MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong tất cả các mô hình giữ gìn, kiến tạo hay mở rộng không gian an toàn cho trẻ, chúng ta đều thấy vai trò đồng hành, dẫn dắt của người lớn là rất quan trọng. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Kiến tạo không gian an toàn cho trẻ

Phạm Anh Xuân LDO | 28/05/2023 06:14
Sự xâm lấn của các hình thức tương tác ảo, sự thu hẹp của môi trường tự nhiên cộng đồng cùng nhiều nguy cơ và áp lực khác đã khiến không gian an toàn của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không kịp thời ngăn chặn, kiểm soát và dần kiến tạo, để trả lại cho trẻ em không gian an toàn thì người lớn thực sự có lỗi.

Vị trí của trẻ em

Chúng ta hãy dành thời gian để xem vị trí của trẻ em hiện nay đang ở đâu trên bản đồ không gian kinh tế, văn hóa và xã hội?

Trong thời hiện đại, âm thanh công nghiệp từ xe cộ, các thiệt bị điện tử như TV và điện thoại gần như đã thay thế hoàn toàn lời hát ru của bà, của mẹ.

Trước đây, trẻ em học một buổi với số lượng môn học và bài học ít hơn. Sau đó chúng sẽ được nghỉ để rong chơi, hoặc làm việc giúp gia đình trong mối quan hệ tương tác với thiên nhiên và bè bạn. Bây giờ, hầu hết trẻ em đến trường cả ngày với số lượng môn học và bài học nhiều hơn; đi kèm với đó là lượng bài tập cũng nhiều hơn. Và rồi thời gian và không gian dành cho rong chơi hoặc làm việc để phát triển các kỹ năng và tương tác với thiên nhiên ngày càng ít.

Cũng trước đây, những đứa trẻ có thể tự rủ nhau đi học và đi chơi. Chúng hầu như không hoặc rất ít bị đe dọa bởi các phương tiện giao thông, các tệ nạn xã hội và các rủi ro khác. Đặc biệt, không gian rong chơi của trẻ trước đây cũng rộng mở từ con đường, dãy phố cho đến cánh đồng, công viên, ao hồ, đồi nương... Bây giờ, không gian ấy bó hẹp, thậm chí thắt chặt hoặc biến mất.

Hệ lụy từ tác động tiêu cực này bộc lộ rất rõ trong cuộc sống hiện nay. Sự tương tác ảo đã đẩy trẻ từ thích đến đam mê - thậm chí là nghiện xem TV, điện thoại và trò chơi điện tử. Chúng cũng bị áp lực từ chuyện điểm số, học hành khi cả ngày đến trường và tối về làm bài tập - chưa kể áp lực học thêm.

Cuối cùng, gia đình và nhà trường buộc phải kiểm soát - thậm chí là hạn chế việc tự do phát triển các kỹ năng cá nhân tự thân của trẻ khiến chúng giảm đi cơ hội được tự do rong chơi, chạy nhảy, vui đùa, tương tác với thiên nhiên và tương tác giữa trẻ với trẻ. Thật khó để trẻ em bây giờ dám tự mang xe đạp ra đường để tập đạp xe hay tự rong chơi; những hồ bơi tự nhiên đã biến mất gần như hoàn toàn; ngay cả đến vỉa hè để trẻ có thể đi bộ cũng bị lấn chiếm, đến giấc ngủ của chúng cũng bị quấy rầy bởi ô nhiễm âm thanh và ô nhiễm ánh sáng.

Nói như vậy không có nghĩa chúng ta phủ nhận những giá trị và sự tiến bộ của thời hiện đại mang lại cho đời sống của trẻ em. Song, điều chúng ta cần là làm sao vừa phát huy những giá trị và sự tiến bộ; đồng thời kiểm soát và ngăn chặn những tác động tiêu cực đang có xu hướng “đánh cắp tuổi thơ” của trẻ.  

Vai trò của người lớn

Trẻ em có 2 nhiệm vụ quan trọng đó là phát triển thể lực và phát triển trí lực. Cùng với miếng ăn, giấc ngủ thì không gian an toàn để trẻ được tự do khám phá và phát triển kỹ năng cá nhân tự thân như chạy nhảy, leo trèo, bơi lội... có ý nghĩa đặc biệt. Đây chính là “chìa khóa vàng” và “giai đoạn vàng” để một đứa trẻ phát triển cơ thể và kỹ năng - thậm chí là thiên hướng sở trường và nghệ thuật.  

Và có thể nói rằng: Thể lực cùng kĩ năng cá nhân chính là nền tảng vững chắc để trẻ phát triển trí lực. Bởi rõ ràng, những đứa trẻ có sức khỏe tốt, việc duy trì mật độ và cường độ học tập sẽ vượt trội so với những đứa trẻ kém khỏe mạnh. Song, cần đặc biệt nhấn mạnh đến điểm hội tụ cực kì quan trọng giữa sự phát triển thể lực và trí lực đó là “sức khỏe tâm hồn” - đây là một trong những yếu tố góp phần định hình nhân cách. Và tôi tin rằng: Cùng với thể lực và trí lực thì “sức khỏe tâm hồn” của trẻ cần được nuôi dưỡng và phát triển trong một không gian an toàn lành mạnh.

Không gian an toàn để trẻ phát triển hoàn toàn không phải là giữ đứa trẻ ở nhà, đưa đứa trẻ đến trường rồi kiểm soát chúng trong môi trường tránh xa các rủi ro như tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước, tai nạn đến từ vận động, vui chơi và tương tác. Thay vào đó, không gian an toàn để trẻ phát triển cần được hiểu là môi trường mở, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Ở đó trẻ được tự do vận động và học tập theo năng lực cá nhân mà các rủi ro được người lớn kiểm soát từ nguyên nhân gốc rễ.

Trong thực tế, đã có những mô hình không gian an toàn như vậy được xây dựng và phát triển. Đó là mô hình “Tiếng trống học bài” ở nhiều xã tại huyện Ba Vì (Hà Nội) và Tân Sơn (Phú Thọ). Tại đây khi tiếng trống róng lên, cộng đồng hiểu rằng đã đến giờ tắt loa đài, giảm tiếng ồn để trẻ em tập trung học bài. Hay như mô hình “làm sạch ao”, “ngăn nước suối” thành bể bơi tự nhiên để dạy bơi cho trẻ ở nhiều xã thuộc huyện Hoài Đức (Hà Nội), huyện Chư Păh (Gia Lai) và huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị)... Cũng có những mô hình không cấm hoàn toàn, nhưng kiểm soát trẻ chơi điện tử, xem TV/mạng xã hội bằng cách cho trẻ chơi/xem trong khoảng thời gian 30 phút/hoặc 1 tiếng đồng hồ; bù lại, trẻ phải tham gia vận động hoặc đọc sách với thời gian tương ứng. Ngay cả yêu cầu giảm tải dạy học nâng cao, ngăn cấm dạy thêm học thêm cũng đang là yêu cầu bức thiết và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có quy định về việc thực hiện chủ trương này.

Trong tất cả các mô hình giữ gìn, kiến tạo hay mở rộng không gian an toàn cho trẻ, chúng ta đều thấy vai trò đồng hành, dẫn dắt của người lớn là rất quan trọng. Và trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều hơn những nguy cơ thì sự đồng hành, dẫn dắt đó càng đặc biệt quan trọng và cần thiết. Cũng cần khẳng định rằng, những mô hình không gian an toàn đã được triển khai trong thực tế hoàn toàn không khó thực hiện. Vấn đề chỉ là người lớn có đủ nhận thức, trách nhiệm và tình yêu thương để nỗ lực phát triển không gian an toàn cho trẻ một cách bền vững hay không mà thôi.

Phạm Anh Xuân (sinh năm 1976) từng là một cây viết nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực kinh tế của Báo Lao Động. Những năm gần đây, anh được biết đến là một nhà thơ, dịch giả, có gần 900 bài thơ viết cho thiếu nhi và 3 bài được chọn in vào sách giáo khoa.

 

Một phần tác phẩm của anh đã được xuất bản thành các tập thơ và truyện dài: “Ấm êm ngộ nghĩnh”, “Tuổi thơ trong trẻo”, “Bởi vì yêu thương”, “Trồng nụ trồng hoa”, “Nghé ọ Hai Xoáy”... Các tác phẩm của Phạm Anh Xuân được đánh giá là chạm vào thế giới của con trẻ, rất mộc, giản dị và nhân văn.

Phạm Anh Xuân cũng từng tham gia chuyển ngữ tuyển tập Ngụ ngôn La Fontaine (NXB Văn học và Đông A) được nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn thơ in Sách Tết của Đông A trong các năm 2019, 2020, 2021, 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn