MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một xưởng đúc đồng ở Phường Đúc - Huế.

Khi dòng kim loại trở mình...

Bài và ảnh Bảo Đàn LDO | 20/03/2022 06:45
Nếu từ trung tâm thành phố, đi ngược về hướng Tây - Nam chừng 3km, bằng đường bộ hoặc đường thuỷ, bạn sẽ đến Phường Đúc - làng nghề đúc đồng truyền thống nổi tiếng của Huế, toạ lạc ở phía hữu ngạn dòng Hương.

Nơi tái sinh những mảnh kim loại vô tri...

Dưới thời các chúa Nguyễn, và sau này, dưới thời quân chủ, dải đất phía Tây - Nam Đô thành Phú Xuân - Kinh thành Phú Xuân được cắt đặt làm đất quan phòng, vùng đất tiền án của vùng kinh đô. Trên khu vực này, từ rất sớm đã hình thành công tượng đúc đồng của các chúa Nguyễn, tên gọi là Chú Tượng Ty, là tiền thân của làng đúc đồng Phường Đúc về sau.

Chú Tượng Ty là một trong nhiều tượng cục được thiết lập dưới thời các Chúa chuyên lo việc đúc súng, chú tạo các sản phẩm bằng đồng dùng trong nghi lễ, lẫn đời sống sinh hoạt, riêng dùng trong phủ Chúa; và về sau là những bộ nồi đồng, cồng, chiêng phục vụ đời sống dân gian vùng Huế lẫn khu vực lân cận. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có chép rằng “Có Ty thợ đúc các cục, người Kinh 30 người, người Bản Bộ 30 người...”, hay “Họ Nguyễn trước mỗi năm đến ngày lễ sinh nhật, các quan ty thợ đều có tiền mừng... duy có ty thợ đúc, thợ Bản Bộ thì tiền một quan, ống nhổ thau lớn một chiếc, thợ người Kinh thì mỗi người năm tiền”. Thợ người Kinh chính là Kinh Nhơn, một trong năm xóm thợ đúc của Phường Đúc hiện nay: Giang Dinh, Giang Tiền, Kinh Nhơn, Bản Bộ, Trường Đồng. Năm xóm thợ đúc - dân gian Huế thường gọi là năm dãy thợ đúc, đó là nơi cư trú của những dòng họ, những người thợ mang theo tinh hoa nghề từ đất Bắc, theo chân chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp.

Nguyên liệu nóng chảy chuẩn bị đổ khuôn.

Sau khi triều Nguyễn cáo chung, hệ thống tượng cục giải thể, những tay thợ lành nghề khắp nơi trong cả nước được triệu tập về kinh đô trước đó trở về cố hương. Trong bối cảnh đó, Chú Tượng Ty chuyên nghề đúc đồng cũng tan rã. Tuy vậy, dòng họ Nguyễn xóm Kinh Nhơn đã ở lại để tiếp nối nghề nghiệp của cha ông. Từ những lò đúc của các gia đình thuộc dòng họ Nguyễn, sinh hoạt của làng nghề dần đi vào quỹ đạo chung của những phường hội thủ công dân gian, tương tự như bao làng nghề thủ công khác ở Huế.

... thành những vật phẩm đậm màu văn hoá

Trong quá khứ, với đôi bàn tay tài hoa của những người thợ biên chế trong Chú Tượng Ty - tiền thân của làng đúc đồng Phường Đúc, người dân Phường Đúc đã lưu dấu tên mình như là một trong những cộng đồng góp phần làm nên nét đặc trưng cho mảng văn hoá vật chất của Huế. Họ là chủ nhân của nhiều hiện vật văn hoá đặc thù, mà hiện nay, ít nhiều trong số chúng đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Họ là người chú tạo nên bộ Cửu đỉnh biểu trưng cho quyền lực trong thời hoàng kim của triều đại nhà Nguyễn hiện được đặt trước Thế Miếu. Họ cũng là tác giả của Cửu vị thần công - chín khẩu súng đồng quý giá hiện được trưng bày trang trọng hai bên Kỳ đài, trước cổng Ngọ Môn. Họ là tác giả của nhiều vạc đồng, mâm đồng, cơi trầu v.v... được dùng trong cung Nội, và họ cũng là tác giả của nhiều quả đại hồng chung nổi tiếng trong các ngôi quốc tự ở Huế.

Nét tinh xảo trên phần khuôn đúc.

Cũng từ trong quá khứ, dưới thời các chúa Nguyễn, khi cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) khởi phát, sự xuất hiện của hai cha con người Bồ Đào Nha Jean de la Croix và Jean de la Clemen ở Phường Đúc dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) như là nhân tố mang lại sự vượt trội, trong đối sánh về thực lực quân sự giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, khi những kỹ thuật đúc súng tân tiến của Phương Tây đã được họ thực hiện nay trên đất Huế, và những người thợ đúc đồng Phường Đúc, gần như đã là lớp người kế thừa một cách trọn vẹn.

Nghề đúc đồng là nghề lao khó, những người thợ đúc được ví như là những con người “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. Trong các khâu đoạn của nghề đúc, từ việc làm rập, làm khuôn (sú đất, làm bìa, giáp khuôn, thét khuôn, chèn khuôn, trổ điệu, bố khuôn), nhen lò, thổi cơi, ra cơi, đổ khuôn, ra khuôn, làm nguội, mỗi công đoạn đều hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và khéo léo của người thợ, và sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều bộ phận, dưới sự điều khiển của người thợ cả. Việc đúc một lửa trọi - ý chỉ sản phẩm đúc hoàn hảo giống hệt mẫu rập hay không trọi hoàn toàn tuỳ thuộc vào kinh nghiệm của người thợ trong mỗi khâu đoạn cụ thể, đặc biệt là việc rót đồng nóng chảy vào khuôn.

Hồng chung - một trong những sản phẩm điển hình của phường Đúc.

Từ việc chú tạo những sản phẩm đậm tính lễ nghi dưới thời quân chủ, Phường Đúc - Huế hiện nay nổi tiếng với hệ sản phẩm phục vụ nghi lễ và đời sống tín ngưỡng vùng Huế nói riêng và cả nước nói chung, ví như độc lư, những bộ tam sự, ngũ sự trên bàn thờ gia tiên; các pho Phật tượng, đại Phật tượng; chuông gia trì, tiểu, đại hồng chung trong các chùa miếu v.v...

***

Gánh trên vai một truyền thống lẫy lừng, một quá khứ hoàng kim dưới thời quân chủ, những người thợ đúc đồng Phường Đúc, từ trong quá khứ và kể cả hiện nay, họ đã và đang làm nên dấu ấn của mình trên bản đồ các làng nghề đúc đồng trong cả nước, bằng hệ sản phẩm bao chứa nhiều giá trị đặc trưng: những sản phẩm phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân vùng Huế và khu vực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn