MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BTS, Blackpink là những nhóm nhạc Kpop đang làm khuynh đảo thị trường âm nhạc thế giới. Ảnh: Xinhua

Kpop và cỗ máy in tiền cho GDP Hàn Quốc

Mi Lan LDO | 04/09/2022 07:26
Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển nền công nghiệp văn hóa, để từ đó tiến tới xuất khẩu thương hiệu văn hóa. Chiến lược được định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Tham vọng này là cần thiết nhưng sẽ phải cần rất nhiều thời gian, khi những lĩnh vực dễ sinh lời nhất là điện ảnh, âm nhạc của chúng ta lại đang thua lỗ.

Gần nhất, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện kế hoạch “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố. Đến 2045 con số này là 10%.

Kế hoạch này được đề xuất giữa bối cảnh nền công nghiệp văn hóa giải trí ở nhiều quốc gia đã trở thành “con gà đẻ trứng vàng”. Trong đó Hàn Quốc đang trở thành biểu tượng cho nền công nghiệp văn hóa phát triển vượt bậc. Từ sự lan tỏa, sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Kpop, phim ảnh khắp toàn cầu, nhiều ngành kinh tế khác của Hàn Quốc cũng được quảng bá, phát triển thần kỳ, đơn cử như du lịch, ô tô, điện thoại, điện máy, thời trang, mỹ phẩm...

Chính nền công nghiệp văn hóa giải trí đã đưa Hàn Quốc từ quốc gia nghèo đói bậc nhất Châu Á những năm 1960 trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 Châu Á, thứ 10 thế giới về GDP năm 2020.

Sự khuynh đảo của Kpop và phim Hàn

Hàn Quốc là quốc gia duy nhất đặt mục tiêu đứng đầu thế giới về xuất khẩu văn hóa đại chúng, và định vị thương hiệu quốc gia là Văn hóa kinh tế. Tổng thống Kim Dae Jung từng nổi tiếng với câu nói: "Doanh số phim Công viên khủng long bằng doanh số 1,5 triệu chiếc xe hơi Hàn Quốc". Nhìn thấy tiềm năng từ văn hóa - giải trí, Chính phủ Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị nhân lực và đầu tư cho ngành này từ thập niên 80 thế kỷ trước để đến nay, họ đã là một đế chế hùng mạnh với sức ảnh hưởng rộng khắp toàn cầu.

Kpop vẫn đang trên đà chứng tỏ sức mạnh của một nền công nghiệp âm nhạc bài bản, chuyên nghiệp. BTS, Blackpink là 2 đại diện sáng giá nhất giúp Kpop lan tỏa khắp thế giới. BTS hay Blackpink và những nhóm nhạc Kpop còn là “cỗ máy in tiền” cho GDP Hàn Quốc. 

Theo kết quả của Viện nghiên cứu Hyundai (HRI), đóng góp của BTS vào GDP Hàn Quốc tương đương với hãng hàng không quốc gia Korean Air. Theo báo cáo năm 2019, hiệu quả kinh tế tổng của BTS là 5.560 tỉ won (khoảng 4,5 tỉ USD). Với “Gangnam Style”, PSY từng mang lại giá trị kinh tế 1.000 tỉ won, Blackpink cũng đang mang về những giá trị khủng với loạt sản phẩm mới. Nếu so sánh với các tập đoàn lớn, giá trị kinh tế mà BTS mang lại đang từng bước sánh ngang với Samsung, Hyundai, SK và LG - 4 tập đoàn hàng đầu chiếm một nửa doanh số bán hàng của 71 tập đoàn kinh doanh lớn tại Hàn Quốc.

Hồi năm 2018, New York Post dẫn số liệu của HRI ước tính 7 thành viên BTS đã mang về cho nền kinh tế Hàn Quốc 3,6 tỉ USD mỗi năm. Để hình dung, chúng ta có thể làm phép so sánh nhỏ với ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 2 thế giới (ước tính đứng thứ 3 trong năm 2022) về xuất khẩu gạo toàn cầu.

Theo đó, năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam là 6,2 triệu tấn tương đương 3,3 tỉ USD, tăng 5% so với năm 2020. Năm 2020, theo CNN, BTS - nhóm nhạc BTS đóng góp giá trị hơn 4,5 tỉ USD  cho nền kinh tế Hàn Quốc, chiếm 0,3% tổng GDP.

Như vậy để thấy, những sản phẩm văn hóa có thể đóng góp cho kinh tế lớn đến mức nào.

SCMP từng ước tính, Chính phủ Hàn Quốc đã thu lời được 5 USD với mỗi USD đầu tư cho Kpop. Không chỉ với nghệ thuật đại chúng, Hàn Quốc đã bội thu ở nhiều lĩnh vực khác nhau đến mức không thể thống kê nhờ sức lan tỏa của Kpop và phim ảnh.

Ngoài việc thu lợi từ bán vé các show diễn, bán đĩa nhạc, tải nhạc và bán các sản phẩm in hình thần tượng, các ngôi sao K-Pop còn giúp kinh tế Hàn phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chỉ tính riêng năm 2017, cứ 13 khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc thì có 1 người hâm mộ BTS. Du lịch Hàn Quốc đã có những bước tăng trưởng vượt bậc sau làn sóng Hallyu (làn sóng Hàn Lưu) khuynh đảo khắp Châu Á.

Sau hàng loạt bộ phim gây bão như “Bản tình ca mùa đông”, “Mối tình đầu”, “Anh em nhà bác sĩ”... Người Châu Á đổ xô đến Hàn Quốc du lịch. Những món ăn Hàn từ phim ảnh bước ra thị trường ẩm thực đã làm nên những trào lưu “trending” được yêu thích ở khắp các quốc gia. Thời trang ứng dụng, mỹ phẩm, điện thoại, ô tô Hàn Quốc lên ngôi sau khi phim Hàn được yêu thích.

Không chỉ lan tỏa dòng phim Hallyu, điện ảnh Hàn còn đang chứng tỏ sự xuất sắc bậc nhất Châu Á khi là quốc gia đầu tiên đoạt Oscar ở hạng mục “Phim xuất sắc”. Điện ảnh Hàn Quốc đã có giải Oscar, giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes. Họ không chỉ phát triển về số lượng, về dàn diễn viên xinh đẹp lộng lẫy,  còn phát triển về “chất”.

Cũng như với Kpop, những nhóm nhạc Hàn Quốc đang khuynh đảo những bảng xếp hạng âm nhạc uy tín nhất hành tinh và tham gia biểu diễn ở những sân khấu âm nhạc lớn nhất thế giới.

Phim Việt ế ẩm, thua lỗ, nhạc Việt đầy scandal trong 8 tháng đầu năm 2022.

Showbiz Việt có gì?

Điện ảnh và âm nhạc Việt sẽ phải cần đến rất nhiều năm nữa mới có thể mơ đến giấc mơ xuất khẩu và kiếm tiền như một ngành kinh tế mũi nhọn.

Hai năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phim ảnh, sân khấu âm nhạc cùng với mọi hoạt động biểu diễn ở Việt Nam đều gần như tê liệt và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Ở lĩnh vực âm nhạc, hầu hết giới ca sĩ đều “nằm im” chờ thời. Từ cuối 2021 đến nay, một số ca sĩ hoạt động rục rịch trở lại, nhưng số sản phẩm âm nhạc ghi được dấu ấn chưa đếm hết một bàn tay. MV mới lạ “Có không giữ mất đừng tìm” của Trúc Nhân, hay sản phẩm được đầu tư “Đánh đố” của Hoàng Thùy Linh... trở nên nhỏ bé, hiếm hoi giữa hàng loạt scandal chấn động, liên tiếp xảy đến với giới nhạc Việt trong 8 tháng đầu năm 2022.

MV “There is no one at all” với ca từ, hình ảnh tiêu cực đã khiến ca sĩ Sơn Tùng M-TP phải đối diện với án phạt 70 triệu đồng từ cơ quan chức năng đồng thời phải gỡ bỏ MV khỏi nền tảng YouTube.

Đông Nhi cãi nhau tay đôi trên mạng xã hội với fan khiến nữ ca sĩ phải đối diện scandal "thoát fan" lớn nhất sự nghiệp. Ca sĩ Hiền Hồ vướng bê bối đời tư, bị tẩy chay diện rộng. Ca sĩ Hoài Lâm xuất hiện với hình ảnh vừa livestream chào khán giả vừa ngủ gật... 

Khi scandal chiếm lĩnh thị trường, câu chuyện âm nhạc trở nên mờ nhạt. Những liveshow thưa thớt, chủ yếu mang tính thương mại, phục vụ quảng cáo. Loạt sản phẩm âm nhạc phát hành trên không gian mạng bị chỉ trích chất lượng kém. Thị trường âm nhạc bấp bênh, số đông ca sĩ hoạt động cầm chừng, nhỏ lẻ.

Những cuộc thi âm nhạc tìm kiếm tài năng trên các kênh sóng cũng im hơi lặng tiếng. Việc casting thí sinh bị trì hoãn khi dịch diễn ra suốt 2 năm, cộng thêm sức nóng giảm sút, thí sinh lu mờ sau các cuộc thi gần đây... khiến hàng loạt chương trình như Giọng hát Việt (The Voice), King of Rap, Rap Việt... vẫn “im thin thít, lặn mất tăm”.

Ở lĩnh vực điện ảnh cũng không nhìn thấy những dấu hiệu khả quan, khi số lượng phim sản xuất ít ỏi, ra rạp nhỏ giọt và hầu hết là thua lỗ. 8 tháng đầu năm 2022 có hơn 20 phim điện ảnh ra rạp, duy nhất chỉ có “Em và Trịnh” đoạt doanh thu trăm tỉ, nhiều ứng viên được đánh giá sáng giá như “Nghề siêu dễ”, “Chìa khóa trăm tỉ”... đều chỉ dừng ở con số vài chục tỉ.

Đa số còn lại là những phim chỉ thu được vài tỉ đồng, phải rút khỏi rạp chiếu sớm do ế ẩm, có thể kể đến như “Kẻ thứ 3” (doanh thu xấp xỉ 1 tỉ đồng), “Mến gái miền Tây” (8 tỉ đồng), “Người lắng nghe” (2,5 tỉ đồng), “Người tình” (1,2 tỉ đồng), “Mưu kế thượng lưu” (1 tỉ đồng), “Mỹ nhân thần sách” (168 triệu đồng)...

Những con số này sau khi chia 50-60% doanh thu cho nhà rạp, sẽ còn lại số tiền ít ỏi, thua lỗ nặng nề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn