MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động May 10 luôn được quan tâm đào tạo. Ảnh: Linh Nguyên

Kỹ năng cứng và kỹ năng mềm của người lao động đều rất quan trọng

Linh Nguyên LDO | 10/10/2021 11:43
Quyết tâm thu hẹp dần khoảng cách trong hợp tác nâng cao năng lực cho người lao động hướng tới công nghiệp 4.0, đảm bảo tiếp cận công bằng, đầy đủ và đa dạng với thông tin, nguồn lực cũng như các cơ hội nâng cao năng lực mang tính đặc thù của công nghiệp 4.0 là những nội dung Diễn đàn đa phương 2021 hướng tới. Các chuyên gia đến từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế, tổ chức xã hội, doanh nghiệp... đã thẳng thắn trao đổi về vấn đề này.

Bắt đầu từ câu chuyện tiếp cận công nghiệp 4.0

Tại cuộc Toạ đàm trong Hội thảo “Thu hẹp khoảng cách trong thúc đẩy quyền năng người lao động: Quan điểm - thực hành và tiềm năng hợp tác giữa các chủ thể” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Samsung, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam và Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng ÁNH SÁNG - LIGHT phối hợp tổ chức, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10 kể về câu chuyện tiếp cận công nghiệp 4.0 của doanh nghiệp. Đây là doanh nghiệp sử dụng rất nhiều lao động tại 19 nhà máy ở 9 tỉnh, thành phố. Đặc thù của lực lượng lao động ở đây là lao động phổ thông, đa phần từ nông thôn, khi vào làm đều phải đào tạo. Với May 10, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển của doanh nghiệp nên luôn lấy con người làm trọng tâm. Từ thực tế, ông Việt khẳng định đối với chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 thì đào tạo là khâu quan trọng. Người lao động lo lắng trong Cách mạng công nghiệp 4.0 liệu họ có bị mất việc không, có khả năng học tập để đáp ứng yêu cầu mới không, một trong số đó là có học được ngoại ngữ để sử dụng được máy móc mới hay không. Do đó, doanh nghiệp phải giải quyết được vấn đề này trên cơ sở phải quan tâm tới tâm lý, nguyện vọng của người lao động bởi doanh nghiệp chuyển đổi số thì người lao động phải chuyển đổi nhận thức.

Ông Việt lấy ví dụ, trong 1 chuyền may có 33 công đoạn, mỗi người làm 1 công đoạn. Trước đây, 1 người làm 1 máy, nhưng khi áp dụng công nghệ thì 1 người làm 3 máy. Để người lao động chấp nhận điều này thì phải tuyên truyền và đào tạo. Hay như ở tổ cắt, bình thường phải có 70-80 người làm để phục vụ các công đoạn sau. Khi dùng trang thiết bị hiện đại thì 1 máy cắt thay được 12 người; trước chỉ có nam giới mới làm được ở tổ cắt, nay vì có máy móc nên nữ giới cũng làm được. Nhưng rõ ràng, để người lao động có thể làm được thì doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo.

Một ví dụ khác, năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong quý I và quý II nên phải chuyển đổi từ may quần áo sang may khẩu trang. May quần áo thì đơn hàng xong trong thời gian từ 5 - 6 tháng, còn may khẩu trang thì từ khi ký hợp đồng đến lúc hoàn thành chỉ trong 1 tuần. Vì khẩu trang là mặt hàng khác hẳn, để người lao động làm được, doanh nghiệp phải đào tạo, cộng với quyết tâm thay đổi của người lao động...

Nhiều ý kiến cho rằng trong công nghiệp 4.0 cần ưu tiên nâng cao năng lực cho 1 bộ phận rất lớn người lao động đang làm việc tại những doanh nghiệp nhỏ vì hiện có hàng triệu doanh nghiệp hộ gia đình, hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ. Việc nâng cao năng lực cho người lao động ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ không đơn giản vì những doanh nghiệp này không có điều kiện cũng như năng lực như các doanh nghiệp lớn. Một vấn đề nữa liên quan đến rào cản là sự định kiến, khuôn mẫu đối với phụ nữ vẫn còn ngay trong gia đình và xã hội. Trong lúc đó, nữ chiếm tỉ lệ rất lớn ở các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ này.

Bên cạnh đó, theo phân tích, công nghệ là trung tính nên cơ hội nó mang lại đã không ngang bằng nhau đối với người lao động có xuất phát từ nông thôn và xuất phát từ thành thị, cũng như đối với người có tuổi và người trẻ tuổi. Thực tế đã cho thấy người có trình độ tay nghề cao thì việc nắm bắt cơ hội do công nghệ mang lại tốt hơn là với những người không có điều kiện về tay nghề, trong đó có cả những phụ nữ nghèo...

“Con người mới là yếu tố cơ bản tạo nên công nghiệp 4.0”

Bà Akustina Morni, cố vấn cấp cao Khu vực Châu - Thái Bình Dương của Tổ chức giới chủ quốc tế, cho rằng chính lớp học sinh tiểu học hiện nay sẽ trở thành lực lượng lao động rất khác biệt trong tương lai nên hệ thống giáo dục cần đáp ứng những yêu cầu của sự khác biệt này. Nghĩa là cần được trang bị kiến thức tư duy phản biện, công nghệ... - đây là những yếu tố hỗ trợ cho các em tham gia thị trường lao động sau này.

Bà Akustina Morni nhấn mạnh đào tạo, tập huấn kỹ năng cho người lao động là việc rất quan trọng để thúc đẩy quyền năng cho người lao động làm việc ngày 1 sáng tạo hơn. Cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm đều rất quan trọng, làm tăng hiệu suất trong công việc, đồng thời giúp người lao động có khả năng linh hoạt, ứng phó các tình huống trong công việc bên cạnh tầm quan trọng của kỹ năng chuyên môn. 

Còn bác sĩ, thạc sĩ Nguyễn Thu Giang - đồng Chủ tịch sáng lập/Phó Viện trưởng Viện LIGHT, Trưởng Ban điều hành mạng lưới Mnet - thì đặt vấn đề nói đến công nghiệp 4.0 là nói đến xu hướng của tự động hoá và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Điều này đôi khi khiến nhiều người tưởng lầm rằng công nghiệp 4.0 sẽ làm cho quá trình sản xuất trở nên “vô hồn” hơn, làm mất đi vai trò của con người. Thực tế ngược lại - chính con người mới là yếu tố cơ bản tạo nên công nghiệp 4.0. Yếu tố con người cũng quyết định việc Cách mạng công nghiệp 4.0 này trong một doanh nghiệp, một tập đoàn, một quốc gia... có thành công hay không và thành công ở mức độ nào. Trong mỗi quốc gia, cấu trúc xã hội bao gồm 3 thành phần chính là “Nhà nước - Doanh nghiệp - Tổ chức xã hội”. Đó là một “tam giác phát triển” mà mỗi đỉnh của nó đều có vai trò và vị trí nhất định trong sự phát triển bền vững của một đất nước cũng như trên phạm vi toàn cầu. Vai trò và sự hiện diện của các Tổ chức xã hội trong quá trình phát triển là yếu tố không thể thiếu, góp phần đảm bảo tính dân chủ, sự phù hợp và hiệu quả, minh bạch của các chính sách và pháp luật, đồng thời đảm bảo sự công bằng - bình đẳng và đa dạng trong cách tiếp cận và quá trình thực thi chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ mới tại Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - khẳng định trong Cuộc cách mạng 4.0 người lao động có vai trò là hạt nhân quyết định “đoàn tàu” chạy nhanh hay chậm. Công đoàn - tổ chức đại diện cho người lao động - đang thực hiện chuyển đổi số với việc số hoá khoảng 12 triệu đoàn viên, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên. Đây cũng là cơ sở để tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên...

Để tối ưu hoá các nguồn lực xã hội, thu hẹp dần khoảng cách trong hợp tác nâng cao năng lực cho người lao động hướng tới công nghiệp 4.0, đảm bảo tiếp cận công bằng, đầy đủ và đa dạng với thông tin, nguồn lực cũng như các cơ hội nâng cao năng lực mang tính đặc thù của công nghiệp 4.0, cần khai thác được tiềm năng hợp tác giữa các chủ thể nhằm tối ưu hóa các nguồn lực xã hội. Đây cũng sẽ là 1 trong những nội dung được đặt ra tại Diễn đàn “Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam” dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10.2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn