MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khái niệm kinh tế số được nhóm cộng tác kinh tế số thuộc Đại học Oxford (Anh) định nghĩa là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”. Trong đó, các giao dịch điện tử được tiến hành thông qua môi trường kết nối Internet.

Kinh tế số: Khác biệt ở công nghệ mới

TL (tổng hợp) LDO | 05/01/2020 12:25

Kinh tế số đang được đề cập đến thường xuyên hơn trong đời sống xã hội thời gian qua thay cho các khái niệm như kinh tế O2O (Online to Offline), kinh tế Internet... Sự thay đổi cách gọi này không chỉ là ở vỏ ngôn ngữ mà còn cả ở nội hàm của khái niệm.

Khái niệm kinh tế số được nhóm cộng tác kinh tế số thuộc Đại học Oxford (Anh) định nghĩa là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”. Trong đó, các giao dịch điện tử được tiến hành thông qua môi trường kết nối Internet.

Kinh tế số có thể có mặt ở tất cả lĩnh vực của nền kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất đến phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... khi mà công nghệ số được áp dụng vào toàn bộ hay đa phần qui trình.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy trong một cuộc hội thảo về kinh tế số cho rằng, kinh tế số là một phần của nền kinh tế chứ không phải là một thành phần tách rời. Trong khi khái niệm kinh tế Internet được sử dụng thịnh hành vài năm về trước có điểm nhấn chính là tính kết nối, liên thông trên môi trường mạng toàn cầu với sự chia sẻ kiến thức và tri thức thì khái niệm kinh tế số có sự hội tụ và hỗ trợ đắc lực của các công nghệ mới như điện toán đám mây, 5G, trí tuệ nhân tạo, học máy, tự động hóa, dữ liệu lớn... Những công nghệ mới này giúp doanh nghiệp xử lí khối lượng công việc lớn, đưa ra quyết định nhanh, chính xác và thông minh hơn.

Trong các quá trình xử lí chính của kinh tế số gồm xử lí vật liệu, xử lí năng lượng và xử lí thông tin thì việc xử lí thông tin  từ nguồn dữ liệu lớn (Big Data) đóng vai trò quan trọng nhất, thuận lợi để số hóa nhất và cũng giúp lược bỏ được nhiều khâu trung gian và tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó đưa ra những quyết định nhanh chóng, hiệu quả, tiết giảm được tình trạng tồn kho nguyên vật liệu và sản phẩm tại các nhà máy sản xuất.

Công nghệ số và dữ liệu giúp tạo ra những mô hình kinh doanh mới như Uber, Grab... Hoạt động chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ số cho nên nhiều doanh nghiệp kinh tế số đang được nhìn nhận là doanh nghiệp công nghệ thay vì là doanh nghiệp hoạt động có chuyên môn chính là vận tải, bán lẻ, giao hàng... Thậm chí, những mô hình kinh doanh mới của kinh tế số như Uber, Grab, Airbnb... còn bị xem là những “kẻ phá bĩnh” và xung đột lợi ích với các mô hình kinh doanh truyền thống như taxi, khách sạn...

Trên phạm vi toàn cầu hiện nay, các mô hình kinh doanh mới của nền kinh tế số đều có tính sáng tạo nhất định, đặc biệt là ở phương thức kinh doanh, cung cấp dịch vụ, chăm sóc khách hàng... Song cũng hầu hết các doanh nghiệp kinh tế số trên thế giới phát triển tự phát trước khi được chính quyền hỗ trợ bằng hành lang pháp lí với các chính sách thúc đẩy phát triển và kích thích sáng tạo. Thậm chí, có những quốc gia như Singapore còn áp dụng cơ chế Sandbox cho phép các doanh nghiệp thí điểm các mô hình kinh doanh mới dựa trên những nền tảng công nghệ tiên tiến.

Hơn bất cứ thời kì kinh tế nào khác, thời kì kinh tế số hiện nay doanh nghiệp sẽ rất khó khăn để tồn tại riêng rẽ thiếu tính hợp tác và kết nối. Kinh tế số buộc các doanh nghiệp đổi mới qui trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái. Doanh nghiệp này có thể nằm trong hệ sinh thái của doanh nghiệp kia và ngược lại, hoặc nằm trong chuỗi cung ứng của nhau, có mối liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thương mại, sử dụng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn