MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều dự án bất động sản đã hình thành, nhưng cảnh quan thiên nhiên ven sông Cổ Cò hiện rất hoang sơ, thân thiện. Ảnh: T.H

Khơi thông, nối lại dòng sông lịch sử chảy từ Nam ra Bắc

Thanh Hải LDO | 17/01/2021 09:19
Sau nhiều thập niên khởi sự ý tưởng nạo vét sông Cổ Cò, đến nay, TP.Đà Nẵng và Quảng Nam mới thật sự bắt tay, triển khai dự án liên kết vùng mang nhiều ý nghĩa này. Chỉ với hơn 1.700 tỉ đồng nhưng dự án khơi thông sông Cổ Cò lại được đánh giá là đột phá phát triển kinh tế, xã hội cho cả 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng, đồng thời "khơi thông" dòng chảy lịch sử vốn là đã góp phần làm hưng thịnh cảng thị Hội An, Tourane (tên của Đà Nẵng xưa) nhiều thế kỷ trước...

Hưng thịnh nhờ cận giang

Sông Cổ Cò dài hơn 25km, chạy song song bờ biển và nối từ sông Hàn, TP.Đà Nẵng với sông Thu Bồn ở TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) vốn là tuyến giao thông thủy quan trọng kết nối giao thương giữa 2 cảng thị lớn là Hội An và Đà Nẵng trong nhiều trăm năm, từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX. Do biến đổi thiên nhiên, con sông này bị bồi lấp.

Khác hẳn với những con sông ở miền Trung là thường chảy hướng từ tây sang đông, từ thượng nguồn núi cao ra biển - Cổ Cò lại chảy chủ lưu hướng từ Nam ra Bắc, nối thông giữa 2 dòng sông Thu Bồn và sông Hàn. Chính vì vậy, Cổ Cò được xem là "dòng sông lười", lưu lượng dòng chảy không cao, chế độ thủy lưu phụ thuộc vào mưa lũ trên các sông và thủy triều. Đây là lý do mà dòng sông này bị bồi lấp qua biến đổi của thời gian. Nhưng đồng thời cũng ưu điểm là không gây ra lũ lụt, sạt lở mà tạo nên sinh cảnh bình yên hai bên bờ.

Trong lịch sử, sông Cổ Cò từng là trục giao thông chính, hình thành thương cảng Hội An, Tourane (Đà Nẵng cũ). Hàng hóa khắp nơi trên thế giới về thương cảng Hội An sẽ theo chính dòng sông này để giao thương với Đà Nẵng và ngược lại, bởi thời điểm đó giao thông bộ chưa phát triển. Chính các dòng sông như Thu Bồn, sông Hàn, Trường Giang và Cổ Cò đã tạo thương cảng Hội An sầm uất như vậy.

Bây giờ, giao thông thủy bộ, hàng không đều phát triển, nhưng nếu được khơi thông, "dòng sông lười" - Cổ Cò chạy song song, sát bờ biển sẽ tạo ra nhiều giá trị cả về cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa và đô thị sinh thái. Đặc biệt, sẽ "khơi thông" lại dòng chảy văn hóa, lịch sử vốn một thời hưng thịnh, vàng son.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Trí Thanh - khẳng định, dự án khơi thông sông Cổ Cò không chỉ là đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng, tạo giá trị gia tăng cho bất động sản mà còn có ý nghĩa lớn hơn đó là phục hồi lại giá trị lịch sử, văn hóa vốn có của dòng sông. Con sông nối thành phố trẻ, năng động là Đà Nẵng và đô thị cổ - Di sản văn hóa thế giới Hội An còn là một gạch nối giữa quá khứ - hiện tại, với tương lai, là công trình liên kết mang tính lịch sử giữa 2 địa phương, vượt qua tư duy nhiệm kỳ.

Ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh: "Giá trị đất đai, bất động sản là vô tận. Vấn đề là chúng ta quản lý, quy hoạch, sử dụng như thế nào để nâng giá trị gia tăng của đất. Nếu phân lô bán nền thì chỉ khai thác được một lần. Vấn đề là làm sao tạo ra được cảnh quan môi trường, không gian sinh thái, phát huy giá trị văn hóa và hình thành, duy trì được các hoạt động sản xuất kinh doanh cho cả cư dân mới mà quan trọng".

Ông Thanh cho hay, hiện Đà Nẵng và Quảng Nam đã thành lập ban điều phối để cùng nghiên cứu, triển khai dự án này.

Nhiều dự án bất động sản đã hình thành, nhưng cảnh quan thiên nhiên ven sông Cổ Cò hiện rất hoang sơ, thân thiện. Ảnh: T.H

Sẽ là con sông đẹp nhất Việt Nam

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam - ông Ngô Ngọc Hùng - cho biết, cả tuyến ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến Hội An được thiết kế là “chuỗi công viên văn hóa - lịch sử - sinh thái Quảng Nam” với 5 khu công viên có tổng diện tích khoảng 408ha. Trong đó, có công viên di sản, làng nghề, công viên thiên đường xanh, công viên làng rau Trà Quế, công viên hoa và công viên rừng dừa nước 7 mẫu. Tuyến ven biển sẽ được tổ chức 12 không gian công viên cây xanh hướng biển với tổng diện tích khoảng 128ha, trong đó có: Bãi tắm Viêm Đông, Hà My, cụm công viên biển Hội An.

Còn GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) - cho rằng, khi sông Cổ Cò khơi thông sẽ tạo ra giá trị bất động sản rất đặc biệt, nhất là khi dọc bờ biển miền Trung gần như đã bị lấp đầy các dự án.

Theo GS Võ, bài học đổi đất lấy hạ tầng mà Đà Nẵng từng thành công, biến vùng đất ven biển thành khu phố Đông hiện đại bên kia sông Hàn cần được học hỏi ở dự án này. Cần kêu gọi, tận dụng nguồn lực của các nhà đầu tư bất động sản để nâng cao giá trị gia tăng của đất, tái đầu tư cho cảnh quan, môi trường và cơ sở hạ tầng.

Ngược lại, ông Nguyễn Sự - nguyên lãnh đạo TP.Hội An - cho rằng, việc khơi thông sông Cổ Cò nhằm phát triển kinh tế xã hội của cả vùng rộng lớn, vì đời sống người dân chứ không nên nhìn ngắn hạn ở chỗ nâng cao giá trị bất động sản - vốn chỉ có lợi trước mắt và chỉ một nhóm các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Với nguồn vốn 1.700 tỉ đồng là nhiều trong bối cảnh còn khó khăn, nhưng không quá cao mà phải huy động quá nhiều nhà đầu tư bất động sản để đánh đổi những cánh đồng hoa, rau, ruộng nương và cư dân sống gắn bó lâu đời ven dòng sông này. Vì vậy, cần có nghiên cứu, quy hoạch vì sự phát triển bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn