MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 8 - 2016.

Huy chương, giải thưởng không đo hết tài năng nghệ sĩ

Bích Hà - Linh Phương LDO | 27/08/2017 21:45
Các nghệ sĩ lại tiếp tục chia sẻ băn khoăn, tranh cãi về những tiêu chí xét tặng NSND, giải thưởng Nhà nước về VHNT trong Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật do Bộ VHTTDL tổ chức vào 22.8. 

Nên giảm tỉ lệ phiếu đồng thuận

Theo ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTTDL), sau khi triển khai thực hiện Nghị định số 90/2014/NĐ-CP, qua đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016, đã nổi lên hai nội dung chưa phù hợp là quy định về tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng và quy định về tỉ lệ phiếu đồng ý của hội đồng các cấp.

Vì những bất cập này mà nhiều nghệ sĩ, dù được công chúng yêu mến, ghi nhận, như nhạc sĩ Thuận Yến, nhà thơ Thu Bồn, Xuân Quỳnh đã bị “gạt lại hồ sơ”, khiến gia đình các nghệ sĩ và dư luận bức xúc. Chỉ đến khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước có ý kiến, yêu cầu Bộ VHTTDL sửa tiêu chí xét giải, thì các nghệ sĩ trên mới nhận được giải thưởng cao quý.

Những tháng qua, Bộ VHTTDL đã gấp rút soạn thảo 2 Nghị định sửa đổi về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu NSND, NSƯT để việc tôn vinh nghệ sĩ thêm phần ý nghĩa, tránh những lùm xùm sau mỗi mùa xét giải. Ngày 22.8, Bộ đã đưa ra lấy ý kiến công khai, ghi nhận những đóng góp của các nghệ sĩ.

Tại hội thảo, dẫn chứng từ thực tế trong mỗi mùa xét tặng giải thưởng, nhiều nghệ sĩ đồng thuận rằng, hiện nhiều hội đồng cấp cơ sở “rất có vấn đề”. Vì “có vấn đề”, nên nếu giữ tiêu chí phải đạt được sự đồng thuận từ 90% trở lên mới được xét tặng giải thưởng, vô hình trung sẽ gây khó khăn cho nghệ sĩ. Những năm qua, không ít người dù xứng đáng, có nhiều đóng góp, nhưng vẫn bị “trượt oan”, vì lý do “bị người đứng đầu cơ quan ghét” nên bị loại, hay “ghi lý lịch xấu vào hồ sơ xét giải”.

Ông Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “Khi xét giải tỉ lệ 90% số phiếu là quá cao. Đừng để 1 người nắm phiếu quyết định, chỉ 1 người không bỏ phiếu là ‘chết’”. Ông Sơn đề nghị tỉ lệ xét giải nên để là 75%.

Không ít ý kiến khác cho rằng, ngoài việc giảm tỉ lệ phiếu đồng thuận, Nghị định mới cũng nên giảm tiêu chí huy chương, giải thưởng, đừng nên đóng khung vào những quy định cứng nhắc, như phải đạt 2 huy chương vàng hay giải thưởng mới được xét danh hiệu.

Đừng để danh hiệu “mất thiêng”

Dù cho rằng những tiêu chí về xét tặng giải thưởng, danh hiệu không nên quá cứng nhắc, nhưng nhiều nghệ sĩ bày tỏ lo lắng nếu như hạ các các quy định về tiêu chí xuống sẽ làm giải thưởng ít nhiều mất đi giá trị.

“Tôi có cảm giác chất lượng giải thưởng bây giờ giảm sút, nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu bây giờ không có nhiều đóng góp bằng những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu này nhiều năm về trước. Theo tôi, không nên hạ thấp tiêu chí nữa vì như thế sẽ hạ thấp mặt bằng của danh hiệu. Chúng ta phải tìm cách nâng sự danh giá của giải thưởng lên. Nếu bất cập ở hội đồng các cấp, thì đề nghị các vị trong hội đồng phải làm việc công tâm” - nhạc sĩ Bùi Gia Tường chia sẻ.

Ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng - cho rằng, nên đưa ra những trường hợp đặc biệt, vì một lý do khách quan nào đó, như trong điều kiện chiến tranh, nhiều nghệ sĩ có nhiều đóng góp nhưng không có đủ giải thưởng thì sẽ xem xét để “đặc cách”, với điều kiện cộng thêm 10% vào tỉ lệ phiếu đồng thuận.

Về điều này, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường phản đối: “Tôi nghĩ việc đó là lỗi tại lịch sử, tại sao tác giả lại phải chịu. Trong điều kiện lịch sử không chấm được giải thưởng, thiếu ở tiêu chí này nay lại đòi cộng thêm 10% ở tiêu khác là rất bất công. Không phải do tác giả muốn thế, mà do hoàn cảnh lịch sử đất nước. Không nên đặt thêm những tiêu chí gây khó khăn cho những người đã bị thiệt thòi”.

Kết thúc, hội thảo vẫn chưa đạt được sự đồng thuận giữa các nghệ sĩ, Bộ VHTTDL quyết định sẽ kéo dài thêm thời gian lắng nghe tất cả những góp ý của dư luận và nghệ sĩ. “Chúng tôi sẽ chỉ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định chừng nào hết ý kiến góp ý” - ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn