MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ KHCN phối hợp với Bộ NNPTNT triển khai nhiều đề tài bảo tồn và phát triển nguồn gen. Ảnh KHCN

Hướng tới lưu giữ 100.000 nguồn gen vào năm 2030

Minh Hạnh LDO | 09/10/2022 22:05
Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu thập, lưu giữ tối thiểu 100.000 nguồn gen động, thực vật hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi. Với mục tiêu này, việc ứng dụng KHCN hiện đại kết hợp hài hòa với tri thức truyền thống trong bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường được thực hiện trên cơ sở mạng lưới quỹ gen thống nhất toàn quốc.

Nhiều đề tài khai thác và phát triển nguồn gen

Theo Bộ KHCN, các nhiệm vụ khai thác phát triển nguồn gen vật nuôi đã góp phần phục tráng, hoàn thiện việc đánh giá bổ sung một số đặc điểm như di truyền, ngoại hình, đặc tính sinh học, sinh sản, dinh dưỡng, thương phẩm, phân bố và khả năng phát triển nhân rộng của nhiều nguồn gen vật nuôi quý hiếm. Có thể nhận thấy, các nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen vật nuôi đều cho kết quả tốt, được ứng dụng hiệu quả vào đời sống. Đáng chú ý, sau một thời gian thực hiện, các đề tài nghiên cứu không những đã chọn lọc được đàn hạt nhân mang các đặc trưng của giống dựa trên các tiêu chuẩn cơ sở mà còn xây dựng được một số quy trình chăn nuôi phù hợp với từng đối tượng vật nuôi. Hiện nay, các dự án sản xuất thử nghiệm với sự tham gia của doanh nghiệp đã được tiến hành nhằm hoàn thiện các quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với thực tế và xây dựng các mô hình sản xuất thương phẩm, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu thập, lưu giữ tối thiểu 100.000 nguồn gen động, thực vật hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được cải thiện. Để thực hiện mục tiêu, Việt Nam sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; chú trọng công tác bảo tồn tại chỗ, nghiên cứu gây nuôi bảo tồn và tái thả vào tự nhiên một số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quản lý, bảo vệ các loài hoang dã di cư; tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát các tuyến di cư quan trọng của các loài hoang dã di cư.

Theo Vụ trưởng Vụ KHCN các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KHCN) - ông Nguyễn Đình Hậu, quan điểm của Bộ KHCN là lồng ghép chính sách bảo tồn với các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, lồng ghép công tác khoa học và công nghệ về nguồn gen với các hoạt động công nghệ và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế vùng và địa phương.

Trước xu hướng hội nhập, phát triển và dịch bệnh trầm trọng trên vật nuôi (dịch tả lợn Châu Phi diễn ra triền miên trong gần 3 năm qua, có những vùng gần như xóa sổ toàn đàn...), Bộ KHCN và Bộ NNPTNT đã nhanh chóng triển khai việc bảo tồn nguồn gen một số giống lợn quý ở mức tế bào. Hiện nay, trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, để bảo tồn nguồn gen quý, các nhà khoa học trên thế giới cũng như ở Việt Nam kêu gọi cách tiếp cận mới theo xu hướng ứng dụng kết hợp công nghệ tin học, công nghệ sinh học. Trong bối cảnh bùng nổ dân số, tốc độ đô thị hóa và sự biến đổi khí hậu toàn cầu thì an ninh lương thực và thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của thế giới hiện nay. Giống như các loài dã thú, các vật nuôi cũng chịu sự hủy diệt của thiên nhiên và ngay cả con người, ngoài các lý do thiên tai, hỏa hoạn còn có lý do áp lực của cơ chế thị trường chạy theo năng suất cao, nhập giống mới mà bỏ giống địa phương... Bên cạnh đó, sự tác động của KHCN cao tạo ra các con lai năng suất cao làm cho các giống bản địa dần biến mất.

Khai thác nguồn gen

Sự tuyệt chủng của nhiều giống vật nuôi bản địa gần đây xảy ra rất nhanh theo tốc độ phát triển của nền kinh tế thị trường và đô thị hóa nhưng những giống bản địa tuy năng suất thấp nhưng mang lại những đặc điểm quý giá như thịt thơm ngon, chịu kham khổ tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái... Vì vậy, trước hiểm họa về sự tuyệt chủng của nhiều giống vật nuôi, Bộ KHCN đã đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi” góp phần thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, hướng tới lưu giữ 100.000 nguồn gen vào năm 2030.

Theo ông Nguyễn Đình Hậu, việc cấp phát nguồn gen đang được sử dụng làm vật liệu để nghiên cứu, đánh giá và sử dụng trong công tác chọn tạo giống... Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, công tác cấp phát nguồn gen đã có những bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng; trung bình mỗi năm tại Trung tâm Tài nguyên Thực vật cấp khoảng 1.000 mẫu giống; các mẫu giống được sử dụng có hiệu quả trong nghiên cứu và khai thác nguồn gen.

Thông qua kết quả đánh giá nguồn gen đang được bảo tồn, Trung tâm Tài nguyên Thực vật đã xác định và bình tuyển được nhiều giống cây trồng triển vọng phục vụ sản xuất như: lúa Tám đa dòng (T3), lúa nếp, lúa chịu hạn, lúa tẻ thơm (LT3), lúa KD19... Bên cạnh đó, nhiều giống đang được Trung tâm Tài nguyên Thực vật khai thác để phát triển đưa vào sản xuất hàng hóa như: Lúa dự thơm Thái Bình, lúa Di hương Hải Phòng, lúa Khẩu ký, lúa Khẩu nậm pua; bí xanh Chữ thập, mướp đắng, củ từ Bon Nghệ An, khoai sọ muộn Yên Thế, Bưởi Quế Dương, bưởi đường Hiệp Thuận, hồng Yên Thôn...

Việc khai thác nguồn gen đã được các đơn vị tập trung triển khai và đạt được kết quả như: Chọn tạo/phục tráng và phát triển đươc 30 giống lúa tại các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Cần Thơ; phục tráng/chọn tạo được các giống dứa Cayen không gai Chân mộng; vải Hùng Long-VPH10; chuối Tiêu vừa Phú Thọ-VN1064; xoài Vân Du-XPH11; giống Lạc tiên-LPH04; giống cà phê chè-TN1 và TN2; quýt-PQ1...

Thời gian qua, đã có 42 nguồn gen vật nuôi bản địa được Bộ NNPTNT và Bộ KHCN cũng như các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho phép khai thác và phát triển dạng thuần. Việc phát triển và tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn gen vật nuôi bản địa góp phần cung cấp nguyên liệu di truyền phục vụ phát triển ngành chăn nuôi, đưa nhanh ra sản xuất đó là phát huy ưu thế lai giữa các nguồn gen bản địa và nhập nội. Khẳng định thêm vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo tồn lưu giữ nguồn gen vật nuôi bản địa Việt Nam. Đáng chú ý, một số nguồn gen chỉ được bảo tồn ở một nơi hoặc bảo tồn trên địa bàn hẹp sẽ dễ mất nguồn gen khi có dịch bệnh hoặc thiên tai xảy ra.

Tuy nhiên số lượng nguồn gen được bảo quản, lưu giữ còn ít so với trên thế giới; Công tác phân lập, tuyển chọn nguồn gen vi sinh vật hiện nay đang tập trung theo hướng phục vụ khai thác sử dụng chứ chưa đánh giá được tính đa dạng của nguồn gen theo tính chất đất, loại cây trồng và theo vùng sinh thái... Đặc biệt, nguồn gen vi sinh vật được đưa vào khai thác, sử dụng trong sản xuất phân bón, chế phẩm vi sinh vật và phòng trừ dịch hại còn ít, chưa đáp ứng được thực tế sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường Việt Nam.

Hiện nay, cơ sở dữ liệu nguồn gen bước đầu đã được xây dựng, tuy nhiên chưa xây dựng được mạng lưới nguồn gen trong cả nước tham gia vào mạng lưới nguồn gen nói chung, nguồn gen nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới nên việc giới thiệu, quảng bá và khai thác sử dụng nguồn gen còn hạn chế. Vì vậy, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị: Nâng cấp và tăng cường trang thiết bị bảo tồn và đánh giá nguồn gen, hệ thống bảo quản, nhà lưới; Gia tăng nguồn lực KHCN trong lĩnh vực bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen, tạo điều kiện để cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp cận các nguồn thông tin, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phương pháp, kỹ thuật trong bảo tồn, đánh giá tuyển chọn và khai thác nguồn gen tại Việt Nam cũng như trên thế giới...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn