MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các trường đại học, cao đẳng Trung Quốc đang phải đối diện áp lực nặng nề về vấn đề việc làm cho sinh viên mới ra trường. Ảnh: AFP

Khi thầy và trò cùng đối diện áp lực việc làm

anh vũ LDO | 13/08/2023 07:36

Từ những bài phát biểu hướng tới ước mơ, sinh viên Trung Quốc hiện được khuyên không nên quá kén chọn khi chọn công việc.

Lễ bế giảng năm nay của trường Cao đẳng Khoa học và Công nghệ Thành phố Trùng Khánh ở tây nam Trung Quốc đã thiếu vắng những thông điệp cao cả, nhấn mạnh tới việc theo đuổi ước mơ như thường lệ. Thay vào đó, những người trẻ tuổi

này đã phải đối mặt với một thực tế phũ phàng hơn.

“Đừng nên đặt mục tiêu quá cao hoặc kén chọn công việc”, ông Huang Zongming - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Khoa học và Công nghệ Thành phố Trùng Khánh, phát biểu trước hơn 9.000 sinh viên mới tốt nghiệp vào tháng 6. “Các cơ hội chỉ là thoáng qua”, ông nhấn mạnh thêm.

Số lượng kỷ lục sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc đang gia nhập thị trường lao động đang làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu việc làm của một thị trường vốn đã ảm đạm, theo The New York Times.

Sự gia nhập của những “tân binh” này khiến một trong những vấn đề nan giải nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên sâu sắc hơn. Hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi ở khu vực thành thị của Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6 vừa qua. Con số này đã tăng thêm trong tháng 7, sau khi làn sóng sinh viên tốt nghiệp tiếp theo chính thức ra trường và tìm việc làm.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề, và một trong những giải pháp được đưa ra là dựa vào các trường đại học, yêu cầu họ phải hành động để tìm việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp. Hiệu suất công việc của các nhà quản lý trường học đã được gắn liền với tỉ lệ sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Giờ đây, các trường đang được khuyến khích cho người đến thăm các công ty để khai thác cơ hội cho sinh viên sắp tốt nghiệp. Trong một số trường hợp, sự giám sát này chặt chẽ đến mức sinh viên phải bịa ra những lời mời làm việc giả để xoa dịu nhà trường.

Ảnh hưởng của nền kinh tế

Trong ba thập kỷ qua, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển vượt bậc, số lượng người theo học đại học, coi đó là con đường dẫn đến sự nghiệp đầy hứa hẹn đang ngày một tăng.

Một báo cáo từ Diễn đàn kinh tế vĩ mô Trung Quốc được đưa ra vào tháng 6 năm nay cho thấy, vấn đề thanh niên thất nghiệp có thể sẽ không giảm trong một thập kỷ tới, mang lại những hậu quả tiềm ẩn lớn hơn cho giới lãnh đạo đất nước trong tương lai. “Nếu không được xử lý đúng cách, nó sẽ gây ra các vấn đề xã hội khác ngoài nền kinh tế, và thậm chí có thể châm ngòi cho các vấn đề chính trị”, báo cáo cho biết.

Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua. Lý do cho vấn đề này được cho là do ảnh hưởng của biến động kinh tế đến từ các biện pháp “không COVID” của Bắc Kinh, khiến các công ty cảnh giác trong việc tuyển dụng nhân sự. Bên cạnh đó, sự giám sát chặt chẽ hơn của Trung Quốc đã ảnh hưởng tới những lĩnh vực mà giới trẻ yêu thích, những ngành từng sôi động như giáo dục trực tuyến, công nghệ và bất động sản.

Áp lực dành cho các trường đại học

Khi giáo dục đại học trở thành một lựa chọn dễ dàng, đã có những khoảng cách giữa công việc mà người trẻ muốn với những gì họ có. The New York Times cho biết, nền kinh tế Trung Quốc gần đây đã không tạo ra đủ việc làm lương cao mà nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đang tìm kiếm, gia tăng sự cạnh tranh cho những vai trò hấp dẫn nhất.

Sau khi tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể trong quý II năm nay, Bắc Kinh đã công bố gói sáng kiến chính sách và biện pháp hỗ trợ để khuyến khích các công ty tư nhân tạo thêm việc làm cho thị trường lao động. Trong một báo cáo về tình trạng thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc, Goldman Sachs cho biết những người trẻ tuổi đặc biệt dễ bị mất việc làm hoặc không được tuyển dụng trong thời kỳ suy thoái kinh tế do có ít kinh nghiệm làm việc.

Vào tháng 6, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã yêu cầu các trường học và quan chức địa phương giúp sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm “với tinh thần trách nhiệm và khẩn cấp”. Tại tỉnh Hồ Nam, sở giáo dục gần đây đã đưa ra thông báo yêu cầu các trường phải giải trình nếu có hơn 20% sinh viên tốt nghiệp làm công việc bán thời gian hoặc trở thành lao động tự do thay vì công việc toàn thời gian. Các trường đại học tại tỉnh Tứ Xuyên thậm chí sẽ xem xét hủy bỏ các chuyên ngành có tỉ lệ việc làm thấp trong hai năm liên tiếp.

Các nhà quản lý đại học giờ đây phải chịu áp lực hoàn thành các nhiệm vụ tuyển dụng từ chính phủ. Emma Zhu, cố vấn nghề nghiệp tại một trường cao đẳng ở tỉnh Chiết Giang, cho biết: “Các trường nhận được chỉ tiêu và họ phải ép nhân viên thực hiện chỉ tiêu đó”.

Theo Stella Xu, cố vấn nghề nghiệp tại một trường cao đẳng ở tỉnh Hồ Bắc, nơi cô làm việc có bảng xếp hạng tỉ lệ việc làm của từng cố vấn và yêu cầu họ cung cấp thông tin cập nhật về vị trí công việc của sinh viên mới ra trường tại mỗi cuộc họp hàng tháng. Việc này thực sự áp lực vì khi đến thăm các công ty tuyển dụng, cô phải cố gắng thuyết phục họ nhận nhiều sinh viên mới tốt nghiệp hơn mức họ đang tìm kiếm. “Ngày nào tôi cũng rất băn khoăn về việc tại sao một số sinh viên chưa được tuyển dụng”, cô nói.

Khi chiến dịch gây áp lực lên các trường đại học gia tăng, sinh viên và ban giám hiệu đang phải chuyển sang các biện pháp cực đoan hơn để hoàn thành chỉ tiêu được giao. Thậm chí, đã có những người rao bán giấy mời làm việc giả từ một công ty sản xuất có đóng dấu công ty và số đăng ký trên các sàn thương mại điện tử. Cùng với việc cung cấp bản cứng, người bán hàng cũng sẽ trả lời các cuộc gọi xác nhận từ trường học hoặc sở giáo dục địa phương.

Số lượng sinh viên đăng ký vào các trường cao đẳng và đại học tại quốc gia tỉ dân đã tăng lên 10,1 triệu người vào năm 2022. 30 năm trước, vào năm 1992, con số này chỉ đạt mức 754.000 người, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Ước tính, lứa sinh viên tốt nghiệp năm nay tại Trung Quốc là 11,6 triệu sinh viên, được dự đoán là lớn nhất từ trước đến nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn