MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoàng hôn trên sông Hàm Luông. Ảnh: HOÀI PHAN

Hy vọng còn một chút này…

LUẬT SƯ PHAN TRUNG HOÀI LDO | 19/09/2016 16:32
Hôm nay là ngày rằm tháng Tám âm lịch, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 chưa tan, bão số 5 chực chờ ập đến, trời cứ âm u, mưa rả rích cả mấy ngày qua. Tôi đến phiên toà xét xử vụ án “cố ý làm trái…”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Bảo Việt Bến Tre, có liên quan đến một số cán bộ nguyên là lãnh đạo của Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam mà lòng nặng trĩu.

Phiên toà đã hoãn một lần do triệu tập chưa đầy đủ, mọi người hy vọng lần này Toà xử, quyết định số phận của mỗi bị cáo cho xong, để tính chuyện thi hành án cho sớm mà được về với gia đình.

Nhìn quanh phòng xử, thấy gia đình của các bị cáo, phần từ Hà Nội vào, phần từ dưới Bến Tre lên, ngồi kín các dãy ghế, ai cũng tay xách nách mang, có chút đồ ăn đỡ đói lòng lúc nghỉ trưa cho phiên toà dự kiến kéo dài cả ngày, cộng thêm ít đồ dùng sẽ gửi qua cán bộ dẫn giải. Các luật sư từ khắp mọi miền đất nước tụ hội về đây, bắt chặt tay nhau, chuẩn bị lý lẽ để đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo trong một vụ án khá phức tạp về đánh giá chứng cứ và những dính mắc phía sau. Bỗng nhiên, những kỷ niệm tranh tụng trong phiên toà sơ thẩm tại Bến Tre như ùa về, sông Hàm Luông vào cơn nước ròng phản chiếu ánh hoàng hôn, những con thuyền nhỏ chạy ngược dòng như mang theo cả những thân phận bị cáo chờ đợi phán quyết của Toà án. Mới đó mà đã hơn chín tháng rồi…

Giật mình nghe tiếng chuông báo Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát cấp cao bước vào phòng xử án, tất cả mọi người đứng lên. Sau khi kiểm tra lý lịch của từng bị cáo, đại diện nguyên đơn dân sự, sự có mặt của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát đứng lên đọc quyết định rút kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Các luật sư bàn tán, tìm lý lẽ để chuẩn bị tranh luận liên quan điều luật viện dẫn về quyền rút kháng nghị của cấp dưới tại phiên toà phúc thẩm của đại diện Viện kiểm sát cấp trên. Trong lúc vị chủ tọa đang trình bày lại nội dung bản án sơ thẩm, bỗng mọi người ồn ào, nghe cả tiếng thét của một phụ nữ phía sau, nhìn lên hàng ghế dành cho bị cáo, thấy nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam ngất đi. Tôi chạy đến chỗ thư ký, tất tả gặp cán bộ quản giáo, nhờ liên hệ ngay với bác sĩ hoặc y tá của Tòa, nhưng không có. Hoá ra, bấy lâu nay, trừ trường hợp vụ án nào có bị cáo bị bệnh từ trước như trường hợp bị cáo Phạm Công Danh trong vụ án Ngân hàng Xây dựng, để bảo đảm cho việc xét xử, Toà sẽ triệu tập nhóm bác sĩ cấp cứu của một bệnh viện nào đó túc trực ngay sát cạnh phòng xử, chứ còn lại thì không có bác sĩ, hay y tá của Tòa phục vụ cho những trường hợp đột xuất như thế này.

Ông nằm đó, mắt nhắm nghiền, gia đình và luật sư đứng xung quanh. Có ai đó nói cần nới rộng khuy áo cho ông dễ thở, tránh khênh qua lại vì phòng ngừa đột quỵ. Tôi đứng thẫn người, bất lực vì mình không phải là bác sĩ, xót xa nhìn cảnh bị cáo bị ngất đi ngay trước công đường như thế, thử hỏi gia đình còn đau đớn như thế nào. Vị chủ tọa sau khi chỉ đạo công tác cấp cứu, bước vào bên trong để hội ý, ít phút sau quay ra quyết định hoãn phiên toà do tình trạng sức khoẻ của bị cáo không bảo đảm, sẽ thông báo ngày xử phúc thẩm vào ngày thích hợp. Tôi nhìn về hướng vị đại diện Viện kiểm sát, tự hỏi thầm trong đầu mình một câu, không biết có phải do quyết định rút kháng nghị ngay tại phiên toà là nguyên nhân dẫn đến bị cáo bị sốc?

Bị cáo mà tôi nhận trách nhiệm bào chữa được tại ngoại, còn bị cáo nguyên là lãnh đạo Tổng Công ty đều bị Tòa sơ thẩm quyết định mức án 5 năm tù giam. Trải qua nhiều tháng ngày bị giam giữ, chắc chắn bị cáo đang bị giam giữ phải nghĩ đến những giải pháp thực tế, bên cạnh luận cứ bào chữa của các luật sư, rằng có cách nào tốt nhất để sớm có thể được tại ngoại, ra khỏi chốn lao tù được không? Câu chuyện là ở chỗ, gia đình tận ngoài Hà Nội, tạm giam ở Trại tỉnh Bến Tre, đường xá xa xôi cách trở, mỗi lần thăm nuôi, gặp mặt thật khó khăn. Trong quá trình tranh tụng tại phiên toà sơ thẩm, liên quan việc xác định các khoản bị coi là thiệt hại trong vụ án, tôi cùng các luật sư đã đấu tranh quyết liệt, chứng minh bản án sơ thẩm là chưa bảo đảm căn cứ, cần phải được xem xét thêm.

Các luật sư, cùng gia đình của các bị cáo cũng trông đợi nhiều vào nội dung của Kết luận giám định ngày 10.11.2014, cũng như quyết định kháng nghị số 01 ngày 1.2.2016 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre cho rằng, hình phạt đối với các bị cáo như bản án sơ thẩm là quá nặng. Kháng nghị cho rằng, kết quả giám định nói trên xác định thiệt hại là không rành mạch, vì việc làm sai của các bị cáo có làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, nhưng việc đánh giá ảnh hưởng của các khoản chi này cần được đặt trong “mối quan hệ” với việc duy trì, phát triển thị trường và góp phần làm tăng doanh thu của doanh nghiệp… Hành vi của các bị cáo lại không có yếu tố tư lợi cá nhân, cơ bản vì lợi ích của doanh nghiệp nhằm cạnh tranh để tăng doanh thu, lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo để giảm nhẹ hình phạt.

Có lẽ, bị cáo đầu vụ chắc khi nghĩ đến việc Viện kiểm sát rút quyết định kháng nghị vô hình trung đã chặn đứng cơ hội chờ đợi bấy lâu nêu trong kháng cáo xin xem xét lại bản chất vụ án, đồng thời triệt tiêu hy vọng được giảm án để sớm trở về với gia đình, nên mới ra nông nỗi này…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn