MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ lịch xuơng trâu của người La Ha ở xã Tà Mít, huyện Than Uyên hiện nằm trong kho bảo quản của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Trịnh Thông Thiện

Huyền bí bộ lịch xương trâu của người La Ha

Trịnh Thông Thiện LDO | 16/05/2021 21:30
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hiện nay còn lưu giữ một hiện vật huyền bí, chỉ có một thông tin đính kèm là “17.04.7-6/ La Ha/ Lai Châu”. Cán bộ Phòng bảo quản của Bảo tàng cho biết, đây là bộ lịch xương trâu của tộc người La Ha, do không có hồ sơ lưu nên hiện vật này không có thông tin cụ thể.

1. Từ thông tin được đánh số một cách mơ hồ đó, hơn mười năm trước, chúng tôi đã về thủ phủ của người La Ha ở huyện Than Uyên (Lai Châu), ngược theo sông Nậm Mu, vào xã Tà Mít, đi tìm “báu vật La Ha” - lịch sườn trâu gia truyền của tộc người lẩn khuất bên trời Tây Bắc.

Năm 2003, huyện Than Uyên vốn dĩ là trực thuộc tỉnh Lào Cai và là huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh này. Năm 2004, nhà nước có quyết định tách tỉnh Lai Châu làm 2 tỉnh là Điện Biên và Lai Châu, huyện Than Uyên được tách ra từ tỉnh Lào Cai đưa về gộp vào tỉnh Lai Châu. Bỗng dưng, Than Uyên lại là huyện có kinh tế phát triển nhất của tỉnh mới tách nghèo nhất nước Lai Châu, bởi nơi đây có cánh đồng Mường Than rộng lớn và trù phú. Cái quyết định đưa huyện Than Uyên về tỉnh Lai Châu, người dân tỉnh Lào Cai mừng ra mặt bởi hằng năm, tỉnh này không còn phải thực hiện chính sách hỗ trợ cứu đói cho tộc người La Ha vào mùa giáp hạt.

Khi đó, tỉnh Lai Châu mới làm lại công tác điều tra dân số, tộc người, phân bố dân cư. Cũng trong năm đó, cán bộ nghành văn hóa Lai Châu mới tiếp cận tộc người La Ha ở xã Tà Mít để tìm hiểu về đặc trưng văn hóa. Khi đó, người La Ha chỉ sinh sống duy nhất ở xã Tà Mít nằm chót vót nơi thượng nguồn sông Nâm Mu với dân số hơn 1.700 người sinh sống rải rác ở 7 bản: Sài Lương, Nà Kè, Pắc Ngùa, Phiền Dường, Pắc Pu, Pắc Muôn, Pắc Pha. Cũng từ đó, người La Ha ở Than Uyên mới chính thức có tên trong bản đồ phân bố dân cư, dân tộc của Việt Nam vì trước đó, các chỉ dẫn về dân tộc chỉ ghi người La Ha sinh sống ở Mường La (Sơn La).

Phụ nữ La Ha ở Tà Mít lên rừng lấy măng về làm lương thực. Ảnh: Trịnh Thông Thiện

Cũng trong đợt điền dã văn hóa về người La Ha ở xã Tà Mít, cán bộ văn hóa của tỉnh Lai Châu cũng đã sưu tầm những hiện vật như bộ lịch xương trâu, các dụng cụ đan lát... được đưa về Bảo tàng dân tộc học Việt Nam trưng bày cho đến ngày nay. Đấy là những thông tin UBND huyện Than Uyên cung cấp cho chúng tôi trước khi vào Tà Mít.

Vào Pắc Muôn - bản cửa ngõ của tộc người La Ha ở Tà Mít, chúng tôi được giới thiệu chỉ còn ông Hoàng Văn Ín là biết về bộ lịch xương trâu. Ông Ín nhìn bề ngoài chừng 70 tuổi nhưng khi hỏi chuyện được biết mới có 55. Thì ra, sinh sống ở nơi khuất nẻo, tách biệt với phần còn lại của huyện Than Uyên nên ông Ín trông già trước tuổi.

Khi nhắc chuyện về bộ lịch xương trâu, ông Ín đăm chiêu lắm. Ông kể trong tiếc nuối rằng: “Ông nội tôi cũng có một bộ lịch. Lúc còn khỏe ông không dạy cho bố tôi, khi ốm bố tôi không học dạy nữa, nên ông nội đã đem theo bộ lịch ấy xuống mộ rồi. Nay lịch này chỉ còn một chiếc ở Sài Lương, các bản khác người ta chủ yếu xem ngày bằng sách hoặc bấm độn như người Thái”.

Ông Ín bảo rằng, vì lịch rất quí, người ta bí mật cách xem nên ngày nay gần như thất truyền. Ngày xưa, trong cộng đồng người La Ha ở Tà Mít, người có bộ lịch xương trâu và biết cách tính thì được xem là người quyền quý, được bản làng trọng vọng. Có thể hiểu, người biết xem lịch xương trâu chính là thầy mo - người đảm nhiệm công việc tâm linh cho cả bản làng.

Trong tâm thức ông Ín, từ thời trẻ trâu, ông chỉ nghe ông nội kể về nguồn gốc bộ lịch xương trâu rằng, ngày xưa, người La Ha có một quyển sách xem ngày tháng nhưng bị một con trâu vô tình ăn mất. Từ đó, công việc và cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn do không còn biết phân biệt ngày tốt, xấu. Người La Ha liền mổ con trâu kia để lấy lại quyển sách, nhưng không thấy nên đã quyết định lấy chiếc xương sườn của nó để khắc lịch, mô phỏng lại trong sách.

Người La Ha ở Tà Mít rất giỏi mưu sinh trên sông nước Nậm Mu. Họ dùng thuyền độc mộc đạp bằng chân để di chuyển. Ảnh: Trịnh Thông Thiện

2. Chúng tôi tiếp tục vượt gần 10 cây số đuờng rừng, vào bản Sài Lương, nơi còn dấu tích của bộ lịch xương trâu theo lời giới thiệu của ông Hoàng Văn Ín. Bản Sài Lương là bản cuối cùng trong 7 bản của người La Ha ở Tà Mít, rải rác chừng hơn 30 chục nóc nhà, mỗi nhà cách nhau chừng từ 200 - 500m.

Hỏi về bộ lịch xương trâu, đám trẻ, thanh niên lắc đầu nguây nguẩy bảo không biết. Mãi đến khi gặp cụ bà Lò Thị Cót thì mới được giới thiệu, cả bản Sài Lương nghe nói chỉ còn ông Hoàng Văn Păn có và biết xem lịch xương trâu.

Dáng người cao bệ vệ, khuôn mặt khắc khổ, bàn tay đen sạm nhưng rắn chắc, hai vai nhô cao quá khổ, cả người ông như con hổ của núi rừng. Bộ lịch xương sườn trâu được bác ruột truyền lại, nó đã gắn bó với ông hơn 30 năm. Dù đi bất kì đâu, khi lên nương hay đi làm lễ cúng trong bản ông vẫn mang nó trong mình.

Nhưng ông Păn tiếc nuối bảo rằng: “Năm 2004, tao bán cho cán bộ tỉnh Lai Châu với giá 1,2 triệu đồng rồi vì dạy mãi mà mấy đứa con có học được đâu, rồi chết đi nữa thì không có người dùng. Bán cho cán bộ văn hóa để người về nghiên cứu thêm”.

Hiện giờ tuy không còn lịch sườn trâu, nhưng ông Păn vẫn nhớ từng đốt khắc trên bộ lịch, cả bộ lịch có mười đốt, mỗi đốt 3 vạch tương ứng với 30 ngày trong tháng. Theo ông Păn thì, ngày tốt trên bộ lịch ghi là ngày con Rồng, con Trâu... vào ngày này có thể gieo lúa, làm nhà, cưới vợ, xuất hành. Nói rồi ông bẻ một que nứa chừng 30 cm dùng than khắc thành 30 vạch và chỉ dẫn cho khách xem hình dung.

Khi chúng tôi mở máy ảnh chụp lại bộ lịch xương trâu ở Bảo tàng dân tộc học Việt Nam thì ông Păn ồ lên bảo: “Bộ lịch xương trâu của tao đó, ngày xưa bán cho cán bộ văn hóa”.

Lý giải cho việc ông Păn bán bộ lịch gia bảo của mình thì rất đơn giản: “Các thầy cô giáo trường THCS Tà Mít vào dựng trường mở lớp, có mang theo cuốn lịch treo tường và lịch vạn niên, tao mang đối chiếu với những cuốn lịch đó với các thầy cô thì thấy những chỉ dẫn như ngày tốt, ngày xấu, ngày nước lên, nước xuống và những chỉ dẫn như nên khởi công, động thổ ... gần trùng với chỉ dẫn trong lịch xương trâu. Tự thấy bộ lịch không cần thiết nữa nên tao bán”.

Tiếc thay, những giá trị cổ quý, được ví như “gia phả” của người La Ha, đã không còn hiện hữu giữa cộng đồng. Nhưng dù sao, chiếc lịch xương trâu vẫn được bảo quản ở địa chỉ văn hoá tin cậy là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Hy vọng đến một lúc nào đó, bộ lịch sườn trâu sẽ được các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa giải mã để người La Ha tìm về cội nguồn cha ông của mình.

Cũng theo ông Păn, cái quan niệm mùa no, mùa đói của người La Ha đã trở thành quá vãng. Giờ, ở chính mảnh đất cố hương, có thể thể ăn hạt lúa, uống nước suối trên cánh đồng Na Sả ở vùng Mường Than (tiếng Thái cổ, Na Sả có nghĩa là cánh đồng của người La Ha) nên người La Ha chỉ lo cho con cái học hành, lo làm giàu thôi.

Chúng tôi ăn bát cơm mới để chung vui tại nhà ông Păn, thứ gạo người La Ha gieo cấy trên cánh đồng Mường Than thơm đến lạ. Biết chúng tôi cứ đau đáu với bộ lịch xương trâu huyền bí, trước khi rời Tà Mít, ông Păn dặn dò với thêm: “ Năm sau, tôi sẽ đi tìm khúc xương sườn con trâu làm lại bộ lịch khác, tìm được người truyền dạy...”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn