MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bốn mùa, mặt ngoài của tác phẩm “Bình phong” của người 2017, dự án AIF của Flamingo Group.

Kết nối nghệ thuật trong không gian thực

nguyễn bỉnh quân LDO | 20/02/2018 14:03
Trước đây đúng 30 năm, tôi dự “Trại sáng tác Đại Lải”, tại Nhà sáng tác của Bộ Văn hóa. Đó là sự kiện đột phá khẩu Đổi mới làm chấn động dư luận văn hóa, làm nức lòng toàn giới văn nghệ sĩ đang cố “cởi trói”, “tự cứu lấy mình trước khi trời cứu” (theo nguyên văn lời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi đó).

Lần đầu tiên Hội Mỹ thuật đứng ra thực hiện tự do sáng tạo, tự do biểu hiện, lo mọi thứ từ đi lại, ăn, ở, toan, màu, bút vẽ... (chỉ có thuốc lào và rượu đế lậu là họa sĩ phải tự lo) để hơn 40 họa sĩ muốn vẽ gì thì vẽ không có “định hướng”, chủ đề, đề tài, chỉ đạo hay cấm kỵ nào. Danh họa Bùi Xuân Phái đã vẽ hai kiệt tác “Chèo” ở đây. Còn một họa sĩ khác ghi cảm tưởng sau một tháng dự Trại Đại Lải là “như đã được sống một tháng trên thiên đường!”.

Cái thiên đường thật mộc mạc và đơn sơ. Triển lãm “báo cáo của Trại Đại Lải” tại Bảo tàng Mỹ thuật đông chưa từng có và cho thấy một gương mặt khác hẳn của hội họa Việt Nam so với gương mặt “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” còn độc tôn chỉ hơn bốn tuần trước đó. Khi đó tôi là họa sĩ trẻ nhất.

Tác phẩm “Espejo - Raíz” NĐK Carlos Albert Andrés (Tây Ban Nha).

Lần này “dự trại Đại Lải” - làm khách mới của dự án “Art in the Forest”  (Dự án Nghệ thuật trong rừng AIF 2017), tôi là họa sĩ già nhất. Phong cảnh miền sơn cước mênh mông với đồi, rừng và hồ không còn hoang sơ, u trầm, bí ẩn như xưa mà sáng choang, sạch gọn, hào nhoáng, lung linh kiểu kiến trúc xanh đang thời thượng theo chuẩn resort 5 sao.

Điều kiện vật chất hơn xưa trăm lần và kết nối với thiên nhiên dù không còn nguyên vẹn vẫn là sự hiếm hoi chỉ có ở Flamingo. Thế giới đồ vật nhân tạo khủng dị và thế giới ảo nhằng nhịt đã bít kín con đường trở về với thiên nhiên của con người. Tại sao chỉ kết nối với cỏ và nước, cây và đá, sương mù và nắng hoe hoe, mùn lá thông mục dưới chân và con chim sà xuống... ta mới thấy thỏa mãn, được an ủi.

Một tháng không kết nối ảo: Không tivi, không điện thoại, không Internet, ở trong rừng như một thầy tu thiền bằng hành vi hội họa. Sự im ắng và trống trải nội tâm quả là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho mỗi tâm hồn. Nhưng không hẳn thụ động như vậy. Dự án AIF của tập đoàn Flamingo dài hơi 10 năm, năm nay là năm thứ ba, nhằm tới đích xây dựng một không gian nghệ thuật tầm cỡ quốc tế.

Một kiểu mẫu kết nối con người với thiên nhiên, qua tác phẩm nghệ thuật mà kết nối các cá thể (đang mắc căn bệnh cô đơn trầm kha thời hiện đại) với cộng đồng. 17 tác giả Việt Nam và quốc tế đã hoàn thành 7 pho tượng được khéo léo đan cài vào cảnh quan. 10 container được cải tạo thành 10 xưởng vẽ rất tiện nghi kết nối với du khách như các open studio để họ có thể tiếp xúc với nghệ sĩ đang làm việc và chứng kiến tác phẩm đã được hình thành như thế nào.

Giờ đây, 10 phòng vẽ dưới bóng thông xanh mát là các gian của một Bảo tàng trong rừng mở đón khách thường xuyên. Cũng như tình yêu vu vơ, “bất vụ lợi” luôn mù mờ, khó nắm bắt kết nối với nghệ thuật luôn là một kế nối vu vơ mà an ủi con người.

Khi con người ta phải “quên mình” theo nghĩa đen trong cuộc mưu sinh thì nghệ thuật vẫn là một niềm khoái lạc hướng thượng vì nó khiến người ta nhớ lại chính mình, muốn hiểu, muốn cảm thấy chính mình nhiều hơn. Soi lòng mình vào nghệ thuật cũng như “Cô gái ngây thơ nhìn xuống hồ/ Nước trong soi bóng thân hình cô/ Nụ cười dưới ấy và trên ấy/ Chẳng hẹn đồng nhau nở lẳng lơ” (Hàn Mặc Tử).

Tác phầm “Family” của nhà điêu khắc Mukai Katsumi đến từ Nhật Bản.

Thời nay ảo nhiều hơn thực. Kết nối ảo dễ hơn, tiện hơn, rẻ hơn, phong phú hơn kết nối thực cả trăm lần. Mâu thuẫn giữa mô phỏng và chính thực là thế lưỡng nan thường ngày của sinh tồn hậu công nghiệp. Kết nối nghệ thuật có thể là một liệu pháp hóa giải mâu thuẫn gay gắt ấy chăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn