MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh trong phim "Bến không chồng". Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Khát vọng cuộc sống, tình yêu

Hào Hoa LDO | 30/04/2023 07:15
Hai tác phẩm điện ảnh, “Đời cát” và “Bến không chồng” đều được chuyển thể kịch bản từ văn học. Lấy đề tài hậu chiến với câu chuyện xoay quanh những người lính trở về sau chiến tranh, nhưng xuyên suốt 2 tác phẩm lại là một cuộc chiến khác, một cuộc chiến dai dẳng, âm thầm và đau đớn. Một cuộc chiến nằm lại sau chiến tranh.

Cuộc chiến tĩnh lặng trong những phận người

Bộ phim điện ảnh “Đời cát” của đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân ra mắt năm 1999 dựa theo truyện ngắn “Ba người trên sân ga” (nhà văn Hữu Phương).

“Đời cát” mở ra không gian bao la, khắc nghiệt của một làng chài miền Trung giữa gió cát khô khốc. Cảnh trở về sau chiến tranh. Nặng trĩu trong lòng Cảnh là lời thú nhận với vợ việc anh đã cưới một cô gái khác trong những năm tháng ra Bắc.

Đợi chồng mòn mỏi bấy nhiêu năm, nghe lời thú nhận của Cảnh, bà Thoa chết lặng. Ít lâu sau, Tâm - vợ mới của Cảnh - tìm đến, dắt theo con gái nhỏ. Từ đây, giữa gió cát khô khốc, là cuộc chiến tĩnh lặng diễn ra âm thầm và dữ dội giữa 3 người trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo.

“Đời cát” được đánh giá là tác phẩm ấn tượng bậc nhất trong suốt sự nghiệp của đạo diễn - NSND Thanh Vân. Phim khơi gợi tinh tế cảm xúc giằng xé dữ dội trong cuộc chiến nội tâm âm thầm giữa 3 nhân vật Thoa - Cảnh - Tâm. Giữa 2 phụ nữ, Cảnh như bị mắc kẹt. Anh phải giữ tình nghĩa với bà Thoa hay dứt bỏ tất cả để chạy theo tình yêu với Tâm?

Trở về sau cuộc chiến, việc phải đối diện với những mâu thuẫn dai dẳng, những giá trị đối lập, những định kiến điều tiếng, những níu kéo xưa cũ... khiến mỗi người ở vùng cát cháy khô khốc như Cảnh, Thoa, hay chị Bé, anh thương binh Huy... đều tù túng, cô đơn và bi kịch.

Cuộc chiến tĩnh lặng mà dữ dội, đau khổ ấy được khai thác mở rộng, mang tầm vóc lớn hơn, được “xã hội hóa” với mỗi bi kịch đều ở tận cùng trong tác phẩm điện ảnh “Bến không chồng” ra mắt năm 2000.

“Bến không chồng” được đạo diễn Lưu Trọng Ninh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng.

“Bến không chồng” đặt câu chuyện của mình trong bối cảnh làng Đông - một làng quê được đặc tả với những nét văn hóa điển hình của Bắc Bộ. Không gian câu chuyện mở ra với lũy tre, mái đình, cây đa, bến nước. Thời gian mở ra với những ngày miền Bắc hối hả vừa lo xây dựng nông thôn vừa chi viện cho chiến trường miền Nam.

Bị thương nặng sau một cuộc chiến, Nguyễn Vạn trở về làng Đông với tất cả thương yêu, nhung nhớ. Vai khoác ba lô, ngực áo đính đầy huân chương, từ trên đê Nguyễn Vạn phanh ngực nhìn về làng Đông. Nguyễn Vạn đã nghĩ, sự bình yên nằm chính ở nơi đây, nơi anh và đồng đội đã sẵn sàng đổ máu để bảo vệ.

Nguyễn Vạn không bao giờ có thể hình dung ra, đợi anh phía trước lại là những bi kịch, những hủ tục lâu đời, những định kiến cũ kĩ, đã bóp nghẹt anh trong sự cùng quẫn cuối cùng.

Từ đê về làng, Nguyễn Vạn đã không thể đoán ra, một cuộc chiến khác đang đợi anh, cuộc chiến tĩnh lặng, nhưng dữ dội và đầy đau đớn.

Trở về làng bao năm, Nguyễn Vạn nhanh chóng nhận ra những hủ tục, những lề thói, định kiến tồn tại cả trăm năm ở làng Đông vẫn sừng sững ở đó. Nguyễn Vạn không dám sống thật với mình, bởi ý thức mãnh liệt nhất trong anh lúc này là “giữ hình ảnh”.

Nguyễn Vạn không dám vượt qua dư luận để đến với Nhân, vì Nhân là vợ liệt sĩ. Chồng hi sinh khi Nhân còn quá trẻ, chị ở vậy thờ chồng nuôi con. Chỉ một lần nghĩ về Nguyễn Vạn, Nhân đã day dứt, khổ sở, chị sẽ sống ra sao nếu xóm làng biết chuyện?

Hạnh và Nghĩa - cũng là những số phận khác ở làng Đông. Chiến tranh cướp Nghĩa khỏi tay Hạnh. Cuộc chiến còn để lại những cuộc tình duyên cay đắng, dở dang cho những thiếu nữ còn đang đầy sức sống thanh xuân như Cúc, Thắm...

“Bến không chồng” tái hiện những khoảnh khắc đắt giá khi đặc tả những thế hệ phụ nữ từ già tới trẻ ngồi thẫn thờ, lặng thinh bên nhau mỗi chiều về, trên bến nước.

Cuộc chiến đã lấy đi những người đàn ông khỏe mạnh, cường tráng của làng quê chỉ để lại sau lũy tre những người đàn bà mòn mỏi vì chờ đợi.

“Bến không chồng” còn tái hiện những nghịch cảnh trớ trêu ở làng Đông, khi tay thợ ảnh hèn hạ, sở khanh bỗng trở nên “đắt giá” với những thiếu nữ mới lớn. Một cô gái mơn mởn xinh đẹp phải cưới nhanh một anh tâm thần...

Cuộc chiến còn diễn ra trong mỗi con người, họ phải chịu sự giằng xé giữa một bên là hủ tục, định kiến và phía bên kia là khát vọng hạnh phúc, là mưu cầu được hạnh phúc.

Cuộc chiến tĩnh lặng sau lũy tre cứ âm thầm, dai dẳng mà dữ dội, khô khốc, trên những phận người.

Cảnh trong phim “Đời cát“. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp
 
Cảnh trong phim “Thương nhớ ở ai” - bản truyền hình của tác phẩm “Bến không chồng“. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Giá trị bất diệt của khát vọng tình yêu

Nói về tiểu thuyết “Bến không chồng”, nhà văn Dương Hướng từng chia sẻ: “Tôi viết tác phẩm bằng cả tấm lòng yêu thương của một người lính từ chiến trường về nhìn thấy quê hương, thấy những người thân yêu của mình chịu bao mất mát thương đau vì chiến tranh.

Các nhân vật chính như chú Vạn, bà Nhân, bà Hơn, đều là bà con họ tộc trong làng. Còn Hạnh, Dâu, Thắm đều là bạn bè trang lứa. Khi viết tôi hình dung ra rõ tính cách từng người. Mỗi người một thân phận khác nhau. Câu chuyện tôi muốn gửi gắm tới bạn đọc chính là sự hi sinh mất mát vô cùng lớn lao của người dân quê tôi và những cô gái trong làng, họ đã trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt. Các trai làng ra trận để lại những cô gái không chồng hoặc có chồng cũng như không...”.

Những người đàn ông ra trận, cũng là lúc những người phụ nữ phía sau bước vào một cuộc chiến khác. Cuộc chiến về tình yêu thầm lặng và những giằng xé, cuộc chiến của những khát vọng bị kìm nén, chôn chặt, cuộc chiến về những phận người đơn độc trong bi kịch.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã ám ảnh với những phận người ở làng Đông trong tiểu thuyết “Bến không chồng” tới mức, năm 2017, anh đã thực hiện thêm bản truyền hình với 34 tập, phim lấy tên “Thương nhớ ở ai”.

Ở mỗi tác phẩm ấy, từ “Đời cát”, “Bến không chồng” hay “Thương nhớ ở ai” đều không muốn khơi gợi lại nỗi đau dân tộc, không muốn khắc họa thêm sự mất mát của cuộc chiến, những tác phẩm chỉ ngợi ca giá trị tình yêu, khát vọng tình yêu của con người - dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn bừng lên mãnh liệt.

Trải qua bom đạn khốc liệt, vượt lên trên những hủ tục, định kiến, mãi mãi là khát vọng, là tình yêu - như ngọn lửa bất diệt trong mỗi con người, trên mỗi thân phận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn