MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với thiết kế ba tầng hình nón cụt chồng lên nhau, đỉnh đàn tế ở tầng trên cùng có bề mặt bằng phẳng. Ảnh: K.T

Kiếm tìm nguyên gốc Bân Sơn

Sa Linh LDO | 10/07/2022 07:58
Dù được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia cách đây gần 35 năm nhưng giới chuyên gia khảo cổ vẫn chưa xác định được chính xác quy mô và tính chất, niên đại của di tích Bân Sơn (núi Bân), di tích hiếm hoi còn lại, gắn liền với vương triều Tây Sơn, với kinh đô Phú Xuân và với Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ trên đất Huế.

Đi tìm kết cấu nguyên gốc

Trong một động thái thu hút sự chú ý của giới chuyên gia khảo cổ và đông đảo người dân quan tâm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vừa phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức khai quật khảo cổ tại di tích Núi Bân, thuộc xứ Cồn Mồ, xóm Hành, thôn Tứ Tây, phường An Tây, thành phố Huế.

Cuộc khai quật này sở dĩ gây nhiều chú ý là bởi đây là di tích hiếm hoi còn lại, gắn liền với vương triều Tây Sơn, với kinh đô Phú Xuân và với Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ trên đất Huế. Các thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng cho hay theo sử sách, núi Bân là nơi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ gấp rút cho lập đàn (đàn Nam Giao Tây Sơn) để làm lễ tế cáo trời, lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung và xuất quân ra Bắc Hà đánh quân Thanh xâm lược vào ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày 22 tháng 12 năm 1788).

Hơn nữa dù di tích này sớm được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1988 và trải qua một đợt cải tạo, chỉnh trang lớn vào năm 2008 nhưng đến nay giới chuyên gia vẫn chưa xác định được chính xác quy mô và tính chất, niên đại của di tích. Do vậy, di tích Núi Bân cần được tiến hành nghiên cứu, thăm dò và khai quật khảo cổ để xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc, phục vụ hiệu quả cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. 

Chính vì vậy theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trong vòng 35 ngày, cơ quan này sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành khai quật di tích này trên diện tích khai quật 100 mét vuông. Nhiệm vụ chủ trì đợt khai quật này được giao cho ông Nguyễn Ngọc Chất - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

Đáng chú ý, toàn bộ hiện vật thu được trong quá trình khai quật sẽ được bản giao cho Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế lưu giữ, bảo quản và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia động thổ khai quật di tích Bân Sơn. Ảnh: BTLS

Gần gũi tên gọi Ba Tầng

Theo các nghiên cứu của 2 tác giả Phan Thuận An và Mai Khắc Ứng được Nhà xuất bản Thuận Hóa phát hành năm 1983, các thông tin và tư liệu về di tích Bân Sơn ngay từ sớm được xác định khá rõ ràng. 

Vào những ngày cuối năm 1788, sau khi nghe tin cấp báo có 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị dẫn đầu kéo sang xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ bấy giờ đang ở lại Phú Xuân liền tổ chức một cuộc hành quân ra Bắc tiêu diệt kẻ thù. Mở đầu cho kế hoạch ấy là việc lên ngôi Hoàng đế để kết chặt nhân tâm và cổ vũ các tướng sĩ. Về sự kiện lịch sử này, các sử quan của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại trong một câu văn vắn gọn: “Huệ bèn xây đàn ở phía nam núi Ngự Bình, lấy ngày 25 tháng 11, tự lập làm Hoàng đế, đổi niên hiệu là Quang Trung (tức là triều trung ương rực rỡ) dẫn tướng sĩ thủy bộ đều tiến” (sách Đại Nam chính biên liệt truyện).

Tuy nhiên về sự kiện lịch sử Nguyễn Huệ cho xây đàn ở Phú Xuân để tế trời đất mà lên ngôi Hoàng đế, nơi xây đàn đến nay có nhiều tên gọi rất khác nhau, người này gọi đó là Bân Sơn, người khác gọi là Bàn Sơn, có sách gọi là núi Sam, có tài liệu lại gọi đó là Hòn Thiên. Tuy nhiên, theo 2 tác giả Phan Thuận An và Mai Khắc Ứng, có một điều không ai chối cãi là, Nguyễn Huệ đã cho xây đàn tế trên một ngọn đồi, mà từ đó đến nay, nhân dân ở vùng Ngự Bình nói riêng và nhân dân Huế nói chung, gọi là “độn” Tầng hoặc núi Ba Tầng. Sở dĩ thế là vì phần trên của ngọn đồi ấy đã được xẻ ban, xây đắp thành ba tầng đất hình nón cụt chồng lên nhau. Ở thời điểm các nghiên cứu được xuất bản, dấu vết của ba tàng đất vẫn còn rất rõ. Một khi đã đến đây để quan sát, không còn ai nghi ngờ gì về vị trí hay địa điểm của đàn lễ ấy nữa.

Thực tế các khảo sát thực địa và sự đo đạc trên các bản đồ của tác giả Đỗ Bang trong "Đàn Nam giao Tây Sơn tại Huế" (xuất bản năm 1978) và cũng như của Vũ Minh trong "Bàn sơn nơi Quang Trung làm lễ xuất quân" (xuất bản năm 1979) cũng cho biết được một số chi tiết cụ thể về đàn tế trời Quang Trung.

Cụ thể núi Ba Tầng có cao độ là 41m, độ nghiêng khoảng 25° so với mặt đất, diện tích mặt bằng 80.956m2. Đấy là một ngọn đồi trọc, cấu tạo bằng sa phiến thạch. Núi nằm ở phía tây núi Ngự Bình, cách đỉnh núi ấy 620m, và cách thành Phú Xuân thời Quang Trung chừng 3.200m về phía Nam. Trong đó tầng thứ nhất, tức là tầng dưới cùng, cao 37m, chu vi 220m, bề rộng không đều nhau, ở phía bắc 19m, phía nam 16,8m, đông tây khoảng 12m; Tầng thứ hai cao l,65m, chu vi 122,5m, bề rộng không đều nhau, ở phía bắc 4,8m, phía nam 10,3m, đông tây khoảng 11,5m; Tầng thứ ba đắp thành một hình nón cụt rất tròn trịa và đều đặn, cao 1,20m, đường kính mặt bằng 18,60m và chu vi 52,70m. Mặt của tầng nằm trên đỉnh đồi này rất phẳng. Đây chính là nơi thiết ngự tọa cho Hoàng đế Quang Trung ngồi để làm lễ.

Các tầng nối với nhau bằng bốn con đường dốc thoai thoải để lên xuống tỏa ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Quanh dưới chân núi xưa kia là những bãi đất trống rất rộng và tương đối bằng phẳng có thể tập kết được hàng vạn binh sĩ cùng nhiều voi ngựa và đại pháo. Theo ghi nhận của 2 tác giả Phan Thuận An và Mai Khắc Ứng, đứng trên tầng cao nhất của ngọn đồi lịch sử này để nhìn ra khắp chung quanh có thể nhận thấy người xưa đã dùng mắt thẩm mỹ khéo chọn một vị trí bao bọc bởi núi đồi nằm kề tiếp nhau tạo thành một không gian bao la hoành tráng. Ngoại cảnh hùng vĩ uy nghiêm ấy chắc hẳn đã cùng với tiếng chiêng trống vang rền trong giờ phút thiêng liêng cao cả của buổi lễ làm nức lòng các tượng sĩ áo vải cờ đào.

Những gì còn lại

Cùng với di tích Bân Sơn (núi Bân), các di tích và di vật thời kỳ Tây Sơn trên đất Phú Xuân vẫn còn tồn tại trong thư tịch và trên thực tế. Các thông tin và tư liệu của UBND Thành phố Huế cho thấy trong hai thập niên trở lại đây, nhiều di vật quan trọng cũng được phát hiện ở nhiều địa điểm khác nhau ở Thừa Thiên Huế, đáng chú ý nhất là hai quả chuông đồng ở làng La Chữ (huyện Hương Trà) và làng Hạ Lang (huyện Quảng Ðiền) đều có khắc bài minh và danh sách hàng chục nhân vật thuộc hàng quan chức Tây Sơn.

Bên cạnh đó, một bức trướng thêu kinh Kim cương có niên hiệu thời Tây Sơn được bảo quản tại chùa Trúc Lâm (Thành phố Huế); hai tấm bia đá ghi dòng chữ "Hỗ hướng Tây Sơn khởi"; hai bia đá có nội dung liên quan đến nhân vật Phạm Công Trị (người đóng giả vua Quang Trung sang giao hảo với vua nhà Thanh); ngoài ra còn có hàng trăm trang tư liệu Hán Nôm (thủ bản) gồm sổ sách, giấy tờ hành chánh như địa bạ, đinh bạ, đơn trương, văn khế, khoán ước, chiếu biểu, truyền thị...được ban hành dưới thời Tây Sơn ghi niên hiệu Thái Ðức, Quang Trung, Cảnh Thịnh cung cấp thêm nhiều thông tin rất cần thiết và bổ ích về triều đại này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn