MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tiết học của thầy Nguyễn Văn Lực - giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi giáo viên viết báo

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) LDO | 19/06/2023 13:00

Đã hơn 10 năm với gần ba trăm bài viết cho các báo, trong đó có Báo Lao Động, con số tuy nhỏ bé nhưng lại là niềm vui thật lớn với tôi trong sự nghiệp "trồng người". Mỗi ngày trôi qua với tôi thật hạnh phúc khi vừa đi dạy học vừa làm cộng tác viên viết bài cho báo.

Bén duyên với nghề báo

Tôi học văn vốn không được khá, nên không có ý định trở thành phóng viên báo chí. Nhưng từ khi còn học phổ thông, môn Lịch sử đã lôi cuốn hấp dẫn tôi qua từng câu chuyện lịch sử của dân tộc. Và có lẽ, Lịch sử là môn học giúp cho tôi có nền tảng viết những bài báo và trở thành cộng tác viên cho các tờ báo như ngày hôm nay.

Nhân duyên đưa tôi - từ một nhà giáo, trở thành cộng tác viên báo chí xuất phát phát từ câu chuyện đau lòng xảy đến trong chính gia đình tôi. Chị ruột tôi - cô giáo Nguyễn Thị Tố Nga, giáo viên dạy môn Ngữ văn trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa đã bị hai tên cướp sát nhân máu lạnh vào nhà, đoạt đi mạng sống vào năm 2010. Những nhát dao oan nghiệt của tên sát nhân cướp đi mạng sống của một cô giáo hiền lành, để lại đứa con bơ vơ không nơi nương tựa.

Sự việc đau xót này đã thôi thúc tôi viết bài gửi cho báo để xin học bổng tiếp sức đến trường cho em Mai Phú Khánh, con trai cô Nguyễn Thị Tố Nga. Khi ấy, Phú Khánh đang học lớp 11 trường THPT Hoàng Hoa Thám, Diên Khánh, Khánh Hòa. Thật không ngờ, bài viết của tôi được khen thưởng, tôi được tặng kỷ niệm chương còn Phú Khánh được nhận 5 triệu đồng. Đây là động lực và từ đó tôi có những bài viết tiếp theo được đăng trên một số báo như: Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên...

Nghề báo tiếp thêm cho tôi động lực theo đuổi sự nghiệp trồng người

Việc viết báo đem đến cho tôi nhiều điều hay bổ ích. Chuyên môn giảng dạy của tôi được nâng cao hơn, tốt hơn, bài dạy trở nên sinh động hấp dẫn học sinh hơn, nhất là trong những giờ học lịch sử khô khan với những số liệu ngày - tháng - năm xảy ra sự kiện khó nhớ dễ quên, hay những bài giáo dục công dân đầy lí thuyết, thiếu thực tế tình huống.

Tôi thường đọc báo, theo dõi thông tin những sự kiện thời sự đã và đang diễn ra. Viết báo cũng là cách tìm cảm hứng để bài giảng giàu tính nhân văn, thấm đượm hơi thở của cuộc sống; lắng đọng hồn sông núi... Qua đó cũng để học sinh dễ cảm thụ, dễ dàng tiếp thu tri thức.

Từ chuyện đổi mới giáo dục phổ thông, thi giáo viên dạy giỏi, thi cử, cơ sở vật chất trường học, giáo dục học sinh cá biệt... đến trách nhiệm của giáo viên, phụ huynh và nhất là bệnh thành tích trong giáo dục, đó là những chủ đề mà tôi phản ánh trên các trang báo.

Thú thật vì viết báo nghiệp dư, nên những bài báo được đăng là rất khiêm tốn. Tỉ lệ bài gửi và bài được sử dụng đăng các Báo là 3/2 (gửi 3 bài đăng 2 bài). Dù vậy, mỗi khi bài viết được đăng trên báo giấy hay báo điện tử đều là niềm vui, hạnh phúc của tôi.

Mỗi sớm mai thức dậy, đọc bài viết của mình được đăng trên Báo Lao Động, lòng tôi luôn rạo rực dâng lên một cảm xúc lâng lâng khó tả. Ngày hôm ấy tôi đến trường, lên lớp tôi có cảm hứng dạy học, "thăng hoa" với những bài giảng của mình. Tôi hào hứng kể cho các em nghe, chia sẻ niềm vui bài viết của mình được đăng trên báo cho các đồng nghiệp, học sinh. Niềm vui được nhân lên gấp nhiều lần khi học sinh, đồng nghiệp đọc rồi bấm like. Niềm vui này không thể tả và nói lên thành lời.

Mỗi bài viết được đăng chính là những đứa con tinh thần tôi đã tạo ra từ trải nghiệm cuộc sống, công việc, ngành nghề, cảm xúc... Sự ủng hộ của đồng nghiệp, của học trò và phụ huynh như lời động viên, đồng cảm giúp tôi theo đuổi đam mê với nghề tay trái này.

Niềm vui đôi khi cùng đi với nỗi buồn

Là giáo viên giảng dạy môn Lịch sử và Giáo dục công dân cấp THCS, công tác gần 37 năm trong ngành giáo dục, tôi rất tâm huyết với việc dạy học, yêu nghề mến trẻ. Vì vậy, hầu hết bài viết của tôi đều phản ánh chủ đề nội dung dạy - học, thầy cô, học sinh, với mong muốn góp ý chân thành cho ngành giáo dục.

Nhiều thầy cô ủng hộ đón nhận bài viết của tôi một cách tích cực. Nhưng đôi khi việc viết báo cũng gặp không ít phiền toái. Đó là theo yêu cầu của ngành giáo dục ở địa phương tôi, giáo viên viết bài phản ánh về giáo dục cần phải được thông qua ý kiến của trường, Phòng, Sở mới được gửi bài. Chính vì vậy tôi đã có lần bị Phòng GDĐT và Sở GDĐT nhắc nhở cần cẩn thận hơn những nội dung phản ánh với báo khi chưa có ý kiến của ngành giáo dục.

Qua đây tôi mới hiểu và cảm thông hơn cho những phóng viên báo chí phải chịu nhiều áp lực do đặc thù của công việc. Họ là những con người, chiến sĩ chiến đấu dũng cảm bằng ngòi bút dám nói lên sự thật của cuộc sống.

Mặt trái của tấm huân chương, hoa hồng cũng lắm chông gai của nghề báo. Xin chúc cho những anh chị đã và đang công tác trong ngành Báo chí luôn thẳng ngòi bút đem đến cho độc giả những thông tin thời sự, sự kiện, bình luận, diễn đàn..., đưa đến độc giả những bài báo phản ánh chân thực các vấn đề đời sống, văn hóa, xã hội, những câu chuyện truyền cảm hứng và những tấm gương đáng tôn vinh, những món ăn tinh thần nhân văn, nhân ái không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua 98 năm hình thành phát triển (21.6.1925 - 21.6.2023)!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn