettel TelecomTheo cho biết, sau hai năm tổ chức, Ban tổ chức đã nhận được hơn 600 hồ sơ tham gia và có khoảng 10% trong số đó đã có hợp tác với Viettel. Những sản phẩm đó đã cung cấp được dịch vụ cho trên 120 triệu khách hàng ở các nước mà Viettel đầu tư.

Qua cuộc thi Viet Solutions, các startup không quá nổi bật trên truyền thông, tuy nhiên họ là những startup tăng trưởng bền vững. Ví dụ như VNN AI, là startup tham gia cùng Viettel từ mùa giải đầu tiên và đã có những bước phát triển rất ổn định ở mảng AI. Các startup vẫn có thể tăng trưởng nóng, tức là nắm bắt cơ hội mới phát sinh và sau đó sẽ tập trung vào xây dựng hướng đi lâu dài và bền vững. Cho nên tại cuộc thi Viet Solutions, ban tổ chức không đưa ra lựa chọn là startup tăng trưởng nóng hay tăng trưởng bền vững. “Các startup hiện nay có xu thế cẩn trọng hơn và lựa chọn mô hình phát triển bền vững. Họ tập trung vào các core value để tạo ra giá trị khác biệt, không chạy theo những sự vụ xu thế của thị trường mà tập trung các giá trị cốt lõi chính là công nghệ”, ông Thanh nhận xét.

Xác định thế mạnh cốt lõi

Tuy nhiên, đại diện Viettel TelecomTheo cho rằng, một số DN tăng trưởng nóng bằng cách đầu tư vốn ồ ạt thì mô hình đó sẽ có nhiều rủi ro. Vì duy trì DN đó bằng cách “đốt tiền” để lấy khách hàng, nếu có tăng trưởng nhanh nhưng khi thị trường biến động thì nguồn đầu tư vào các dự án đó cũng giảm xuống (do các nhà đầu tư có xu thế thận trọng hơn trong việc đầu tư mạo hiểm sẽ cân nhắc việc ngừng và giảm vốn).

Đơn cử về một startup đã chọn hướng đi lâu dài, theo ông Nguyễn Chí Thanh, VNN AI tập trung vào core value của công ty này trong lĩnh vực AI, phát triển được nền tảng AI tương đối tốt và đã mở rộng lĩnh vực hoạt động để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Đến bây giờ startup này đã phát triển các mảng khác trong lĩnh vực của họ, đặc biệt đã trở thành đối tác của các ngân hàng, cũng như một số đơn vị trong cơ quan Chính phủ.

Để trụ vững và thành công, các startup nên xác định thế mạnh cốt lõi là gì và tập trung làm thật tốt giá trị cốt lõi đó. Đó chính là thế mạnh tạo ra sự khác biệt. Ví dụ như chúng ta là công ty công nghệ thì cần nắm chắc nền tảng nào đấy, làm chủ và có những cái vượt trội hơn hẳn so với đối thủ trong cùng lĩnh vực. Còn lại những startup còn thiếu kinh nghiệm thị trường, cần lựa chọn những nhà đầu tư (rót vốn) đã có sẵn thị trường. Như Viettel, đã có thị trường, có kênh bán nên khi có ý tưởng nền tảng của các startup thì việc hợp tác và đưa sản phẩm ra thị trường sẽ nhanh và hiệu quả nhất. “Thông điệp từ Viet Solutions đưa ra không chỉ dành cho các startup tham gia thị trường mà tất cả các startup khác cần nhận diện thị trường đang cần gì, nền kinh tế-xã hội cần gì để có thể tập trung hơn vào các mảng kinh doanh trọng tâm”, ông Nguyễn Chí Thanh khẳng định.

Ông Bùi Thành Đô là đối tác sáng lập của ThinkZone Ventures (công ty đầu tư vốn ở Việt Nam chuyên đầu tư vào những nhà sáng lập đầy tham vọng và giúp họ có thể mở rộng quy mô khởi nghiệp trong khu vực) cũng cho rằng, những DN đi theo làn sóng liên tục “đốt tiền” tức là đầu tư nóng đã không còn phù hợp vì hiện nay làn sóng đầu tư đã thay đổi. Muốn tạo lập DN và phát triển nó thành công phải tập trung vào vấn đề cốt lõi.

Kinh nghiệm từ ThinkZone cho thấy, gần 3 năm vừa qua, nhiều startup tập trung đầu tư vào giá trị cốt lõi nhiều hơn. Họ coi việc tạo ra một công nghệ có lợi thế dẫn dắt sẽ bền vững và rõ ràng hơn thay vì tạo ra mô hình mua bán đơn thuần, sử dụng tiền của các quỹ đầu tư để tăng trưởng. Hiện tại ThinkZone đầu tư vào một công ty quản lý về taxi. Trên thực tế, công ty này chưa từng tăng trưởng nóng vì doanh thu của công ty còn nhỏ. Thế nhưng độ ảnh hưởng của công ty lại rất lớn vì giá trị cốt lõi là nghiên cứu sâu về công nghệ và sản phẩm cho nền tảng 110 hãng taxi có thể điều vận chung và chia sẻ lại các khách hàng với nhau. Hiện nay, công ty đã có 18 triệu lượt khách hàng đang sử dụng trên hệ thống công nghệ của họ.

Tuy nhiên ông Đô cũng lưu ý, trong những giai đoạn, thời điểm và cơ hội nhất định, nếu những startup có giá trị cốt lõi cho chiến lược kinh doanh của mình thì việc tăng trưởng nóng cộng với có một giá trị bền vững cũng sẽ giúp các startup thành công nếu vận hành hai yếu tố này đi song song với nhau khi giải quyết vấn đề lớn trên quy mô thị trường rộng.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN - ông Phạm Hồng Quất cho rằng, để huy động các nguồn lực và tạo đột phá trong hỗ trợ và xây dựng hệ sinh thái KNĐMST cần hình thành những mô hình mới như: Mô hình Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tư nhân, vườn ươm, trường đại học... kết hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực nhà nước và DN nhằm huy động và khai thác có hiệu quả sức mạnh nguồn nhân lực, tri thức, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong khối cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp... sẽ tạo động lực, chuyển biến tích cực hơn nữa cho hệ sinh thái KNĐMST trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn