MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trống đồng Kính Hoa, bảo vật quốc gia của tư nhân . Ảnh: Trịnh Sinh

Khai thác giá trị từ Bảo vật quốc gia tư nhân

GS.TS Trịnh Sinh LDO | 06/08/2023 07:59

Từ sau khi chiếc trống đồng thuộc sở hữu tư nhân đầu tiên được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia trong đợt 9 (ngày 31.12.2020), tức là cách đây chưa đầy ba năm, đã có thêm hai đợt công nhận nữa với 9 hiện vật và nhóm hiện vật thuộc sở hữu tư nhân xứng đáng với tiêu chí Bảo vật quốc gia.

1. Các hiện vật thuộc sưu tập tư nhân đã đem lại làn gió mới cho kho tàng Di sản văn hóa Việt Nam. Những bảo vật này đều trải qua nhiều bước xét duyệt nghiêm túc từ các hội đồng quản lí di sản cấp tỉnh thành cho đến Bộ VHTTDL trước khi trình Thủ tướng ký duyệt.

Những bảo vật này đều là những hiện vật độc bản, mang giá trị nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc, vì những hiện vật đó được các nhà sưu tập tư nhân tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi xin được xét duyệt trở thành Bảo vật quốc gia. Đấy chính là cái được của nhà nước, của cộng đồng khi di sản chung mà tổ tiên để lại, nay lại được con cháu giữ gìn, tôn vinh.

Mọi bảo vật do nhà nước quản lí trực tiếp thông qua hệ thống bảo tàng hay trong sưu tập tư nhân đều quý giá như nhau. Chúng đều là tài sản chung của cha ông, gìn giữ lại mãi cho muôn đời sau để bảo vật không bị “chảy máu” ra nước ngoài như trong nhiều thập kỷ trước, để những câu chuyện dùng tiền chuộc về nước chiếc ấn vàng Triều Nguyễn mới đây sẽ không lặp lại.

Theo thống kê, trong 3 đợt xét duyệt Bảo vật quốc gia gần đây, thì hai đợt đầu, mỗi đợt chỉ có một hồ sơ hiện vật tư nhân được xét duyệt. Nhưng đến đợt thứ ba thì có đến 7 bộ sưu tập hiện vật tư nhân được công nhận là Bảo vật quốc gia, cho thấy bộ phận quản lí di sản đã đi đúng hướng, không có “sự cố” nào xảy ra.

Việc ghi nhận Bảo vật quốc gia ở các bộ sưu tập tư nhân mang lại "làn gió mới", nhà sưu tập cũng cảm thấy thoải mái, không mất mát gì mà còn được vinh danh, thay mặt cho cộng đồng sở hữu và quản lí tài sản tổ tiên. Tôi tin rằng, những đợt xét duyệt tiếp theo sẽ có nhiều nhà sưu tập cổ vật tư nhân tham gia, đóng góp thêm vào kho tàng Bảo vật quốc gia.

2. Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân chưa có nhiều, nhưng sở hữu những giá trị nổi bật, đóng góp vào mĩ thuật, lịch sử, văn hóa.

Trước tiên, bảo vật là phải đẹp. Tôi đã từng chiêm ngưỡng bộ sưu tập Bảo vật quốc gia đồ gốm men trắng triều Lý trong sưu tập An Biên của ông Trần Đình Thăng (Hải Phòng). Đó là những đồ gốm thật sự đẹp “long lanh”, không tì vết mà ít bảo tàng trong hệ thống nhà nước có được. Nhìn những hoa văn hoa lá và lớp men rạn phủ ngoài mới thấy được cái tài khéo của người thợ gốm Đại Việt cách đây đã xấp xỉ ngàn năm.

Bộ sưu tập đồ đồng Kính Hoa của ông Nguyễn Văn Kính (Hà Nội) cũng thuộc loại đẹp hoàn mĩ, có thể so sánh ngang ngửa với những trống và thạp đồng đẹp nhất đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Bảo vật quốc gia tư nhân còn đóng góp vào lịch sử nước ta như một trong những nguồn tư liệu vật thực chân xác. Ví dụ, qua hoa văn khắc họa trên trống và thạp đồng Kính Hoa, ta đã khẳng định một trong những nhóm cư dân đúc trống là những người Lạc Việt sống ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ ven biển, khi họ khắc họa những hoa văn miêu tả sinh vật biển như hình con sam, cá sấu... Chúng ta còn biết được tổ tiên chúng ta đã biết dệt vải thành thạo để may trang phục đẹp, khi dấu vết vải còn in trên bề mặt chiếc trống đồng này.

3. Qua 3 đợt xét duyệt Bảo vật quốc gia mới chỉ có 3 nhà sưu tập cổ vật tham gia, nhưng đã bước đầu đóng góp vào danh sách những đồ cổ quý giá. Tôi biết trong nước và cả ngoài nước còn có nhiều sưu tập quý nữa. Với hướng đi đúng như hiện nay, chúng ta sẽ dần dần phục dựng lại bức tranh về di sản của tổ tiên ta còn lại những gì để rồi bảo tồn và phát huy giá trị.

Thạp đồng Kính Hoa. Ảnh: Trịnh Sinh

4. Vấn đề bảo tồn các Bảo vật quốc gia cũng cần tính đến. Cho đến nay, hệ thống bảo tàng Nhà nước đã có nhiều phương tiện, kỹ thuật hiện đại giúp hỗ trợ bảo tồn bảo vật như hệ thống điều hòa nhiệt độ, kiểm soát độ ẩm...điển hình là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số bảo tàng nhỏ, bảo tàng địa phương vẫn không được như thế, nhiều khi "điện đóm phập phù" thì "người ốm" đã đành mà cổ vật cũng lúc lạnh, lúc nóng thì tuổi thọ cũng sẽ giảm nhanh, nhất là đồ đồng, đồ gỗ... Mong sao các Bảo vật quốc gia sẽ có được những điều kiện bảo tồn tốt nhất.

5. Vấn đề phát huy giá trị các Bảo vật quốc gia cũng còn nhiều vấn đề bàn luận. Nếu như Bảo vật do hệ thống bảo tàng nhà nước quản lý thì việc phát huy giá trị rất thuận lợi vì có phòng trưng bày, có người quản lí, hướng dẫn viên. Nhưng còn các Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân thì sao? Cho đến nay đây vẫn là chỗ vướng mắc, dù được vinh danh nhưng không mấy khi được phục vụ đông đảo nhân dân. Đôi khi, các nhà sưu tầm có công giữ gìn và sở hữu Bảo vật quốc gia cũng cần có một hình thức động viên nào đó.

Tôi có dịp đến thăm thành phố Kagoshima (Nhật Bản), đã từng đến một khách sạn khá đông khách là nhờ quảng cáo nơi đó có nhiều bảo vật, có cả cuốn "Kinh Koran gốc". Nhiều khách du lịch muốn đến chiêm ngưỡng những bảo vật này nên dù cho giá thuê phòng cao hơn những nơi khác nhưng vẫn thu hút một số lượng lớn du khách đặt phòng. Đây là một ví dụ điển hình cho sự thành công của người Nhật khi phát huy rất tốt giá trị của Bảo vật quốc gia trong dòng chảy của xã hội hiện đại.

Chưa kể các Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân còn là nguồn cảm hứng mới cho các nhà nghệ thuật, sử học, văn hóa và "mọi nhà" yêu cổ vật khai thác nữa. Chưa kể những bảo vật này nếu được phát huy giá trị văn hóa thì cũng là đóng góp cho lòng tự hào dân tộc và sự quảng bá cho đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn