MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kính râm

NAM ĐÔ LDO | 06/08/2016 14:07
Cô bạn gái người Nam ở mãi tận Kon Tum ra Hà Nội, muốn được đến vùng biển Quảng Ninh. Giữa hè, trời nắng nóng khủng khiếp, cả nhóm đều ấn vào mặt kính râm, đôi mắt đẹp và đượm buồn của cô bạn gái biến mất sau cặp chiếc kính: “Sao anh không dùng kính mát?”. Tôi đã giải thích câu hỏi này của vợ tôi từ thuở mới yêu nhau.

Chuyện là thế này:

Tôi đã làm vỡ một chiếc kính râm cách đây gần nửa thế kỷ. Ngày ấy tôi mới trên mười tuổi, nên nó hoàn toàn xa lạ, thậm chí xem ai đeo kính râm chỉ là loại người chơi bời. Trong khu nhà tôi ở có một anh họa sĩ, hơn tôi đến 16 tuổi, ở nhà chính, anh là con bà chủ cả tòa nhà này. Các gia đình cán bộ, công nhân viên ở khu gia nhân, nhà tôi được phân vào cái Gara. Không phải vì anh họa sĩ ấy mà tôi thích vẽ. Tôi chưa nhìn thấy bức tranh nào của anh ấy cả. Tự đóng giá vẽ, người quen cho màu, chì vẽ, tôi thường vẽ ở ngoài sân, dưới bóng cây nhãn già. Mấy lần bạn bè của anh họa sĩ nhìn thấy - chắc cũng là họa sĩ - bảo: “Thằng bé vẽ được đấy. Này, Trọng - tên anh họa sĩ - giới thiệu nó đi học vẽ đi”. Tôi chỉ láng máng biết rằng, anh Trọng có dạy vẽ hợp đồng ở Cung Thiếu nhi Hà Nội. Mãi sau, đến mùa hè, anh nói tôi cứ đến cái lớp ấy, gặp anh ấy, nói là em anh, không cần đóng tiền học. Hồi hộp và mừng vui, tôi đến lớp. Các bạn nhiều lứa tuổi, nhưng đều học trước khá lâu. Tôi hăm hở vẽ và đầy hy vọng. Thế rồi có một hôm khi cả lớp đứng ngoài sân để học vẽ bức tượng, một ông có vẻ lạnh lùng, nghiêm khắc - hình như là phụ trách tất cả lớp học vẽ - đến trước mặt tôi: “Em không có trong danh sách. Đây là lớp năng khiếu, không phải cứ muốn vào là được. Em ra khỏi lớp đi…”.

Tôi lủi thủi về nhà với nỗi đau chưa từng có. Không dám nói với bất cứ ai, kể cả anh Trọng. Từ đấy, không thích phơi mặt ngoài sân vẽ nữa, tôi âm thầm vẽ trong gian nhà chật hẹp của mình. Một hôm, lúc gần trưa tôi thấy anh Trọng về. Vừa vẽ được mươi bức với bột màu tử tế của nước ngoài xin được, tôi muốn mang lên nghe anh dạy bảo. Căn phòng của anh tôi lên cũng vài lần. Rộng, nhưng tối tăm, anh chỉ mở một bên cánh cửa sổ. Sách vở, áo quần, chai lọ vứt đầy trên nền nhà. Cả nhà chỉ có cái bàn con với hai cái ghế nhỏ như quán chè vỉa hè. Tôi ngồi xuống ghế, có ngờ đâu anh để cái kính râm trên đó. Mặt anh biến sắc: “Thôi, không xem gì nữa. Cậu với anh xuống nhà…”. 

Tôi len lén theo anh, trong tiếng gọi của mẹ tôi về ăn trưa. Anh ra hiệu cho mẹ tôi ra ngoài sân: “Chị à, em thật khó nói quá. Cháu nó làm vỡ cái kính râm của bạn em, không biết làm sao, bạn em tính nó cằn cặt, lại là đồ Pháp nữa…”. Tôi cúi đầu, tờ báo gói mấy bức tranh chỉ chực rơi xuống. Tôi thấy anh đeo đã lâu lắm rồi… Mẹ tôi thở dài, bảo anh chờ, vào nhà. Lát sau mẹ tôi ra, nhỏ nhẹ nói: “Xin lỗi vì cháu đã làm khó chú. Chưa đến kỳ lương, chú cầm tạm 15 đồng, chú giúp cho…”. Anh Trọng cười cười, ngập ngừng: “Chẳng ai muốn thế chị ạ, để em bù thêm vào vậy…”.

Bao năm rồi tôi vẫn không thể quên. Bữa trưa ấy tôi không thể nào ăn nổi. Tôi đã kể với mẹ tôi mà chỉ muốn khóc: “Con có ngờ đâu… Mẹ đừng nói với bố...”. Mẹ tôi thở dài: “Con không có lỗi. Lỗi là ở người lớn”. Làm sao tôi không biết gia cảnh nhà đông con, bố mẹ đã phải cố thế nào. Tôi cũng biết 15 đồng lớn thế nào, bằng cả phần ba tháng lương của mẹ…

Ngay trong ngày hôm ấy tôi đã chẻ cái giá vẽ làm củi, đốt hết tranh và đem cho bạn bút chì, màu vẽ. Tôi thề rằng không vẽ nữa, không bao giờ động đến cái thứ kính râm…

Một lời thề tôi không giữ nổi. Tôi không thể bỏ được vẽ. Vài năm sau tôi thi đỗ vào trường mỹ thuật, từ ấy sống chết với nghiệp vẽ. May mà có chút tên tuổi, bán được tranh, nuôi được gia đình. Còn anh Trọng thì đôi lần có gặp tôi, dù tôi đã chuyển nhà từ lâu. Anh đã ngoài 70, mươi năm qua gần như “ở ẩn”. Cũng không vẽ được mấy, khuôn mặt anh tóp teo, răng rụng, miệng móm. Anh nghẹn ngào kể lể về số phận của mình, lấy cô vợ sau, tính tình nghiệt ngã lắm, đưa con trai riêng về ở, nó lấy vợ, anh phải mua mảnh đất con con ngoại thành để sống… Tôi thấy tội nghiệp. Bữa trưa ấy, tôi uống vài chén động viên anh. Tôi nhìn vào mặt anh, nghĩ anh đang ứa nước mắt. Anh đeo kính râm. Còn tôi, sẽ chỉ đeo thứ kính dành cho tuổi già vì không thể chống lại được thời gian, với cái thứ kính râm, kính mát thì lời thề của tôi vẫn còn nguyên…

1.8.2016

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn