MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh trong bộ phim “Tấm Cám chuyện chưa kể”.

Khi Tấm Cám không còn là cổ tích

HÀ QUANG MINH LDO | 21/08/2016 13:26
Khi Tấm Cám không còn là cổ tích, nghe câu đó, chắc hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến bộ phim “Tấm Cám” sẽ ra rạp vào cuối tuần này.

Đúng, đó là một bộ phim với cốt truyện được biến hoá từ câu chuyện cổ tích quen thuộc, với những tình tiết được thêm vào để giàu kịch tính hơn, phù hợp với thị hiếu điện ảnh hơn. Song, có một chi tiết khác nữa mà câu nhận định “không còn là cổ tích” kia muốn hướng đến. Đó chính là những khó khăn mà bộ phim ấy có thể gặp phải, những khó khăn khiến nhà sản xuất như ngồi trên đống lửa suốt thời gian qua sau khi đã đầu tư rất nhiều công của để hoàn thành sản phẩm tâm huyết của mình.

Số là “Tấm Cám” được đồn đoán có khả năng sẽ không được chiếu ở cụm rạp của CGV, cụm rạp sang trọng nhất Việt Nam, ăn khách nhất Việt Nam hiện nay. Cụm rạp ấy chiếm tới 40% thị phần điện ảnh chiếu rạp Việt Nam và một khi CGV từ chối chiếu, bộ phim cầm chắc phần lỗ.

Việc cạnh tranh giữa các cụm rạp - nhà phân phối phim điện ảnh vốn dĩ đã nóng lên suốt mấy năm qua nhưng vẫn chưa thể tìm được hướng giải quyết nào ổn thỏa bởi mỗi bên đều có cái lý của mình. Và trong tranh cãi miệt mài đó, ngoài cái lý riêng, CGV còn sở hữu một thứ khiến tất cả các đối thủ còn lại đều phải chịu lép vế. Đó là sức mạnh phân phối. Họ nắm 40% số rạp chiếu phim trên toàn quốc, con số áp đảo thực sự. Nó dẫn tới việc những đối thủ khác dù không ưa CGV đi nữa cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt bởi chẳng ai muốn đầu tư cho một bộ phim rồi sau đó nhận cái lắc đầu từ ông trùm chủ rạp.

Thực tế, mối quan hệ thương mại giữa chủ phim và chủ rạp phải được xây dựng trên tinh thần tự nguyện. Giả sử là chủ rạp, chúng ta hoàn toàn có quyền từ chối chiếu một bộ phim nào đó chỉ với lý do đơn giản là không thích. Nhưng khi quyền lực của ngành phát hành phim nằm trong tay ta, cái không thích của chúng ta có thể sẽ là hành vi lũng đoạn thị trường.

Một chủ phim khi mang phim đi chào và bị từ chối cũng phải coi đó là chuyện bình thường. Song, khi chủ phim nhận thức được lý do từ chối đến từ việc cạnh tranh trên thương trường theo kiểu cá lớn ép cá bé, cạnh tranh không sòng phẳng, tâm lý uất ức chắc chắn sẽ có. Nhiều nhà phân phối phim hiện nay như BHD hay Galaxy đều trong tâm trạng ức chế như thế suốt nhiều năm qua. Lực của họ không bằng CGV nên tiếng nói của họ không được tôn trọng. Và khi CGV chơi theo luật riêng của mình, tất nhiên BHD, Galaxy hay bất kỳ ai phải chịu thiệt là chuyện đương nhiên.

Thực tế ấy cần được giải quyết thế nào cho hợp lý với bối cảnh hiện nay? Thực chất, CGV là công ty con của CJ, một tập đoàn có chức năng phân phối phim điện ảnh. Việc vừa thực hiện phân phối phim (bán buôn) lại vừa thực hiện kinh doanh rạp (bán lẻ) đã khiến CJ CGV nắm lợi thế hoàn toàn khi họ có số lượng rạp lớn nhất cả nước. Phim của họ sẽ được ưu tiên phát hành ở rạp của họ còn phim của đối thủ thì còn phải đợi dài cổ. Nếu như đối thủ phân phối một phim không ở thời gian cao điểm, CGV dễ dàng đồng ý cho vào rạp của họ. Ngược lại, nếu đối thủ phân phối 1 phim đồng thời điểm với 1 phim khác mà CJ phân phối, kể cả phim ấy có hay đến cỡ nào, bom tấn đến cỡ nào, CGV vẫn có thể lắc đầu làm ngơ và khiến đối thủ cạnh tranh “lên bờ xuống ruộng”. Điều đó là vi phạm luật chống độc quyền một cách nghiêm trọng, nhưng có vỏ bọc được che giấu rất kín kẽ. Bởi vậy, tình trạng kể trên mới tồn tại quá lâu mà không có hướng giải quyết.

Cách duy nhất hiện nay là phải có can thiệp nhà nước, bằng quy định pháp luật cụ thể. Thậm chí, có thể phải có quy định cấm các công ty vừa hoạt động phân phối phim, vừa hoạt động điều hành cụm rạp. Sự cấm liên thông hệ thống như thế có lợi cho thị trường, có lợi cho cả người tiêu dùng và có lợi cho cả ngành công nghiệp điện ảnh.

“Tấm Cám chuyện chưa kể” có phải phim hấp dẫn hay không, điều đó còn chờ khán giả trả lời. Nhưng nó là một phim được đầu tư tử tế và nghiêm túc. Nếu một sản phẩm quốc nội được đầu tư tử tế và nghiêm túc lại không có cơ hội tốt nhất để tiếp cận khán giả, ai còn dám mạnh tay vào đầu tư nữa? Điện ảnh Việt vốn dĩ đã non yếu sẽ càng non yếu hơn vì chính nỗi sợ hãi như thế.

Vậy mà nghịch lý ấy vẫn tồn tại đến tận hôm nay mà những cơ quan nhà nước quản lý ngành điện ảnh vẫn không hề nhận thấy, hoặc cố tình lờ đi sự bất cập của nó. Điều đó cũng đáng để ngạc nhiên lắm chứ, nhất là khi chúng ta vẫn kêu gọi xây dựng một ngành công nghiệp điện ảnh Việt lớn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn