MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công đoàn Công ty Cổ phần Sáng tạo Việt AKIRA thương lượng thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động ngay sau lễ ra mắt Công đoàn cơ sở vào ngày 7.4.2021(thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19 lần 4). Ảnh: Ngọc Ánh

Khẳng định vai trò đại diện của Công đoàn qua thương lượng

Linh Nguyên LDO | 13/06/2021 19:00
Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại thỏa ước lao động tập thể, giai đoạn 2021-2022” của LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã đặt mục tiêu chú trọng thương lượng về lương, thưởng, tăng cường vai trò của cơ chế 3 bên nhằm mang lại quyền lợi tốt hơn cho người lao động, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Hiện đã xuất hiện những phương pháp làm hiệu quả từ cơ sở.

Thương lượng ngay sau khi ra mắt Công đoàn cơ sở

Công ty Cổ phần Sáng tạo Việt AKIRA nằm trên địa bàn quận Long Biên, thành lập năm 2019 với ngành nghề kinh doanh chính là in ấn, phụ liệu ngành may. Qua rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn quận, LĐLĐ quận Long Biên đã gặp gỡ tuyên truyền về chế độ, chính sách của Đảng và nhà nước, đặc biệt tuyên truyền Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam, cũng như tuyên truyền vị trí, vai trò và chức năng của tổ chức Công đoàn Việt Nam cho người lao động công ty. Qua đó, người lao động của công ty đã nhận thức được ý nghĩa của việc gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Sau một thời gian tích cực tuyên truyền, vận động đến toàn thể người lao động trong công ty, Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở công ty đã nhận được đơn xin gia nhập tổ chức Công đoàn của 10 người lao động, đồng thời đề nghị LĐLĐ quận Long Biên hỗ trợ, tạo điều kiện tổ chức thành lập Công đoàn cơ sở.

Điều đặc biệt là ngay sau khi làm lễ ra mắt Công đoàn cơ sở, LĐLĐ quận hướng dẫn Ban chấp hành Công đoàn Công ty cổ phần sáng tạo Việt AKIRA tổ chức phiên họp thương lượng tập thể với lãnh đạo công ty nhằm đàm phán, đi đến ký kết một số điều khoản cùng nhau tiến tới xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động tại Công ty.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp là bà Nguyễn Hạnh Dung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sáng tạo Việt AKIRA - cùng Ban lãnh đạo công ty tiến hành thương lượng các điều khoản với Ban chấp hành Công đoàn công ty. Trong đó, lãnh đạo công ty và Ban Chấp hành Công đoàn công ty bàn chi tiết các điều khoản liên quan đến: Tiền lương, tiền thưởng các ngày lễ, Tết... trợ cấp, hỗ trợ nhà ở, tiền ăn ca, bảo đảm việc làm đối với người lao động; bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động...

Sau khi thảo luận, trên cơ sở thực tế công ty, hai bên thống nhất được một số điều khoản sẽ đưa vào Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Điển hình như tiền thưởng các ngày lễ 30.4, 2.9, Tết Dương lịch, Âm lịch, 8.3, 20.10, 1.6, Tết Trung thu với mức tối thiểu là 500.000 đồng/người; thưởng lương tháng thứ 13; người lao động được hỗ trợ nghỉ mát 1 lần/năm. Công ty sẽ bảo đảm 100% người lao động có việc làm đầy đủ; bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động được cấp phát đầy đủ trang bị bảo hộ lao động ít nhất 2-3 bộ/người/năm; được công ty mua bảo hiểm tai nạn lao động. Về phụ cấp, người lao động sẽ được công ty hỗ trợ tiền ăn trưa tối thiểu 680.000đồng/người/tháng; có nhà ở miễn phí cho công nhân ở xa; hỗ trợ kinh phí may trang phục cho cán bộ công nhân viên không quá 5.000.000 đồng/người/năm...

Sau khi bàn bạc, thống nhất Ban lãnh đạo và Ban Chấp hành Công đoàn công ty tổ chức lấy ý kiến tập thể người lao động. 100% người lao động biểu quyết thống nhất các nội dung trong bản TƯLĐTT và Nội quy lao động. Điều này đã khẳng định vai trò đại diện hiệu quả của Công đoàn tại công ty.

Với cách làm mới, hiệu quả này, đến nay tại LĐLĐ quận Long Biên đã có 178 thỏa ước, số lượng thỏa ước ký năm 2021 và 100% các bản thỏa ước đều có các điều khoản cao hơn luật như: Tiền lương, tiền thưởng, khen thưởng, chuyên cần, hỗ trợ đi lại, nhà trọ, ăn ca, ốm đau, trợ cấp, trang phục...

Triển khai thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành, nhóm doanh nghiệp

Theo đánh giá của LĐLĐ thành phố Hà Nội, LĐLĐ quận Long Biên là một trong những đơn vị dẫn đầu của Công đoàn Hà Nội về việc hướng dẫn Công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội cho biết, trong quá trình thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại thỏa ước lao động tập thể, giai đoạn 2021-2022”, LĐLĐ thành phố sẽ triển khai thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành, nhóm doanh nghiệp và nâng cao số lượng, chất lượng TƯLĐTT tại doanh nghiệp với các việc khảo sát, lập danh sách các doanh nghiệp cùng ngành nghề, thuận tiện về địa bàn, có điều kiện phù hợp để tiến hành thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành, nhóm doanh nghiệp. Rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp đã thành lập Công đoàn cơ sở có từ 25 lao động trở lên, giao chỉ tiêu ký kết TƯLĐTT đến từng đơn vị Công đoàn cấp trên cơ sở thực hiện. Những doanh nghiệp đang hoạt động, đã thành lập Công đoàn cơ sở nhưng chưa ký kết TƯLĐTT thì Công đoàn cấp trên cơ sở hỗ trợ tổ chức thương lượng tập thể để ký kết TƯLĐTT.

Trường hợp khó khăn, vướng mắc thì bố trí thành viên “Tổ tư vấn thương lượng, ký kết TƯLĐTT” của Thành phố hỗ trợ. Những doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp đại diện tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT khi có yêu cầu của người lao động hoặc kết hợp quá trình vận động phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở để thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

LĐLĐ thành phố Hà Nội phấn đấu 75% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn xây dựng, thương lượng, ký kết và tổ chức giám sát việc thực hiện TƯLĐTT tại đơn vị (còn hiệu lực); phấn đấu có ít nhất 45% bản TƯLĐTT đạt loại B trở lên. Hằng năm ký được ít nhất 350 bản TƯLĐTT mới. Mỗi năm ký ít nhất 01 TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp theo ngành sản xuất kinh doanh hoặc nhóm doanh nghiệp.

Để đạt mục tiêu này, Công đoàn Hà Nội tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho các thành viên “Tổ tư vấn thương lượng, ký kết TƯLĐTT” về đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT, đặc biệt về lĩnh vực tiền lương nhằm giúp Công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở khi có nhu cầu hỗ trợ. Thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng về đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở và cán bộ Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên và các doanh nghiệp đã từng xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, các doanh nghiệp có mối quan hệ lao động phức tạp về đối thoại.

Bên cạnh đó mức chi hỗ trợ cho TƯLĐTT ngành, TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp tham gia là đối với Công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp thương lượng và ký kết TƯLĐTT được hỗ trợ bằng tiền với mức mỗi bản TƯLĐTT có từ 05 đến dưới 10 doanh nghiệp tham gia và được đánh giá xếp loại B trở lên, Công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp thương lượng được hỗ trợ 20.000.000 đồng/bản (Hai mươi triệu đồng). Với mỗi bản TƯLĐTT có từ 10 doanh nghiệp trở lên tham gia hoặc TƯLĐTT ngành được đánh giá xếp loại B trở lên, Công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp thương lượng được hỗ trợ 30.000.000 đồng/bản (Ba mươi triệu đồng).

Ngoài ra, cá nhân cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp thực hiện được hỗ trợ mức 5.000.000 đồng/bản hoặc mức 7.000.000 đồng/bản tương ứng với mỗi loại trên. Mức chi hỗ trợ đối với TƯLĐTT doanh nghiệp là mỗi bản được đánh giá, xếp loại A thì các tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện sẽ được hỗ trợ không quá 8.500.000 đồng/bản. Mỗi bản được đánh giá, xếp loại B, các tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện sẽ được hỗ trợ không quá 5.000.000 đồng/bản. Ngoài mức hỗ trợ như trên, LĐLĐ thành phố còn hỗ trợ thêm bằng tiền đối với một số trường hợp...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn