MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà bia ghi thân thế sự nghiệp danh nhân. Ảnh: Đặng Việt Tường.

Khu di tích Nguyễn Công Trứ, điểm trải nghiệm ca trù

Đặng Viết Tường LDO | 19/11/2023 12:18

Khu di tích Dinh điền sứ Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, có không gian văn hóa hấp dẫn du khách tham quan. Khu di tích có khoảng cách trung tâm thành phố Vinh 10km, theo đường biển cách thành phố Hà Tĩnh 45km, cách huyện lỵ Nghi Xuân 200m về phía Nam. Khu di tích đang bảo tồn nhiều Di sản Văn hóa vật thể và phi vật thể: Nhà thờ, bia đá, nhà hát ca trù, khu lăng mộ cùng hoạt động sinh hoạt diễn xướng của Câu lạc bộ ca trù Nguyễn Công Trứ.

Khu đền thờ:

Trong bài “Khu Di tích Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ” in trong sách “Nghi Xuân -Di tích và danh thắng” (Nxb Đại học Vinh 2021), ghi chép Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) khi nhỏ tên là Củng, tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn; nơi sinh huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Ông là một người kiệt xuất trong lịch sử, có đầy đủ phẩm chất của người sáng tạo lịch sử: “Ông đã tạo dựng nên huyện Tiền Hải với 18.970 mẫu ruộng, 2.350 đinh; huyện Kim Sơn với 14.600 mẫu ruộng, 1.260 đinh và tổng Hoành Thu (Giao Thủy - Nam Định), Ninh Nhất (Nam Trực - Nam Định) với 4.200 mẫu ruộng, tất cả đồng điền có quy hoạch thủy nông hoàn chỉnh. Đó là công lao của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ” (Nghi Xuân Di tích và danh thắng. tr.63).

Đền đáp công đức tạo nghiệp, lập ra 2 huyện duyên hải vùng Đông Bắc, năm 1868 nhân dân các huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) cùng con cháu họ Nguyễn Công xây dựng đền thờ và khu mộ tại nhà cũ ông sống khi về trí sĩ những năm cuối đời. Biến động thời gian làm các hạng mục di sản Khu di tích xuống cấp. Năm 1990, Khu di tích đền thờ và mộ Nguyễn Công Trứ được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Trước đây khuôn viên khu Di tích có 2.000m2, vào năm 2008 được mở rộng diện tích với hệ thống tường bao quanh có trang trí xuyên hoa xanh ngọc bích khang trang. Cổng đền có 4 trụ nanh cao to, đỉnh trụ đặt đôi nghê chầu, thân trụ có 2 cặp câu đối ghi công lao, sự nghiệp của danh nhân. Tường đắp phù điêu đôi ngựa hồng. Đền thờ xưa có 3 gian, hướng nam, làm bằng chất liệu gỗ lim, mặt trước và đốc xây gạch kín, mái lợp ngói vảy. Năm 2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho tu bổ, tôn tạo, dỡ bỏ đền cũ, vẫn lấy chất liệu gỗ lim làm nhà nhưng kết cấu theo kiểu tàu mái, đầu đao uốn cong vút, mái lợp ngói mũi hài.

Đền thờ được tôn tạo lần này có cấu trúc tứ trụ, 3 gian 2 chái với 4 hàng trụ tròn bằng gỗ lim, mỗi hàng có 4 trụ. Các trụ góc, trụ giữa, 2 mặt khắc một câu đối như: “Ngọc Mão, Vân Trung phùng đại thụ/ Kim Sơn, Tiền Hải thiện cam đường”. Nghĩa là: “Ngọc Mão, Vân Trung láp lánh đưa vào cây đại thụ/ Kim Sơn, Tiền Hải ngọt ngào nhớ người xưa”. Có ý nghĩa ghi lại công lao khai hoang lấn biển, mở đất lập làng khi làm Dinh điền sứ ở Ninh Bình, Thái Bình; và chiến tích đánh dẹp phản loạn Nông Văn Vân ở Cao Bằng, Tuyên Quang thời vua Minh Mệnh.

Nằm trên khoảng hình cung chắn mái, khoảng cách đều nhau từ trái sang phải được đắp đầu đao cong vút. Bờ nóc đền thờ có lưỡng long chầu nguyệt. Cửa ra vào kết cấu thượng song hạ bản. Sàn đền lát bằng gạch Bát Tràng, hiên lát đá cẩm thạch. Ngoài sân có bàn đá được chạm khắc hổ phù tinh tế cả bốn mặt. Bên trên có bức hoành phi với hàng chữ Hán: “Quân danh nghiệp đỉnh”(Danh tiếng ở đỉnh cao nhất). Và bức sơn dầu thể hiện chân dung Nguyễn Công Trứ quắc thước, thông minh, cương trực và phúc hậu được trân trọng treo chính giữa. Dưới ảnh có đề dòng chữ: “Dinh bình hầu tướng công”. Trên hương án có thờ tượng đồng hiện thân danh nhân Nguyễn Công Trứ.

Khu lăng mộ:

Năm 1848, Nguyễn Công Trứ xin về nghỉ dưỡng ở quê nhà làng Uy Viễn. Theo văn bia dựng tại đền thờ chép, ông thường ở căn nhà dựng bên chân núi Nài, cạnh chùa Cảm Sơn (thành phố Hà Tĩnh). Khi gần 80 tuổi mới trở về làng Uy Viễn, tu sửa lại nhà ở trên mảnh vườn tu nghiệp, sau này là khu lăng mộ Nguyễn Công Trứ. Tương truyền vị trí mộ hiện nay là nơi khi còn sống ông đặt giường nằm, lúc gần tắt thở ông trăng trối: “ Con cháu ta còn nghèo, khi ta qua đời không phải làm đình đám gì cả, nhấc cái nhà này sang một bên và hạ huyệt đúng chổ gường ta nằm. Xong công việc trồng cho ta một cây thông cạnh mộ là được”. Con cháu thực hiện lời trăn trối lúc cụ lâm chung.

Khu lăng mộ đặt hướng nam. Mộ táng hình chữ nhật, phần trên vát mái vòm. Văn bia mộ ghi: “Mộ Nguyễn công, nguyên chức Kinh doãn, trí sĩ truy phong tước Thọ Tường tử. Tháng xuân, năm Khải Định 2 (1917). Con cháu hội họp cùng kính cẩn xây dựng”. (Văn bia Hà Tĩnh. tr.306). Năm 1993 phòng Văn hóa Thông tin huyện Nghi Xuân tôn tạo vẫn giữ nguyên vị trí cũ. Năm 2008, khu mộ được tu bổ, tôn tạo lại khang trang, xứng với công lao đóng góp của ông trong lịch sử dân tộc. Khuôn viên được mở rộng diện tích khoảng 3.000m2. Cửa khu mộ được xây 4 trụ, hai trụ giữa trên gắn bầu rượu. Vườn mộ, đền thờ được trồng nhiều cây xanh như thông, đại, phượng, tùng, hoa lá tạo cảnh môi trường sinh thái hấp dẫn vẫy gọi, đón chào du khách gần xa.

Nhà bia và hát ca trù:

Bên trái phía Đông đền thờ có nhà bia, ghép bằng đá đen, bia 4 mặt, 2 mặt khắc chữ Hán và chữ Quốc ngữ (tiếng Việt) để giới thiệu công lao, sự nghiệp của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ. Bia “Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858)” đặt trong nhà bia. Bia hình trụ khối tứ giác: đế bia, thân bia và chóp bia. Nhà mái lợp ngói mũi hài. Nội dung văn bia ghi về thân thế sự nghiệp Nguyễn Công Trứ: “Nổi tiếng thông minh, khí khái từ nhỏ. Nhưng nhà nghèo lận đận trong chốn trường thi. Đến năm Kỷ Mão (1819) lúc 42 tuổi, ông mới đỗ giải nguyên.

Trải qua các chức quan từ Hành tẩu, Biện tu, tri huyện, Lang trung đến Tư nghiệp Quốc tử giám, Tham biện, Hữu Tham tri, Dinh điền sứ. Dẹp xong loạn ở Trà Lý, Bảo Lạc được thăng Tổng đốc, Thượng thư, Tả Đô ngự sử, Tham tán đại thần. Nhưng ông cũng nhiều lần bị giáng truất đột ngột. Thị lang xuống tri huyện ở kinh, Tham tri xuống Lang trung, Tham tán xuống lính thú. Phủ doãn phủ Thừa Thiên là chức quan cuối cùng”.

Khu di tích Nguyễn Công Trứ, nơi lưu giữ, trải nghiệm nghệ thuật ca trù được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ. (Trong ảnh: Câu lạc bộ ca trù Nguyễn Công Trứ đàn ca tại khu di tích). Ảnh: Thiện Chân.

Bên phải phía tây đền thờ danh nhân là nhà hát ca trù thiết kế theo lối trồng diêm, có sân khấu hát ca trù mỗi khi huyện tổ chức lễ hội giỗ danh nhân. Nhà hát ca trù ở di tích Nguyễn Công Trứ là nơi lưu giữ di sản hát nói, các làn điệu ca trù được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Là điểm các nghệ nhân ca trù biểu diễn phục vụ du khách thăm quan trải nghiệm, học hát các làn điệu hát nói, ca trù do các nghệ nhân truyền dạy. Nơi các bạn học sinh các trường học yêu thích nghệ thuật diễn xướng này.

Danh nhân là một nhà thơ lớn, với sáng tác trên 1.000 bài thơ. Nay mới sưu tầm được 150 bài. Tiêu biểu nhất là những bài hát nói mang phong cách riêng của thi sĩ. Sinh thời thư sinh, thi sĩ Nguyễn Công Trứ vốn là kép đàn, tác giả viết bài hát ca trù cho các gánh hát ở Giáo phường ty ca trù Cổ Đạm. Ở khu di tích hiện nay, Ban quản lý di tích duy trì hoạt động để bảo tồn di sản hát nói ông để lại. Câu lạc bộ ca trù Nguyễn Công Trứ thường sinh hoạt diễn xướng đàn hát vào chiều thứ 3, thứ 5 mỗi tuần. Ngoài ra khi có hẹn của các đoàn du khách tham quan di tích, câu lạc bộ ca trù nhiệt tình sẵn sàng phục vụ. Khu di tích là địa chỉ trải nghiệm, nghe, học tập, học hát ca trù của học sinh các trường trung học phổ thông Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ và các trường trung học cơ sở, tiểu học ở địa phương Nghi Xuân, Hà Tĩnh và mọi miền đất nước.

Hàng năm, vào ngày 14.11 Âm lịch, lễ hội ngày giỗ danh nhân ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh được tổ chức long trọng. Những năm gần đây ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh nâng cấp lễ hội giỗ thành Tuần Văn hóa Du lịch Nguyễn Công Trứ. Cứ 5 năm tổ chức một lần vào các năm 2018, 2023...

Tại Tuần Văn hóa thường diễn ra các hoạt động quảng bá các giá trị di sản Văn hóa lịch sử, phát động cuộc thi tìm hiểu những vấn đề liên quan đến thân thế sự nghiệp của danh nhân; xuất bản các tác phẩm hát nói, thơ văn của Nguyễn Công Trứ; tổ chức các hoạt động diễn xướng ca trù, trò Kiều và thi hát dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, để phát huy các giá trị Văn hóa.

Tuần Văn hóa năm nay, chính lễ giỗ 14.11 Âm lịch (26.12.2023) theo lễ nghi truyền thống địa phương. Phần hội ngoài các hoạt động nói trên, tổ chức trước ngày lễ chính vào 13.11 Âm lịch, ban ngày tổ chức cuộc thi chạy dân ca ví giặm trên tỉnh lộ 22.12 (trước cửa đền thờ). Ban đêm diễn chương trình nghệ thuật tại quảng trường Nguyễn Du thuộc thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn