MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khung cửa tư pháp: Hơn cả tên một con đường

LUẬT SƯ PHAN TRUNG HOÀI LDO | 31/07/2016 11:05
Bẵng đi gần nửa năm không thấy bà Trần Ngọc Sương gọi điện thoại, tôi định bụng lúc nào gặp bà để dặn vì tuổi tác đã cao, đừng lặn lội lao vào thương trường làm gì cho mệt. Tôi biết tính khí của bà không ngồi yên một chỗ, động tay động chân luôn.

Dạo trước vừa thấy bà đi xe ôm đến nhà tôi hỏi thăm chút chuyện về pháp lý thành lập doanh nghiệp đóng hộp rau củ quả Sông Hậu ở Vĩnh Long, ngày sau đã thấy đi khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Càng nghĩ càng thương bà Ba Sương, nghe đâu chỗ ở thuê trên TP. Hồ Chí Minh người ta đòi lại, còn căn nhà trước đây dự kiến được mua chỉ định không biết thủ tục đến đâu. Năm hết Tết đến, bao giờ cuộc gọi chúc năm mới đầu tiên cũng là của bà, lại thêm mấy bịch gạo đặc sản miệt sông Hậu, ít dưa mắm, kẹo trái cây làm quà Tết cho tôi, còn hơn cả tình ruột thịt…

Mà cũng lạ, bữa xuống Cần Thơ giới thiệu chuyên đề truy cứu hình sự của pháp nhân cho các doanh nghiệp tham gia chương trình hội nhập quốc tế IBA, chợt nghĩ thầm bữa nào ghé thăm ngôi mộ của ông Năm Hoằng nằm sát con đường rẽ vào Nông trường Sông Hậu, từ quốc lộ 91 đến giáp ranh xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ. Nay con đường đó được Hội đồng nhân dân tỉnh Cần Thơ họp và quyết định đặt tên là đường Trần Ngọc Hoằng vào cuối tuần qua. Quyết định này dường như đã xoá đi những ký ức buồn đau của một người phụ nữ cô đơn trong hành trình đi tìm kiếm công lý, với quá khứ hào hùng của người cha đè nặng trên vai. Nhấc máy điện thoại cho bà Ba Sương, tôi hỏi bà tâm trạng thế nào khi nghe tin này? Bà bảo vui lắm, chuyện thủ tục cũng xúc tiến lâu rồi, bà có về Cần Thơ để kê khai lai lịch và thành tích của ông Năm để đặt tên đường, cùng với việc đặt tên ông cho Trường Trung học phổ thông nông trường vào năm 2001.

 

Tác giả với bà Trần Ngọc Sương trong một lần làm việc tại Văn phòng luật sư năm 2011
(Ảnh tư liệu cá nhân).

Sinh năm 1925, ông Năm Hoằng tham gia cách mạng từ những năm 1944, được kết nạp Đảng năm 1945, đến năm 1975 mang quân hàm thiếu tá, giữ chức Chính ủy Trường Quân chính Quân khu 9. Một năm sau ông chuyển ngành về làm Phó Ty Nông nghiệp Hậu Giang (nay là TP. Cần Thơ). Tháng 4.1979, ông tình nguyện xây dựng nông trường và làm Giám đốc Nông trường Sông Hậu, kiêm Giám đốc Nông trường 30 tháng 4 (Sóc Trăng). Nông trường Sông Hậu do ông xây dựng từ vùng đất hoang hóa đã trở thành đơn vị hai lần đạt Anh hùng Lao động (năm 1985 và 1999). Sau khi ông qua đời vào năm 2000, con ông là bà Trần Ngọc Sương tiếp nối làm Giám đốc Nông trường, cũng được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động và đã trải qua nhiều giai đoạn cam go, thậm chí bị vướng vào vòng tố tụng gây tranh cãi gần mười năm trước mà tôi có dịp trợ giúp với tư cách là người bào chữa.

Tôi nghe điện thoại mà hình dung giọng bà đang cười mà sao không thoát ra được, thành ra nói chuyện được ít phút thì tôi không dám hỏi thăm nữa. Biết bà là người sống tình cảm, cứ để yên cho bà tự điều chỉnh lấy tâm trạng, chứ bệnh tiểu đường, huyết áp, xúc động quá không nên. Bốn năm đã qua kể từ ngày mọi hoạt động tố tụng đối với bà được chấm dứt bằng quyết định đình chỉ vụ án và bị can. Đó cũng là khoảng thời gian tôi biết bà đang cố lấp đầy những thấp thỏm đớn đau, vật vã, xoá đi vết tích những con đường in dấu một người phụ nữ bé nhỏ cứ ngày một thấp dần, le lói thắp lên ngọn lửa từ ánh chớp đêm trên sông Hậu mùa nước nổi...

Có lẽ, chiếc biển chỉ tên đường nhỏ nhoi nằm ở một góc khuất nào đó sẽ là chứng nhân cho những bước chân hoài niệm, sẽ kể về lịch sử thăng trầm của một nông trường hình thành trong giai đoạn chuyển đổi từ quan niệm đến chính sách, luật pháp về quản lý kinh tế, nhất là về đất đai, nông nghiệp của đất nước ta. Từ Ngân sách Nhà nước đầu tư rất ít (chừng 40 triệu đồng), gia đình ông Năm Hoằng đã cùng biết bao công sức của bà con nông dân, biến một vùng bãi đất lầy lội, cỏ hoang mọc lan tràn thành những thửa ruộng mênh mông. Nông trường đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ lên công nghiệp hiện đại để trở thành một mô hình nông trường quốc doanh được coi là tốt nhất trên cả nước thời bấy giờ. Đó còn là lịch sử của cả một gia đình sẽ còn in dấu trong tâm trí nhiều người nông dân chân lấm tay bùn của Nông trường Sông Hậu.

Tôi có đọc ở đâu đó về các trường phái nghệ thuật hiện đại, khi có những họa sĩ theo trường phái Ấn tượng không trực tiếp mô tả vạn vật mà chỉ nhìn thấy ánh sáng do thế giới xung quanh hắt lại. Hay các họa sĩ theo trường phái Siêu thực vẽ những cảnh phi lý xảy ra trong mơ, những hình thù siêu tưởng hoặc tìm cách tách hình ảnh ra khỏi ý nghĩa của chúng. Tôi không phải là một hoạ sĩ, nhưng con đường mang tên ông Năm Hoàng có lẽ không còn là một con đường nguyên nghĩa, đó chính là biểu trưng kết nối quá khứ với hiện tại, tích tụ vinh quang và tủi nhục của một gia đình họ Trần. Tự nhiên tôi nhớ quá bữa cơm với canh chua, cá kho tộ trong một buổi trưa cùng bà chờ đến giờ hỏi cung của Cơ quan điều tra Công an TP. Cần Thơ. Có gì đó nghèn nghẹn trong cổ họng, hình dung khoé mắt bà chợt tràn ra những giọt đắng ngày nào…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn